Điều 60 Luật Bảo hiểm Xã hội: Ưu việt, nhưng có điểm chưa phù hợp

ANTĐ -Sáng 22-5, Quốc hội thảo luận ở tổ về một số nội dung chính: Chương trình xây dựng và điều chỉnh Luật, Pháp lệnh, Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (QH&HĐND), Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) 2014.

Tại phòng họp của Đoàn ĐBQH TP.Hà Nội, nội dung “sửa hay không sửa Điều 60 Luật BHXH 2014” được thảo luận sôi nổi. Đa số đại biểu đều khẳng định, Điều 60 là ưu việt nhưng có điểm chưa phù hợp với thực tế, cần điều chỉnh.

Quang cảnh buổi thảo luận của Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Về phương án đề nghị Quốc hội ra Nghị quyết quy định lộ trình cụ thể, Đại biểu Nguyễn Đình Quyền bày tỏ sự đồng tình và cho rằng quy định này nhằm hướng tới chính sách bảo hiểm xã hội tốt hơn cho người lao động. Đại biểu Đinh Xuân Thảo cũng thống nhất với quan điểm này và phân tích thêm, việc xem xét thông qua Luật BHXH là đúng quy trình, song khâu lấy ý kiến của các đối tượng chịu tác động của luật chưa tốt.

Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (đoàn Hà Nội) phát biểu

Theo đại biểu Nguyễn Bắc Son, Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ban hành công khai minh bạch, đảm bảo quyền lợi lâu dài của người lao động, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước, xã hội tới người dân. Song quy định tại Điều 60 không phù hợp với một bộ phận người lao động (tính ổn định không cao, lương thấp) trong thời điểm hiện tại. Pháp luật cho dù đúng đắn nhưng nếu khó đi vào cuộc sống thì phải xem xét sửa, song điều quan trọng là sửa thế nào cho phù hợp. “Nên ra Nghị quyết về lộ trình thực hiện” – Đại biểu Nguyễn Bắc Son kiến nghị.

 Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cho rằng, nguyên nhân dẫn tới việc một bộ phận người lao động không đồng tình với quy định tại Điều 60 là do công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật chưa tốt. Bên cạnh đó, quy định này đảm bảo an sinh cho người lao động nên thay vì sửa luật cần kiên trì vận động thuyết phục người lao động nghiêm túc thực hiện.

 Tán thành ý kiến trên, Đại biểu Nguyễn Phạm Ý Nhi cho biết, số người lao động chưa đồng tình với quy định tại Điều 60 chỉ là một bộ phận nhỏ có thời gian đóng BHXH ngắn…Việc sửa luật chỉ giải quyết được khó khăn cho số ít người, nhưng sẽ làm số người hưởng trợ cấp một lần tăng lên, số người về già không có lương hưu cũng gia tăng làm ảnh hưởng đến chính sách bảo hiểm hưu trí, không khuyến khích việc tham gia BHXH lâu dài. Do vậy, Quốc hội không nên sửa Điều 60 mà cần làm tốt công tác tuyên truyền Luật BHXH tới người lao động. Bên cạnh đó, Chính phủ nên có giải pháp hỗ trợ cho người lao động có khó khăn trước mắt.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) phát biểu

 Trái ngược với quan điểm trên, Đại biểu Bùi Thị An lại khẳng định, quy định tại Điều 60 Luật BHXH là không sai nhưng chưa đầy đủ vì còn không ít người lao động có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Do vậy, Đại biểu Bùi Thị An hoan nghênh sự lắng nghe, tiếp thu của Chính phủ và các cơ quan Nhà nước, kiến nghị sửa Điều 60 của Luật theo hướng tăng thêm cơ hội lựa chọn cho người lao động có thêm cơ hội lựa chọn. ĐB Nguyễn Quốc Bình cũng thống nhất với quan điểm sửa Điều 60 Luật BHXH vì thực tiễn quản lý lao động ở các khu công nghiệp cho thấy nhiều lao động chỉ làm việc tại 1 doanh nghiệp trong thời gian ngắn vì nhiều lý do khác nhau.
Còn theo Đại biểu Chu Sơn Hà, đa số người lao động mong muốn đóng BHXH lâu dài để hưởng chế độ hưu trí khi về già. Khi xây dựng luật BHXH việc đánh giá tác động, lấy ý kiến đối tượng tác động chưa đầy đủ. Nếu tiến hành sửa  Điều 60 phải tuân thủ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, còn nếu ban hành Nghị quyết xác định lộ trình thực hiện Điều  60 cũng không đơn giản. Do vậy, trước khi quyết định theo hướng nào nên có đánh giá chính thức đối với đối tượng điều chỉnh tại điều 60 Luật BHXH 2014.

Liên quan đến nội dung này, Đại biểu Phạm Đình Thường (Thái Bình) cũng nêu quan điểm cần phải sửa Điều 60 Luật BHXH do số lượng lao động đóng BHXH từ 5-7 năm khá nhiều. Còn theo Đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), quy định tại Điều 60 là đúng đắn nhằm đảm bảo an sinh xã hội lâu dài. Lý do khiến một số người lao động chưa đồng tình là do công tác tuyên truyền còn chậm và yếu. Trong trường hợp nếu quyết định sửa đổi Điều 60 thì cần bổ sung thêm điều kiện về thời gian để thu hẹp điều kiện hưởng BHXH 1 lần.

Về Luật hoạt động giám sát của QH&HĐND, các đại biểu đã tập trung làm rõ khái niệm giám sát, nên có cơ chế giám sát đối với nhóm đại biểu, nên đưa vấn đề hậu giám sát vào trong luật, làm rõ trách nhiệm của chủ thể giám sát…
Với chương trình xây dựng luật, Pháp lệnh nhiều ý kiến cho rằng cần cân nhắc, xem xét các dự án luật cần thiết cho việc điều hành của bộ máy Nhà nước, hạn chế văn bản hướng dẫn và điều luật giao cho Chính phủ, các Bộ, chuyển một số dự án luật chưa cấp bách sang Quốc hội khóa sau xem xét để đảm bảo chất lượng…