Cần công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án

ANTĐ -Sáng nay 23-5, Quốc hội tiếp tục thảo luật tại tổ về các vấn đề trong Bộ luật Tố tụng Dân sự (TTDS) sửa đổi

Tại đoàn ĐBQH TP. Hà Nội, đa số đại biểu cho rằng, việc  sửa đổi Bộ luật TTDS là cần thiết để phù hợp với Hiến pháp 2013 và yêu cầu thực tiễn đặt ra. Nội dung thảo luận xoay quanh 3 vấn đề lớn: Về quyền yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp được quy định tại Điều 4 Dự thảo “Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”; Sự tham gia của Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) đối với phiên tòa, phiên họp giải quyết vụ việc dân sự; Công nhận kết quả hòa giải ngoài toà án, thủ tục rút gọn trong TTDS...

Các đại biểu tham gia thảo luận tại tổĐB Đinh Xuân Thảo tán thành quan điểm sửa đổi, bổ sung Bộ luật TTDS, song cần ưu tiên sửa đổi các quy định nhằm đáp ứng yêu cầu mới tại Hiến pháp 2013, giải quyết vướng mắc trong quá trình xử lý các vụ việc. Việc công nhận kết quả hòa giải ngoài phiên tòa là đúng đắn vì “việc dân sự cốt ở hai bên”. Quy định này nhằm làm tăng giá trị của việc hòa giải, khuyến khích việc tham gia hòa giải, giảm bớt vụ việc khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết. 

ĐB Đinh Xuân Thảo phát biểu

Về nguyên tắc tranh tụng trong TTDS, nội dung này bảo đảm cho các bên đương sự được tự do đưa ra các chứng cứ, lập luận, lý lẽ nhằm chứng minh cho các yêu cầu của họ. Do vậy, nguyên tắc này cần được thể hiện rõ hơn trong từng giai đoạn xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm.

ĐB Đỗ Kim Tuyến phát biểu

Còn theo ĐB Đỗ Kim Tuyến, quy định tại Khoản 2 Điều 4 Dự thảo: Tòa án không được từ chối yêu cầu giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có điều luật để áp dụng”  mang tính ưu việt cao. Song đây là vấn đề mới nên cần được nghiên cứu hết sức thận trọng để vừa đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vừa mang tính khả thi. Thủ tục rút gọn trong TTDS là cần thiết nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 và Luật tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014, song áp dụng khó nên cần quy định rõ.

Quy định về việc cho phép áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời không gắn liền khởi kiện là điểm mới nhằm đảm bảo việc thi hành án nhưng cần quy định rõ điều kiện, trường hợp áp dụng, tránh việc áp dụng tràn lan. Về vấn đề công nhận kết quả hòa giải ngoài tòa án là quy định đúng đắn nhưng phải xem xét có khách quan hay không vì trên thực tế có những vụ hòa giải không đảm bảo công bằng. Bên cạnh đó, cũng cần quy định chi tiết về trình tự, thủ tục, giá trị pháp lý và việc thi hành quyết định công nhận hòa giải ngoài tòa án.

ĐB Nguyễn Sơn phát biểu

ĐB Nguyễn Sơn nêu quan điểm, về thủ tục rút gọn trong TTDS, thực tế cho thấy có nhiều vụ tranh chấp dân sự đã được giải quyết nhưng bên có nghĩa vụ vẫn muốn kéo dài thời gian. Trong trường hợp chứng cứ rõ ràng, văn bản đầy đủ thì Tòa án cần giải quyết nhanh gọn nhằm đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người dân. Còn về quy định công nhận kết quả hòa giải ngoài phiên tòa, vấn đề đặt ra là phải đảm bảo kết quả đó có hiệu lực thi hành. Với quy định bổ sung phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận và công khai chứng cứ tại phiên tòa sơ thẩm, đây là quy định mới và cần thiết nhằm làm làm tăng tính minh bạch trong việc giao nộp chứng cứ.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh phát biểu, có bản án tòa tuyên không rõ dẫn đến thiếu khả thi khi thi hành, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Do vậy, nên có quy định về việc xem xét lại vụ án nhằm đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật...