Chất vấn tại Kỳ họp thứ 11, HĐND TP Hà Nội khóa XIV:

Biệt thự, nước sạch làm nóng nghị trường

ANTĐ - Hôm qua (4-12), HĐND TP dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về hàng loạt vấn đề nóng như quản lý nhà biệt thự, cải tạo chung cư cũ, nợ đọng xây dựng cơ bản, nước sạch, ô nhiễm môi trường… 

Biệt thự, nước sạch làm nóng nghị trường ảnh 1Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội lấy mẫu xét nghiệm nước sạch
tại bể ngầm tòa CT2 Khu đô thị Nam Đô

Quản lý biệt thự còn nhiều sai sót

Với tinh thần đeo bám đến cùng các vấn đề đã chất vấn, ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) nêu câu hỏi đối với việc quản lý biệt thự trên địa bàn TP: “Thẩm quyền nào để UBND TP đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý theo Nghị quyết số 18 của HĐND TP? Việc thanh tra theo yêu cầu của UBND TP đến nay vẫn chưa có kết quả, TP có giải pháp gì để yêu cầu các đơn vị thực hiện và bao giờ hoàn thành kết luận thanh tra?”. 

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh cho biết, việc thanh tra chưa hoàn thành do khối lượng công việc lớn, khó khăn phức tạp liên quan đến hồ sơ. “Trong thực tế, việc quản lý hồ sơ có sai sót do lịch sử để lại. Vì vậy, cuối tuần qua, chúng tôi đã yêu cầu, tới ngày 15-12, các đơn vị liên quan phải có văn bản chính thức báo cáo về thực trạng hồ sơ. Chúng tôi sẽ xem xét trách nhiệm các đơn vị quản lý hồ sơ và đồng ý với đại biểu về việc có thể tiến hành thanh tra công vụ. TP cũng đã có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thanh tra. Về mặt quy trình, có một số việc đã phát hiện thiếu chặt chẽ và chúng tôi sẽ căn cứ vào kết luận thanh tra cuối cùng để xử lý” - ông Vũ Hồng Khanh cho biết.

Tiếp tục trả lời các câu hỏi của ĐB Nguyễn Hoài Nam và ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa) liên quan đến việc quản lý biệt thự, Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh cho biết, việc đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục không phải là loại ra khỏi danh mục quản lý, mà đây là phân loại để bảo tồn, tôn tạo, giữ gìn biệt thự. “Công tác tham mưu có sai sót nên trách nhiệm thuộc về tổ chức, cá nhân làm nhiệm vụ này. Thanh tra công vụ sẽ xác định trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, nếu có dấu hiệu vi phạm pháp luật sẽ chuyển cơ quan chức năng điều tra” - ông Vũ Hồng Khanh khẳng định.

Nước sạch đáp ứng đúng tiêu chuẩn

Đây là khẳng định của Giám đốc Sở Xây dựng TP Hà Nội Lê Văn Dục trước các câu hỏi chất vấn liên quan đến vấn đề chất lượng nước sạch và nước hợp vệ sinh và nghi ngại về tình trạng ô nhiễm nước mặt sông Đà, sông Hồng do hệ thống nước thải công nghiệp, nước thải dân sinh. 

ĐB Nguyễn Văn Phong (Sóc Sơn) nêu câu hỏi: “Cử tri rất quan tâm đến vấn đề bãi rác của TP Hòa Bình gây ô nhiễm nước sông Đà. Việc này có ảnh hưởng đến chất lượng nước cung cấp cho người dân hay không?”.

Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, Nhà máy nước Hòa Bình do Công ty Viwasupco quản lý, khai thác, vận hành và có trách nhiệm kiểm soát chất lượng nước từ nguồn đến đồng hồ cấp cho các công ty bán lẻ. Định kỳ, Công ty lấy mẫu phân tích chất lượng nước nguồn và phối hợp với chính quyền địa phương bảo vệ, chống ô nhiễm nguồn nước. Các mẫu được lấy kiểm nghiệm gần đây nhất đều đạt yêu cầu. 

Chuyển sang phần chất vấn về quản lý nhà chung cư, nhà tái định cư tại các khu đô thị, các đại biểu đề nghị UBND TP làm rõ trách nhiệm, giải pháp khắc phục tình trạng chậm và thiếu đồng bộ trong đầu tư xây dựng, khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị tại nhiều khu đô thị, khu nhà ở. 

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, đầu tư xây dựng khớp nối hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng khu đô thị chậm là do thị trường bất động sản thời gian qua có dấu hiệu phục hồi nhưng doanh nghiệp vẫn khó khăn, dẫn đến khó thực hiện xã hội hóa đầu tư trong khi nguồn ngân sách hạn chế... Trách nhiệm này đầu tiên thuộc về chủ đầu tư dự án, sau đó là lãnh đạo sở, ngành. Giải pháp là yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, trường học đúng tiến độ, khớp nối với hạ tầng khu vực xung quanh.

Xung quanh công tác cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, ĐB Nguyễn Tuấn Thịnh (Chương Mỹ) chất vấn: “HĐND TP đã có nghị quyết nhưng đến nay cải tạo chung cư cũ vẫn vướng mắc, vậy công tác tham mưu đã hiệu quả chưa và có biện pháp gì để khắc phục?”.

Ông Lê Văn Dục trả lời, bên cạnh một số khó khăn về chính sách, việc cải tạo chung cư cũ được thực hiện theo phương thức xã hội hóa, do vậy nguồn lực chủ yếu dựa vào việc cân đối tài chính của dự án. Việc xây dựng, cải tạo cần sự đồng thuận của 2/3 tổng số chủ sử dụng nên có nhiều trường hợp khiếu nại làm chậm tiến độ. 

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng): Sẽ đeo bám đến cùng vấn đề nhà biệt thự

“Tôi chưa thỏa mãn với phần trả lời của UBND TP về việc đưa 312 biệt thự ra khỏi danh mục quản lý mà HĐND TP đã thông qua. Khi UBND TP triển khai rà soát, nếu thấy các biệt thự đó không còn đủ điều kiện để quản lý theo tiêu chí đã trình HĐND TP trước đây, thì UBND phải báo cáo lại HĐND. Từ cơ sở quyết định của HĐND TP, UBND TP mới được đưa các biệt thự đó ra khỏi diện quản lý.

UBND TP đang tổ chức thanh tra vấn đề này nhưng quá chậm bởi các đơn vị liên quan chưa cung cấp đủ hồ sơ. Chúng tôi sẽ đeo bám đến cùng vấn đề này”. 

ĐB Nguyễn Xuân Diên (Ứng Hòa): Chưa rõ trách nhiệm

“Nói chung, các vị đại diện UBND TP, sở, ngành đã thấy được trách nhiệm của mình. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo nội dung chất vấn của đại biểu cũng cần làm rõ hơn nữa trách nhiệm của từng cấp, từng ngành trong quá trình quản lý Nhà nước nói chung và trong từng lĩnh vực nói riêng.

Khi chúng tôi chất vấn về quản lý nhà biệt thự là muốn nói tới công tác tham mưu của các cơ quan cho UBND TP. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang trong quá trình thanh tra nên UBND TP chưa thể chỉ rõ trách nhiệm của đơn vị nào, cá nhân nào cho nên việc này chúng ta vẫn phải chờ.  

Công tác quản lý biệt thự có liên quan đến nhiều vấn đề, chính vì vậy để có được thời hạn thanh tra là rất khó. Song dù thế nào, các đại biểu và HĐND TP vẫn mong muốn sớm giải quyết dứt điểm”.

ĐB Nguyễn Đình Dương (Chương Mỹ): Đề nghị sớm trả lời cử tri

Biệt thự, nước sạch làm nóng nghị trường ảnh 4
“Lãnh đạo UBND TP và các giám đốc sở trả lời khá rõ ràng với vấn đề xây dựng cơ bản, trạm y tế cơ sở… Tuy nhiên cũng còn những vấn đề gặp khúc mắc và phần trả lời của các sở, ngành còn chưa thấu đáo như vấn đề quản lý nhà chung cư, ô nhiễm môi trường... Những vấn đề này thực tế  rất phức tạp, nên cập nhật, giải quyết của các ngành còn chậm cho dù chính sách đã đầy đủ. Mong muốn của chúng tôi, tới đây thành phố và các ngành cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết các vấn đề này, sớm trả lời cử tri”.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh: Đi tới cùng chứ không chất vấn rồi để đó

Biệt thự, nước sạch làm nóng nghị trường ảnh 5
Kết luận phiên chất vấn, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đánh giá: “Phiên chất vấn đã diễn ra nghiêm túc, công khai, dân chủ, có trao đi đổi lại để làm rõ thông tin giữa người trả lời chất vấn với các đại biểu. Qua đó, làm sáng tỏ thêm nhiều vấn đề, thống nhất trong đánh giá, nhận định việc thực hiện các nội dung. Đồng thời, gợi mở một số giải pháp để tiếp tục thực hiện và giải quyết có hiệu quả hơn. Các đại biểu đã thẳng thắn đi vào các vấn đề mà cử tri quan tâm, phần trả lời của đại diện UBND TP và các sở cơ bản bám sát nội dung chất vấn, trong phần trả lời đều có nêu giải pháp. 

Nét mới tại phiên chất vấn lần này là chúng ta đã dành thời gian thỏa đáng để tái chất vấn các kết luận chất vấn tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP theo phương châm tái chất vấn đến cùng để tháo gỡ, giải quyết hiệu quả chứ không phải nêu vấn đề rồi để đó. Chúng tôi đề nghị UBND TP tổ chức chỉ đạo thực hiện các vấn đề trên cơ sở các nội dung được chất vấn và tái chất vấn tại phiên họp này”.