Vốn quý của con người

ANTĐ - Đang nói chuyện với tôi mà mắt bác cứ láo liên canh chừng ai vậy?

- Cảnh giác với đám đánh giày. Đôi giày mấy triệu bạc, nhỡ nó “ẵm” đi thì sao. Đám này láo nháo lắm, tôi nghe kể…

- Bác thôi đi, nếu sợ mất sao bác không mua hộp xi về nhà tự đánh. Người nghèo cũng có lòng tự trọng.

- Cẩn tắc vô ưu, có của thì phải biết giữ, tin làm sao được. Các cụ chả nói “nghèo hèn” còn gì. 

- Tôi lại gặp vô số người nghèo mà tử tế hơn người lắm tiền nhiều của. Có anh chàng quê gốc Gia Lai, vì nghèo quá vào TP.HCM làm thuê. Sau một thời gian có chút vốn liếng, anh này mở hiệu sửa chữa giày dép. Dù cả gia đình sống rất khó khăn nhưng không bao giờ anh ấy lấy tiền công của người nghèo.

- Anh ta làm thế để mọi người thấy khách khứa tấp nập vào ra chứng tỏ mình có tay nghề cao đây mà.

- Người thợ này không thủ đoạn như bác nghĩ đâu. Anh ấy bảo các em đánh giày, bán báo, người đẩy xe bán dạo suốt ngày lang thang trên đường nên giày dép chóng rách, lại cũng chẳng có tiền mua giày dép mới. Thế nên sửa giúp.

- Chắc anh ta muốn sửa nhiều để nhanh chóng nâng cao tay nghề thôi. Nếu chẳng may có hỏng thì cũng không phải đền. Thời buổi này làm gì có ai rỗi hơi đi làm không công.

- Đúng là tư duy của đám con buôn, thực dụng quá. Thảo nào chẳng thấy bác có mấy bạn bè. Anh chữa giày kia thì dù rất nghèo nhưng lại có nhiều bạn. Bác tự xem lại mình đi.