Ký ức tủi nhục của các cựu nô lệ tình dục trong Thế chiến 2

ANTĐ - Một ngày họ phải "tiếp" từ 40-50 lính Nhật Bản, kéo dài trong suốt nhiều năm. Sang chấn tâm lý và các vết thương cơ thể đeo đẳng họ đến khi "gần đất xa trời", thế nhưng, công lý vẫn chưa được thực thi.

Định mệnh bắt đầu vào một ngày thu tháng 8 năm 1943, khi cô bé 15 tuổi Lee Ok-seon đang đi bộ trên con đường quen thuộc dẫn về nhà. Hai người đàn ông lạ mặt đã chặn đầu, nhấc bổng cô bé yếu đuối và đưa về một nhà thổ quân sự trong khu vực, bất chấp tiếng kêu cứu xé lòng của Lee.

“Họ nắm lấy cánh tay tôi và lôi đi. Ngay hôm sau họ nhốt tôi vào một chiếc xe hơi và chở đến Yanjin (một thành phố Nhật chiếm đóng ở Trung Quốc, gần biên giới với Triều Tiên)”, bà Lee lần mở lại ký ức.
Ký ức tủi nhục của các cựu nô lệ tình dục trong Thế chiến 2 ảnh 1Bà Lee Ok-seon mong muốn nhận được lời xin lỗi chân thành từ chính phủ Nhật

Trong 3 năm bị giam giữ, bà Lee buộc phải làm việc như một nô lệ tình dục thực sự cho binh lính Nhật Bản, mỗi ngày cô phải "tiếp" đến 50 người. Cô và 5 phụ nữ khác bị coi là “nhân lực chính” trong nhà thổ tuyến đầu của Nhật từ năm 1932 đến 1945.

“Tôi bị hãm hiếp từ năm 15 tuổi, nhiều người khác ít tuổi hơn tôi cũng buộc phải "làm việc", nhiều khi là 40 đến 50 người một ngày. Thật là đau đớn và nhục nhã, nhiều người đã chọn cách treo cổ hay nhảy sông tự vẫn”, bà Lee nói và nhìn xa xăm về khoảng không vô định.

Chiến tranh Thế giới thứ 2 kết thúc cũng là lúc bà Lee và gần 200.000 phụ nữ, trẻ em gái khác được giải thoát, nhưng những gì họ còn lại chỉ là sức khỏe tồi tàn và một sang chấn tâm lý nặng nề về quãng thời gian ngục tù đáng sợ.
Ký ức tủi nhục của các cựu nô lệ tình dục trong Thế chiến 2 ảnh 2Bà Lee Ok-seon thời còn trẻ

Bà Lee cho biết, việc bị giam giữ, hãm hiếp liên tục cũng như phải tiêm thuốc điều trị bệnh giang mai, đã có một tác động khủng khiếp đến sức khỏe của bà, không chỉ về các giác quan trên cơ thể mà còn khiến bà không thể sinh con.

“Mắt tôi đã bị mờ, tai điếc và gãy hết răng vì bị đánh đập”, bà Lee nói. Trên cơ thể gầy gò của bà Lee vẫn còn những vết sẹo trong một lần tấn công bằng dao vì tội bỏ trốn.

“Một cảnh sát quân sự đã dùng dao chém vào cánh tay tôi, tôi nói rằng do quá đói và lạnh nên phải trốn ra ngoài, nhưng hắn ta vẫn tiếp tục đánh tôi không thương tiếc”.
Ký ức tủi nhục của các cựu nô lệ tình dục trong Thế chiến 2 ảnh 3Hơn 200.000 phụ nữ Hàn Quốc, Triều Tiên bị buộc làm nô lệ tình dục cho binh sĩ Nhật Bản trong chiến tranh Thế giới II

Bây giờ, đã hơn 72 năm trôi qua nhưng bà Lee vẫn chưa được sống một ngày thảnh thơi trọn vẹn. Bà bị vướng vào một cuộc chiến pháp lý yêu cầu chính phủ Nhật bồi thường 16 triệu bảng Anh, vì những gì mà quân đội Nhật gây ra cho những người phụ nữ như bà.

Cùng với 11 người khác còn sống sót, bà Lee đang cố gắng đòi lại một chút danh dự cho bản thân trước khi từ giã cõi đời. Bước sang tuổi 87, bà Lee chỉ mong muốn nhận được một lời xin lỗi chân thành nhất từ chính phủ Nhật Bản.
Về phía Nhật Bản, trong hai thập niên qua nước này đã từng chính thức thừa nhận trách nhiệm của mình trong việc binh sĩ khi xưa ép buộc phụ nữ bản địa làm nô lệ tình dục. Cụ thể, năm 1993, Tổng thư ký Nội các Nhật Yohei Kono đã nói lời xin lỗi, tuy nhiên đến năm ngoái, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe lại yêu cầu kiểm tra lại lời xin lỗi.
Nội các ông Abe cho rằng chính phủ Nhật không có trách nhiệm trong việc ép buộc phụ nữ làm nô lệ tình dục. Tokyo cũng tuyên bố tiền bồi thường chỉ được trả cho những phụ nữ theo Hiệp ước Nhật – Hàn năm 1965.

Khi Nhật Bản trả tiền bồi thường cho Hàn Quốc về tội ác thực dân trong Thế chiến II thì Seoul lại sử dụng phần lớn kinh phí đó cho các dự án cơ sở hạ tầng chứ không bồi thường cho các nạn nhân. Điều này tiếp tục trở thành một rào cản lớn trong mối quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Ký ức tủi nhục của các cựu nô lệ tình dục trong Thế chiến 2 ảnh 4Bà Yoo Hee-nam 

Bà Yoo Hee-nam, một người phụ nữ từng là nô lệ tình dục cho lính Nhật trong thời chiến đã chỉ trích thái độ của Nhật Bản: “Ông Abe không nhận ra rằng chúng tôi bị ép làm nô lệ tình dục. Ông ấy cho rằng chúng tôi đã được trả tiền và tình nguyện làm điều này”.

“Chúng tôi rất tức giận vì họ coi chúng tôi là những người nói dối. Họ chối bỏ tất cả hành động sai trái của mình. Chúng tôi đang lên kế hoạch để thực hiện một vụ kiện quốc tế”, bà Yoo, 88 tuổi đã bị mù và và ung thư phổi cho biết.

Giống như hầu hết các nạn nhân, bà Yoo cho biết bà đã giấu quá khứ của mình trong nhiều năm nay vì điều đó khiến con cháu của bà phải xấu hổ và bị khinh miệt. “Tôi chỉ mong muốn mình chết một cách nhanh chóng nhất”.

Một cựu nô lệ tình dục cho quân đội Nhật Bản trong Thế chiến II đang lau nước mắt trong một cuộc biểu tình trước đại sứ quán Nhật Bản tại Seoul, ngày 15-3-2006.

Chiến tranh Thế giới thứ hai đã kết thúc được 70 năm, trong hơn 200.000 nô lệ tình dục chỉ 49 người còn sống sót, hầu hết họ cũng đã gần 90 tuổi. Liệu rằng sau tất cả những gì đã phải trải qua, họ còn có thể đủ sức khỏe và niềm tin để đòi lại công lý cho mình?