Gã giang hồ và ước vọng đổi đời từ đàn bò

ANTĐ - Một thời trẻ trai với đầy những vết chàm tội lỗi như: Móc túi, bảo kê, đòi nợ thuê, đánh người gây thương tích… Vậy mà không ngờ, Lý Sơn (SN 1960), hiện ngụ tại xã Suối Cao, huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai đã từ giã chốn giang hồ và quyết tâm làm lại cuộc đời, vươn lên bằng chính đôi bàn tay của mình. Dù con đường phía trước còn gian nan nhưng với ý chí, nghị lực và quyết tâm của bản thân, Sơn vẫn tin con đường về nẻo sáng của mình sẽ không còn quá xa vời…

Tuổi thơ “nhúng chàm” tội lỗi

Khi khách đến nhà, Lý Sơn đang chăm sóc cho đàn bò của mình. Nhìn cách anh chăm sóc cho đàn gia súc, chúng tôi tự hỏi: “Liệu rằng đây có phải là người đã từng lao thân vào chốn giang hồ hay không?”. Khi hỏi về quá khứ, vợ anh có vẻ không vui, chị sợ nhiều người biết mà chê cười. Nhưng Sơn đã kịp trấn an vợ: “Mình nó à, quá khứ thì không thể thay đổi được, quan trọng là bây giờ mình đã sống tốt và vươn lên bằng chính mồ hồi và nước mắt của mình mà thôi”.

Gã giang hồ và ước vọng đổi đời từ đàn bò ảnh 1

Anh Sơn chăm sóc đàn bò của gia đình mình

 

Vốn là đứa trẻ bị bỏ rơi, được một người nhặt rác thương tình cưu mang đem về nhà nuôi dưỡng, nhưng vì hoàn cảnh cuộc sống của vị ân nhân quá khó khăn, cho nên Sơn lại được đem vào một cô nhi viện ở quận Thủ Đức, TP.HCM.

Năm 8 tuổi, quá tò mò với những gì đang diễn ra ở thế giới rộng lớn bên ngoài khu vực cô nhi viện nên Sơn đã tìm cách trốn ra ngoài. Kể từ đó, đứa trẻ mồ côi vốn đã cô đơn nay lại lạc lõng giữa thế giới muôn trùng cạm bẫy. Và ở thế giới đó, Sơn được chứng kiến, được va chạm và thân quen với những người bạn xấu. Được bạn bè dạy những mánh lới và các chiêu thức kiếm sống không cần mồ hôi, công sức, chỉ cần nhanh tay, nhanh mắt là kiếm được số tiền đủ để ăn chơi một tuần, có khi cả tháng khiến anh ta mờ mắt và nhanh chóng biến thành kẻ móc túi đầy lưu manh. 

Sơn theo nhóm bạn “đầu đường, xó chợ” lưu lạc khắp chốn Sài Gòn. Một lần đang thò tay giật chiếc ví của một cụ bà, Sơn bị bắt được tận tay và đánh cho thừa sống, thiếu chết. Ngay hôm sau, nhóm của Sơn bị nhóm khác đánh dằn mặt và đuổi khỏi địa bàn. Từ đó, nhóm mỗi người mỗi ngả, giữa cảnh thân cô, thế cô, Sơn không dám hành nghề móc túi nữa. Để tồn tại, Sơn bắt đầu ngửa tay đi xin tiền, cuộc sống của kẻ khốn cùng sao mà nhục nhã đến thế. 

Năm 15 tuổi, một lần lang thang ăn xin trong bộ quần áo rách rưới, Sơn được một bà lão bán hủ tiếu thương tình nhận về làm công và cho chỗ ăn, chỗ ở.

Lần đầu tiên, Sơn cảm nhận tình người từ sự quan tâm, săn sóc của một người không máu mủ, ruột già. Nhưng sự đời nghiệt ngã, bà lão bán hủ tiếu qua đời vì một cơn bạo bệnh. Sơn lại rơi vào cảnh bơ vơ, không người thân thích. Nhưng cũng may cho Sơn vì anh ta đã kịp “làm quen” cho mình một số người bạn đánh giày, bán báo dạo.

Rồi Sơn cũng gia nhập hội đánh giày, bán báo dạo cho đến khi được 19 tuổi thì chuyển sang nghề bốc vác ở Bến phà Thủ Thiêm, TP.HCM. Nhưng để có thêm tiền tiêu xài thì nhóm của Sơn còn đảm nhiệm công việc đi đòi nợ thuê, và bảo kê một số bến tàu quanh đó. Gần 20 năm bươn trải với cuộc sống nơi “chợ đời” đã khiến Sơn trở nên lì lợm, ma mãnh hơn những đứa trẻ cùng trang lứa khác. 

Khi 26 tuổi, chỉ vì một mâu thuẫn nhỏ, Sơn cùng đồng bọn đã gây xích mích và đánh gây thương tích nặng một chủ tiệm bán cơm ngay tại khu vực bến phà Thủ Thiêm. Hậu quả, nhóm của Sơn đã bị công an tóm gọn khi cả bọn tìm cách chạy trốn. Ngày ra hầu tòa, Sơn bị kết án 5 năm tù giam vì tội cố ý gây thương tích.

Sau đó, anh ta được đưa về Trại giam Chí Hòa, TP.HCM giam giữ, cải tạo. Sau khi cách ly khỏi xã hội, Sơn đã thấm thía những sai lầm và tội ác mà mình gây nên. Những tháng ngày sống trong ngục tù đã cho anh ta cảm nhận được giá trị của cuộc sống tự do bên ngoài đáng quý như thế nào. 

Giấc mơ thoát khỏi cuộc sống lầm than của anh chăn bò

Sau khi ra khỏi trại giam, Sơn tự nghĩ: “Đi đâu, về đâu đây khi trong tay không có một tấc đất cắm dùi, không người thân thích? Hay là mình quay lại con đường cũ. Nếu quay lại con đường cũ thì đời mình sẽ bị người ta chê cười, nhục nhã lắm!”. 

Thế là, theo cảm tính Sơn nhảy lên một chiếc xe khách, chuyến xe dừng lại ở xã Suối Cao (huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai) khi trời đã về chiều, Sơn lê bước trên con đường đất đỏ, trơn tuột sau cơn mưa chiều bất chợt rồi ngã dúi dụi, người lấm lem bùn đất. Rồi Sơn quyết định sẽ đứng lên ở chính mảnh đất này. Sơn bắt đầu đi làm thuê, làm mướn, đi bốc vác cho những nhà khá giả.

Thật may mắn vì tại đây, Sơn đã quen một thiếu nữ tên Trần Thị Huệ (SN 1963), quê ở Hà Tĩnh cùng cảnh làm thuê. Ngày mới quen nhau, anh Sơn không ngại kể về quá khứ của mình. Biết anh đã từng có một quãng quá khứ lầm lỗi, nhưng không vì thế mà chị Huệ khinh thường, ngược lại chị càng yêu anh hơn.

Năm 1992, hai người đến với nhau bằng tình yêu và sự cảm thông. Sau những năm tần tảo lao động và tích lũy, hai vợ chồng đã mua cho mình được một mảnh rẫy để trồng hoa màu. Nhưng cũng từ đây những khó khăn dồn dập cứ dồn đến, vụ trồng màu đầu tiên gần đến ngày thu thì bị ngập chìm trong một trận lũ.

Bao nhiêu vốn liếng đã bị chìm trong dòng nước hết. Chị Huệ từ ngày sinh ba đứa con lại thường xuyên ốm yếu, dặt dẹo. Rồi đứa con thứ hai, phải đi viện vì bị sốt xuất huyết. Thời gian này với gia đình Sơn là khổ ải nhất, bởi khi đi vay tiền không ai cho vay cả. Lúc ấy, anh cũng thấy đời nhục nhã lắm, nhưng anh lại nghĩ mình không thể buông xuôi được.

Tài sản có giá trị trong nhà là chiếc xe đạp được Sơn mang đi bán lấy vài trăm ngàn để đưa con đi viện. Sau bữa đó, để có tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày, Sơn lại làm thuê, nào là bốc gỗ, cưa xẻ, việc gì anh cũng làm, miễn là không phạm pháp. 

Năm 2010, Quỹ Doanh nhân với An ninh trật tự hỗ trợ gia đình Sơn 20 triệu đồng tiền vốn để làm ăn kinh tế. Cầm số tiền lớn trên tay hai vợ chồng mừng muốn khóc. Anh trích một khoản tiền mua hai con bò để nuôi, một phần nhỏ đầu tư vào việc trồng cây màu, “lấy vắn nuôi dài”. Còn một phần, anh mua 50 con gà nuôi lấy thịt. Sau những tháng ngày cần mẫn bên mảnh rẫy chính vì thế mà thu nhập của hai vợ chồng cũng từ đó mà tăng lên.

Chỉ sau năm đầu tiên, hai con bò cái đã đẻ ra hai con bê cái. Sang năm thứ hai, Sơn mua thêm 1 con cái, 2 con bò ban đầu lại sinh thêm 2 con bê. Rất may mắn vì 2 con bê con đó cũng là bê cái. Vậy là tổng cộng, Sơn đã có tất cả 7 con bò cái. Hiện tại, 3 con bò cái đã được anh cho đi lấy giống, mỗi năm đàn bò của anh lại sinh trưởng thêm...

Bên cạnh đó, hai vợ chồng còn trồng được gần 1ha điều, nuôi 100 con gà. Hàng ngày, hai vợ chồng chăm chỉ đi cắt cỏ cho bò, thời gian rảnh Sơn còn đi làm thuê cho những gia đình khá giả để có thêm thu nhập và trả lãi nguồn vay. Tiền bán gà, Sơn trích một khoản để nuôi con ăn học, phần còn lại để trả nợ gốc và mở rộng chăn nuôi. Dần dần, Sơn đã trả gần hết số nợ vay vốn ban đầu. Đến nay, dù hai vợ chồng dù chưa giàu có gì nhưng cũng đã có của ăn của để. Hạnh phúc hơn nữa, cả ba đứa con của anh đều rất ngoan ngoãn và học rất giỏi, mái ấm gia đình anh ngày ngày tràn ắp tiếng cười.

Sơn tâm sự: “Đúng là tôi đã một thời lầm lỗi, chính tôi đã để mất tuổi thanh xuân, nhưng tôi đã bước qua những mặc cảm, tự ti để hướng tới cuộc sống tốt hơn. Làm giàu thì rất khó nhưng tôi muốn thay đổi cuộc đời bằng chính đôi bàn tay và công sức của mình. Đàn bò 7 con này sẽ giúp tôi làm giàu trong nay mai thôi!”.

Ông Đoàn Ngọc Quý, Trưởng ấp Phượng Vỹ - nơi hai vợ chồng Sơn sinh sống cho biết: “Đúng là trước đây anh Sơn đã có một thời gian phải đi cải tạo vì tội cố ý gây thương tích nhưng được chính quyền và hội nông dân giúp đỡ làm ăn. Với nỗ lực làm ăn chính đáng thì đến nay, cuộc sống của anh đã thoát khỏi hộ nghèo và đang vươn lên hộ khá. Làm thế nào để những người đã từng phạm lỗi lầm như Sơn hoà nhập với cộng đồng mà không tự ti, mặc cảm là vấn đề không hề giản đơn. Đường về nẻo thiện của Sơn đã thôi gian nan, nhưng vẫn cần lắm sự chung tay của xã hội và cả bản lĩnh của chính con người anh nữa”.