Hệ lụy khu công nghiệp

ANTĐ - Hôm nay, 27-9, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Bộ TN-MT đã tổ chức lấy ý kiến về quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011-2015). Nhiều ý kiến đã cảnh báo, việc thu hẹp đất lúa để phát triển ồ ạt các khu công nghiệp sẽ dẫn tới những hậu quả khôn lường.

Nhiều khu công nghiệp vẫn đang bỏ đất trống như thế này

Đánh giá về kết quả sử dụng đất Khu công nghiệp (KCN) trên phạm vi cả nước, Bộ TN-MT cho biết, diện tích đất lúa nước giảm 270.000ha trong 10 năm qua chủ yếu để chuyển sang phục vụ cho các mục đích phát triển hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và xã hội thiết yếu… Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển nhìn nhận, việc chuyển đất lúa sang nuôi trồng thủy sản, phát triển công nghiệp, đô thị... tại một số địa phương chưa theo quy hoạch, còn mang tính tự phát, thiếu cân nhắc đến lợi ích lâu dài đã làm suy giảm nhiều diện tích đất trồng lúa chất lượng tốt, gây lãng phí đất đai và tác động tiêu cực đến môi trường. “Quy hoạch và phát triển các KCN còn dàn trải, có địa phương tỷ lệ lấp đầy còn thấp dưới 60% nhưng vẫn đề nghị mở thêm nhiều khu, cụm công nghiệp khác” - ông Nguyễn Mạnh Hiển nói.

Nguyên Thứ trưởng Bộ   TN-MT Đặng Hùng Võ cũng cho rằng: “Dư luận rất bức xúc với tình trạng sử dụng đất không hiệu quả của đất xây dựng KCN, khu kinh tế, sân bay, cảng nước sâu, sân gôn, khu nghỉ dưỡng…”. Ông cho biết, hiện cả nước có 261 KCN, chiếm giữ hơn 70.000ha đất nhưng tỷ lệ lấp đầy của các cơ sở sản xuất chưa tới 50%. Trong đó, 918 cụm công nghiệp do tỉnh thành lập, chiếm 40.000ha nhưng cũng chỉ mới có hơn 25% đất được sử dụng.

Trước thực trạng trên, ông Lê Tuyển Cử - Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý các Khu kinh tế (Bộ KH-ĐT) cho biết, dự kiến, đến năm 2020, sẽ tiếp tục thành lập mới và mở rộng thêm 249 KCN, với tổng diện tích đất tăng thêm là 81.000ha. Như vậy, nếu tính cả các KCN đã thành lập và số KCN hiện đã được đưa vào quy hoạch, thì đến năm 2020 dự kiến cả nước sẽ có khoảng 510 KCN với tổng diện tích đất tự nhiên 153.000ha. Ông Lê Tuyển Cử cho rằng, đất không chỉ là tư liệu sản xuất nông nghiệp mà còn là tư liệu sản xuất của công nghiệp. Người ta không thể tiến hành hoạt động sản xuất công nghiệp “ở trên trời”!

Không đồng tình quan điểm thu hẹp đất lúa, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đề nghị, nên duy trì như hiện nay. Đồng thời cần sử dụng hiệu quả đất dành cho công nghiệp, đô thị để dành đất cho sản xuất nông nghiệp; phát triển các mặt hàng nông sản khác vì Việt Nam là nước có tiềm năng lớn về nông nghiệp. Ông nhận định, an ninh lương thực không nên hiểu là sản xuất nhiều lúa gạo mà còn phải tính đến các thực phẩm từ chăn nuôi, phát triển các cây trồng hiệu quả khác.

Ở góc độ chuyên gia kinh tế, PGS.TS Trần Đình Thiên - Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam lo ngại, quy hoạch sử dụng đất nếu không bám sát kế hoạch phát triển kinh tế xã hội có thể gây ra nhiều hậu quả khôn lường. Ông đưa ra ví dụ tình trạng các KCN đua nhau mọc lên trong thời gian qua nhưng lại không tính đến hiệu quả sử dụng lao động, số tiền thu lại trên một diện tích đất. Ông nói: “Nếu không sớm khắc phục, tình trạng này sẽ là bi kịch”.