Giá ơi, đợi lương với!

ANTĐ - Khảo sát gần đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho thấy, mức lương đáp ứng được nhu cầu sống tối thiểu ở khu vực 1 (Hà Nội) phải là 3,4 triệu đồng và ở khu vực 4 (nông thôn, miền núi) là 2,6 triệu đồng/người/tháng. Thế nên, mức tăng lương dự kiến vào ngày 1-10 tới đây (cao nhất chỉ dừng ở 2 triệu đồng), bị xem là quá “yếu” so với thời giá hiện nay. Người ta cho rằng, điều chỉnh lương vẫn chạy theo sau lạm phát, chưa bù đắp được cho trượt giá.

Tính toán chi phí ở mức tằn tiện cho một người lao động ở thành thị với một bữa ăn chính 20.000 đồng, bữa sáng 10.000 đồng; cộng thêm tiền xăng; tiền thuê nhà, điện, nước, điện thoại; nhu yếu phẩm (quần áo, kem đánh răng, xà phòng)... sơ bộ đã gần 2 triệu đồng/tháng. Ấy là chưa kể tới hiếu hỉ, đau ốm... Vậy nên, mức 2 triệu đồng/tháng rõ ràng chưa đủ cho sinh hoạt cá nhân, nói gì đến tích lũy hay đảm bảo cuộc sống cho gia đình, con cái học tập.

Cầm đồng lương còi cọc, không ít bạn trẻ trong cơ quan Nhà nước tỏ ra chán nản bởi “cũng tốt nghiệp ra trường như chúng tôi nhưng những người bạn làm ngoài Nhà nước không phải lo tiền ăn từng ngày. Với đồng lương còm, để sống được, chúng tôi buộc phải làm thêm. Mỗi người sẽ tự tìm cho mình cách làm thêm, tích cực có, tiêu cực có để sống được và chăm lo cho gia đình...”.

Những người ăn lương ngân sách luôn mong Chính phủ có giải pháp đột phá về tiền lương, rút ngắn khoảng cách giữa lương doanh nghiệp và lương Nhà nước. Giải pháp có nhiều song cải cách tiền lương cơ bản nhất, đó là cải cách hành chính và tinh giảm biên chế quyết liệt. Việc gì tư nhân làm được, phù hợp luật pháp thì nên để tư nhân làm, bộ máy Nhà nước mới có thể tinh gọn và thu nhập người hưởng lương ngân sách mới thay đổi căn bản. Chỉ khi cán bộ, công chức không còn nghĩ đến lương, họ mới nghĩ ra được sáng kiến, các tệ nạn tham ô, hối lộ, hách dịch, quan liêu chắc chắn sẽ giảm...

Bộ Nội vụ vừa thông tin, “định hướng cải cách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2012-2020 sẽ có việc nâng mức lương tối thiểu để cán bộ, công chức, viên chức đủ sống bằng lương”. Nhiều người vẫn băn khoăn, “đủ sống” liệu có phải những gì đã diễn ra trong nhiều năm qua? Thế nên, mỗi tối đi ngủ họ chưa thể thôi day dứt tự hỏi, không biết bao giờ mới thoát khỏi cảnh liên tục phải than trời “giá ơi, đứng lại chờ lương với?”.