Cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi về "canh gà Thọ Xương"

ANTĐ - Thời gian vừa qua, câu chuyện về giáo viên trường THCS Lomonoxop và món "canh gà Thọ Xương" là một đề tài gây xôn xao dư luận. Cộng đồng mạng hiện đang tranh luận sôi nổi ý nghĩa của "canh gà Thọ Xương" trong câu "Tiếng chuông Trấn Vũcanh gà Thọ Xương".

Sự việc này bắt đầu từ ngày 12-9, cô Hà Thị Thu Thủy - trường THCS Lomonoxop dạy tiết cuối cùng trong chuyên đề ôn tập ca dao cho học sinh vào giờ ngoại khóa và chấm vở học sinh (gồm 8 bài tập). Ngày 4-10, phụ huynh lớp 7A10 liên lạc với ban giám hiệu nhà trường thắc mắc khi phát hiện trong bài tập môn văn của con có sự nhầm lẫn khi cho rằng “canh gà Thọ Xương” trong bài ca dao Gió đưa cành trúc la đà là món “canh gà” của Hà Nội nhưng cô Thủy vẫn cho điểm 8 mà không sửa lỗi sai trên. Ngay sau đó, vụ việc trên xuất hiện trên một số trang báo mạng cùng với nghi vấn về việc cô giáo có “vấn đề về kiến thức”. Trước sự cố này, cô Thủy viết đơn xin nghỉ dạy, và phải nhập viện do áp lực quá lớn.
Cộng đồng mạng tranh luận sôi nổi về "canh gà Thọ Xương" ảnh 1
Bài làm môn Văn của học sinh được cho điểm 8
Bắt nguồn từ sự việc của cô giáo Thủy, trong 2 ngày trở lại đây, trên một số diễn đàn mạng, câu chuyện thực hư về "canh gà Thọ Xương" được bàn tán sôi nổi. Có một số ý kiến cho rằng, "canh gà Thọ Xương" đích thực là nói về ẩm thực, ý kiến này nhận được vô số lời bàn luận bởi từ trước tới nay, "canh gà Thọ Xương" luôn được giảng dạy và được hiểu là tiếng gà gáy báo sang canh.  Tổng hợp một số nội dung chính của những lời tranh luận này sẽ giúp bạn đọc có nhiều góc nhìn khách quan hơn trước một sự việc gây xôn xao dư luận. Một câu chuyện được đăng tải trên trang Facebook kể rằng: "...một thầy đồ già ở Bưởi kể: cái canh gà trong câu ca dao mà anh vừa nhắc tới, nó chính là nước luộc gà rồi ném vào mấy sợi bánh đa, thêm ít hành xanh và mùi. Đơn giản thế thôi, vậy mà cả vùng ven Hồ Tây này không ai nấu giỏi như mấy quán ở Thọ Xương, người ta đồn rằng dân Thọ Xương luộc sâm cầm nhưng không dám lộ ra vì đó là quà tiến vua. Lâu rồi, suy luận vớ vẩn vì không biết tra gốc gác của câu chữ”. Nói đoạn, thầy đứng dậy, lên gác lấy xuống một cuốn vở vàng khè. Lại một phát hiện động trời nữa, làm tôi không tin ở mắt mình. Đó là cuốn vở mà nhà văn Vũ Bằng đích thân ghi nháp cho bút ký ẩm thực "Miếng ngon Hà Nội" lẫy lừng! “Khổ quá, hồi ấy tôi cũng dại mồm góp ý cho Vũ Bằng đừng viết nhiều chuyện ăn uống. Người Tràng An ăn uống cảnh vẻ lắm, dĩ thực vi tiên mà, nhưng đưa lên mặt giấy e rằng nó nhuốm màu phàm tục. Có lẽ vì vậy mà ông ấy cắt xén khá nhiều. Có một câu này, ông ấy bỏ đi, mà cả ông ấy lẫn tôi đều không ngờ là nó làm các cô các cậu thời nay đánh nhau vỡ đầu. Thôi, anh đã có công đến đây thì tôi cho anh xem nốt”. 
Thầy chỉ cho tôi một đoạn viết bằng bút sắt, của Vũ Bằng, nét chữ đã hơi nhòe nhưng dễ đọc.
Và tôi không tin ở mắt mình.
Không sao tin nổi.
Nhưng sự thật vẫn là sự thật.
Vũ Bằng viết:
“Tương Bần, cà Láng, dưa La,
Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”.

Cùng ý kiến cho rằng "canh gà Thọ Xương" thực chất là một món ăn chứ không phải tiếng gà gáy như lâu nay người ta vẫn nghĩ, một cư dân mạng viết: "Sáng nay có cậu bạn làm trong Viện Hán Nôm bảo, trong sách Vân Đình Dương Khuê Thượng Thư Tiên Sinh (144 tr., 27 x 15. Ký hiệu: A.2185 Thư viện Viện Hán Nôm) cũng chép bài thơ này. Xin lưu ý, Dương Khuê viết thơ bằng chữ Nôm, nỏ phải chữ Quốc ngữ. Nguyên văn viết chữ Canh là 羹 (bát canh, món canh), không phải 更 (canh khuya, canh chầy). Chứng tỏ canh gà là món ăn, chứ chả phải tiếng gà tiếng qué gì cả. Chắc hồi ấy các cụ đi tập thể dục từ sáng sớm, khi chùa Trấn Vũ đổ chuông, quán Thọ Xương mở hàng, các cụ rủ nhau vào ăn canh gà"....

Những câu chuyện này ngay lập tức nhận được vô số lời bình luận của người đọc. Có người cho rằng: "Trong Văn đàn bảo giám của Trần Trung Viên in năm 1926, được Tản Đà đề tựa, Trần Tuấn Khải hiệu đính, có chép bài Hà Nội tức cảnh của Dương Khuê, nguyên văn:
Phất phơ ngọn trúc trăng tà
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày An Thái mặt gương Tây Hồ.
Xét về niên đại thì Trần Trung Viên lớn tuổi hơn Vũ Bằng, Văn đàn bảo giám cũng là một tác phẩm đáng tin cậy về mặt khảo cứu và văn học sử".

Một người khác phản biện ý kiến trên, cho rằng, đây không thể là món ăn, "tiếng gà gáy lại phải là "canh gà" vì đây là thơ, mà cái từ "tiếng" thì dính vào với "chuông Trấn Vũ" rồi nên nhà thơ mới tài tình dùng từ "canh" thế vào. Tài tình là bởi vì, "canh gà" còn diễn tả được ý nói giờ giấc buổi sớm khi gà cất tiếng gáy".
Một người khác cùng ý kiến này cho rằng: "Gió đưa cành trúc la đà / Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương / Mịt mù khói tỏa ngàn sương / Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ" - đó là cả một cảnh tượng buổi sớm mai tuyệt đẹp ở Hồ Tây, một buổi sáng được báo hiệu bởi tiếng gà gáy hòa quyện trong tiếng chuông chùa. Ấy vậy mà các vị lại cứ bắt người ta phải ăn canh gà chỉ vì một câu thơ của ông nhà văn chuyên viết về ẩm thực Hà Nội?".

Một người đọc khác phân vân: "Nếu theo Wiki thì Thọ Xương là một huyện của Thăng Long xưa, ứng với Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng bây giờ. Nếu canh gà  là tiếng gà gáy sang canh của vùng Thọ Xương, thì liệu về địa lý có hơi xa so với hồ Tây không nhỉ? Các địa danh khác trong bài thì đều quanh quanh Hồ Tây: An Thái là một làng thuộc vùng Kẻ Bưởi phía nam hồ Tây; "cành trúc la đà" có lẽ chỉ làng Trúc Yên phía nam hồ Trúc Bạch có nghề làm mành, nhà nào cũng trồng trúc... Nhưng nếu canh gà là món canh xương gà thì kể cũng hơi ít ăn nhập với phần còn lại của câu thơ"....

Bên cạnh đó, trái với câu được cho là của Vũ Bằng viết:“Tương Bần, cà Láng, dưa La/ Cá rô đầm Sét, canh gà Thọ Xương”, một người đọc lại cho rằng, thực chất câu này là "Cá rô đầm Sét, sâm cầm hồ Tây", chứ không phải "canh gà Thọ Xương"....!

ANTĐ online tiếp tục đăng tải các thông tin từ các nhà nghiên cứu về vấn đề này.