Bệnh viện quá tải, nan giải

ANTĐ - Không giảm tải bệnh viện, khó đạt công bằng y tế - đó là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại Hội nghị trực tuyến công tác y tế năm 2012 và triển khai kế hoạch 2013, diễn ra ngày 24-1. Năm 2012, dù ngành y tế đã triển khai rất nhiều biện pháp song quá tải BV vẫn chưa giảm được bao nhiêu và đây là căn nguyên nảy sinh các tiêu cực trong khám chữa bệnh…

Tình trạng quá tải trầm trọng vẫn diễn ra tại nhiều bệnh viện

Tăng giường bệnh, giảm nằm ghép

Báo cáo về công tác khám chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, trong năm 2012, tình trạng quá tải BV đã được cải thiện bước đầu nhờ việc đưa vào hoạt động thêm nhiều cơ sở y tế mới cũng như nâng số giường điều trị. Cụ thể, BV Bạch Mai đã đưa vào sử dụng thêm 100 giường, sắp tới sẽ tiếp tục đưa thêm 100 giường bệnh nữa vào hoạt động, BV K đưa vào sử dụng thêm 300 giường, BV Đa khoa Trung ương Quảng Nam đưa vào sử dụng thêm 500 giường… Tuy vậy, tình trạng nằm ghép tại các BV tuyến Trung ương, BV của Hà Nội và TP Hồ Chí Minh vẫn ở mức cao, đặc biệt tại các chuyên khoa ung bướu, chấn thương chỉnh hình, tim mạch, sản nhi. Mỗi khi đến khám chữa bệnh tại những cơ sở này, người bệnh đều phải chịu cảnh chen chúc, chờ đợi hàng giờ mới đến lượt.

Tuần trước, trong chuyến kiểm tra công tác khám chữa bệnh tại BV Ung bướu TP Hồ Chí Minh, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã tận mắt chứng kiến cảnh nhiều bệnh nhân, từ già đến trẻ, phải nằm dưới gầm giường do quá tải trầm trọng. Tình trạng quá tải tại nhiều BV như vậy chắc chắn ảnh hưởng tới chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng điều trị cho người bệnh, tinh thần phục vụ của y bác sĩ. Bản thân các y bác sĩ gánh chịu nhiều vất vả, căng thẳng, mệt mỏi khi ngày nào cũng phải khám chữa bệnh cho lượng bệnh nhân khổng lồ, các tiêu cực liên quan đến y đức cũng dễ nảy sinh, công bằng y tế khó đạt được. 

Để cải thiện tình trạng này, Đề án giảm quá tải BV giai đoạn 2013-2020 do Bộ Y tế soạn thảo vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt mục tiêu cơ bản không để người bệnh phải nằm ghép trong BV vào năm 2015 và phấn đấu đến 2020 không còn quá tải BV. Trước mắt, Đề án tập trung giải quyết quá tải ở các chuyên khoa có mức quá tải cao và BV tuyến cuối của Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Cụ thể đến năm 2015, phấn đấu tăng thêm tối thiểu 7.150 giường bệnh tại các BV thuộc nhóm chuyên khoa và các BV ở khu vực kể trên; đồng thời rà soát, sửa đổi, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới BV của cả nước và từng địa phương cho phù hợp.

Hạn chế vượt tuyến

Theo Bộ Y tế, tác động không mong muốn của một số chính sách như xã hội hóa y tế, tự chủ y tế, phân bổ ngân sách, bảo hiểm y tế… và nhất là tâm lý lựa chọn dịch vụ khám chữa bệnh của người dân góp phần gây ra quá tải tại các BV tuyến trên. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long phân tích thêm, nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng tăng về cả số lượng và chất lượng, xuất hiện nhiều dịch bệnh mới, trong khi số giường bệnh được nâng lên chậm hơn nhiều, dẫn đến quá tải BV. Bên cạnh đó, hệ thống y tế trong thời gian qua có nhiều thay đổi, biến động, nhất là đối với các đơn vị y tế tuyến huyện. Nhân lực y tế ở tuyến này vừa thiếu, vừa hạn chế về chất lượng, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới. Đây cũng là nguyên nhân khiến sự chênh lệch chỉ số sức khỏe giữa các vùng miền còn cao, công bằng chăm sóc sức khỏe khó được cải thiện. 

Ghi nhận cống hiến của toàn ngành Y tế, tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng yêu cầu ngành y tế cần hướng tới công bằng y tế, nâng cao chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh, nâng cao chất lượng cuộc sống và tăng tuổi thọ cho nhân dân. Để làm được điều này, Thủ tướng cho rằng giảm tải BV chính là mấu chốt để hướng tới công bằng trong ngành y tế. Vì vậy, ngành y tế phải tập trung thực hiện “Đề án giảm tải BV”, trước hết cần loại bỏ các thủ tục rườm rà trong khám và điều trị bệnh ở các BV tuyến trên. Mặt khác, đầu tư tăng số giường bệnh và nhân lực cho BV tuyến tỉnh để có thể giữ bệnh nhân điều trị ngay tại địa phương, hạn chế tình trạng vượt tuyến.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng đề nghị Bộ Y tế cần rà soát, sửa đổi, bổ sung và ban hành mới các cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực tăng cường công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực xã hội tham gia công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng thiết thực và hiệu quả hơn.