Khúc mắc xe không đổi chủ

ANTĐ - Hàng nghìn bạn đọc đã phản hồi các bài viết liên quan đến chủ trương phạt nặng xe không sang tên đổi chủ khi mua bán.

Có nhiều ý kiến xung quanh việc kiểm tra, xử phạt xe không chính chủ. (Ảnh minh họa)

Nhiều lo ngại, khúc mắc

“Nếu tôi lỡ mua xe cũ, chủ xe trước đây đã chết hoặc đi công tác xa thì phải làm thế nào?”, bạn đọc Đỗ Anh Dũng nêu câu hỏi. “Hiện tại tôi vẫn dùng chiếc xe đứng tên của bố tôi. Trước khi qua đời, bố tôi đã để lại những tài sản mà ông có, trong đó có chiếc xe máy. Và hiện tại, tôi đang làm lái xe cho một công ty xây dựng, nhưng chiếc xe này là của một người bạn sếp tôi đứng tên. Như vậy khi lưu thông tôi có bị xử phạt không?”, bạn đọc Phuocnguyen.

“Đọc xong mà mình chưa hiểu một số vấn đề. Nếu người trong một gia đình đi xe của nhau thì có vấn đề gì không? Vì mình đứng tên mua 3 cái xe cho em trai và bố dùng làm phương tiện đi lại. Giờ ban hành luật này thì những người không chính chủ như trong gia đình mình phải như thế nào?”, bạn đọc tên Thắng cũng nêu câu hỏi.

“Tôi muốn được giải thích? Bây giờ xe là của tôi, giấy đăng ký là của bố tôi. Bố tôi đã mất. Tôi đi xe đó bây giờ cũng là phạm luật à. Kính mong các ban ngành có điều chỉnh và có chế tài cụ thể , để làm sao luật ban hành ra phải làm hợp với lòng dân”, bạn đọc Đỗ Thành Trung bày tỏ.

“Ra quy định này có hợp lí không? Nhà có 3 người... Người bố đứng tên chính chủ... đột nhiên qua đời thì người mẹ với người con sẽ không được đi xe của người thân mình trong gia đình nữa hay sao?”, bạn đọc Ngo Trong Trung đặt giả thiết.

“Nên tuyên truyền cho người dân một thời gian rồi mới ban hành và thực thi nghị định… Đồng thời khuyến khích người dân làm thủ tục chuyển đổi và ban hành mức chi phí hành chính hợp lý… Nếu xử phạt theo đúng nghị định ngay bây giờ sẽ khiến nhiều người khó khăn”, bạn đọc Tran Thu.

“Đồng ý rằng quy định của chính phủ nhằm mục đích chấn chỉnh lại việc quản lý phương tiện là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi ra quy định thì phải nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề có hợp lý hay không? Để có thể mang tính thực thi và tránh việc giải quyết một vấn đề này lại đẻ ra nhiều vấn đề khác, là kẽ hở cho nhiều thủ tục hành chính, đồng thời kéo theo nhiều hệ lụy không lường trước được”, bạn đọc Jerrypham.

Gợi mở những giải pháp

“Theo mình biết, nếu đi xe của người thân trong gia đình thì không cần sang tên mà chỉ cần có giấy tờ chứng minh là được. Ví dụ, con cái đi xe bố mẹ hoặc anh chị thì chỉ cần sổ hộ khẩu hoặc làm giấy lên xã, phường chứng nhận quan hệ mình với chủ nhân chiếc xe đó. Còn đi xe của vợ hoặc chồng thì có thể mang giấy đăng ký kết hôn. Như thế thì chỉ bị phạt vì tội không mang đủ giấy tờ chứ không phạt tội chưa sang tên”, bạn đọc tên Minh.

Bạn đọc Vũ Thị Quỳnh Mai đề nghị: “Mong Chính phủ có một cái nhìn khái quát hơn khi đưa ra một quy định ảnh hưởng đến toàn xã hội! Nếu chính chủ, thì giờ mỗi người phải mua một cái xe để là “của mình”, như vậy có phải lượng xe tham gia giao thông sẽ tăng lên? Lượng xe tăng lên thì càng ô nhiễm môi trường, ách tắc giao thông… Nếu giải quyết được 1,2 vấn đề mà nảy sinh một số các vấn đề khác thì không đáng”.

Bạn đọc Duong Quoc An đồng quan điểm: “Tôi thấy do thuế quá cao nên người dân khi mua xe không muốn sang tên đổi chủ. Hỏi rằng ai đi xe mà chẳng muốn xe mang tên mình, nhà nước nên xem xét lại chứ một cái xe lắm loại thuế và phí quá!”.

Khẳng định, “người dân không sang tên chuyển chủ vì thuế trước bạ xe cũ quá cao”, bạn đọc Lưu Viết Thu đề nghị: “Để người dân tâm phục, nhà nước thu được thuế, đề nghị nhà nước xem xét lại mức thuế sang tên vừa phải. Nếu phương tiện đã qua nhiều chủ, nếu thấy hợp pháp nhà nước nên cho đăng ký lại”.

“Một chiếc xe khi mua mới đã phải nộp tất cả các loại thuế và phí trước khi lưu hành rồi, vậy mà khi bán xe cũ lại phải nộp tiếp thuế nữa là sao? Theo tôi trong trường hợp này nhà nước chỉ thu phí và lệ phí ở mức độ hành chính là hợp lý nhất”, bạn đọc Vu Minh Tu.

Bạn đọc Hainguyen phân tích cụ thể hơn: “Một chiếc xe khi mới xuất xưởng, đăng ký lần đầu đã đóng thuế 10% “khai sinh” cho nó rồi (trước bạ lần đầu 10%). Vì một lý do gì đó (ví dụ như phá sản) phải bán chiếc xe này cho người khác, thì người thứ 2 này lại phải đóng thuế “khai sinh” 10% cho nó nữa à? Đóng thuế 10% “khai sinh” cho xe thôi, còn các lần sau chỉ cần đóng 2-3% là hợp lý, mà nhà nước thu thuế được rất nhiều lần khi mua đi bán lại”.

“Nên có lối thoát cho vấn đề này để người dân thực hiện chủ trương của nhà nước đó là: Trong thời gian này nên tạo mọi điều kiện để người dân được làm thủ tục sang tên đổi chủ một cách đơn giản nhất! Còn cứ cứng nhắc phải có chủ xe mới cho đăng ký đổi chủ thì quá khó đối với người dân, vì rất nhiều xe đã bị mua đi bán lại qua rất nhiều chủ!”, bạn đọc Trinh Thinh.

“Tại sao không nghĩ ra những biện pháp vừa thích hợp, vừa đơn giản hóa thủ tục cho người dân? Ở nước ngoài mua bán xe cũ, ngoài sang tên còn có hình thức làm ủy quyền toàn bộ, hình thức này đơn giản, chi phí thấp mà cơ quan nhà nước vẫn quản lý được phương tiện”, bạn đọc Van Trong cung cấp thông tin rất đáng chú ý.