Ngân hàng - bức tranh ảm đạm: “Sóng ngầm” cắt giảm nhân sự

ANTĐ - Đang giữ vị trí giám đốc chi nhánh một ngân hàng thuộc diện phải tái cơ cấu, chị N.T.N bất ngờ nhận được lệnh điều chuyển về làm chuyên viên ban thu hồi nợ xấu. Không một lời giải thích cũng như không có một cuộc họp bất thường nào được tổ chức. Và chỉ ít ngày sau đó chị N phải khăn gói rời ngân hàng. 

Ngân hàng không thiếu lý do để buộc nhân viên thôi việc

Những quyết định bất ngờ

Việc bị “giáng chức” bất ngờ khiến chị N rất hoang mang. Ngay trong ngày hôm đó, chị N đã gửi một bức thư trong hệ thống đề nghị lãnh đạo ngân hàng cho biết nguyên nhân vì sao mình bị điều chuyển. Tuy nhiên, sau đó email cũng đã bị chặn và xóa bỏ trên hệ thống.

Thực tế của chị N chỉ là một trong rất nhiều câu chuyện của nhân viên trong diện cắt giảm nhân sự. Lo lắng về khả năng bị thôi việc khiến nhiều nhân viên ngân hàng luôn trong trạng thái nhấp nhổm. Anh Thắng - chuyên viên thu hồi nợ tại một ngân hàng cho biết: “Việc thu hồi nợ trong năm nay gặp nhiều khó khăn do các doanh nghiệp cũng trong tình trạng sống dở chết dở. Nếu không hoàn thành chỉ tiêu thì chỉ có nước thôi việc. Ngân hàng tôi đang làm vừa úp mở sẽ có đợt cắt giảm mạnh lên tới trên 1.000 nhân viên tại tất cả các chi nhánh. Với số lượng cắt giảm lớn như vậy tôi không biết mình có nằm trong số đó hay không”. 

Mới đây, trong giới nhân viên ngân hàng xôn xao chuyền tay nhau bức thư của nhiều nhân viên phản ánh việc ngân hàng cho thôi việc hàng loạt. Những người viết đơn cho biết, mặc dù hợp đồng lao động chưa hết thời hạn nhưng với lý do ngân hàng đang cơ cấu lại và tình hình tài chính 9 tháng đầu năm hoạt động không tốt nên họ nằm trong diện phải cắt giảm. Thay vì thông báo sa thải thì ngân hàng bắt các nhân viên tự viết đơn xin nghỉ để tránh phải bồi thường theo hợp đồng lao động. Phòng nhân sự cũng đưa ra lựa chọn đối với những nhân viên này nếu không tự viết đơn xin nghỉ sẽ được điều chuyển tới các chi nhánh ở các tỉnh thành khác làm việc với mức lương thấp, ngân hàng sẽ không hỗ trợ các chi phí ăn ở. 

Theo các báo cáo tài chính tại nhiều ngân hàng, số lượng nhân viên được tuyển dụng mới vẫn tăng, tuy nhiên trên thực tế “làn sóng” cắt giảm nhân sự đang diễn ra âm thầm nhưng cũng hết sức mạnh mẽ. 

Không thiếu lý do

Quá trình tái cơ cấu ngân hàng đã bắt đầu được thực hiện, trên bề nổi là sự hợp nhất, sáp nhập của một số ngân hàng. Nhưng tại mỗi ngân hàng, quá trình tái cơ cấu cũng đang được thực hiện mạnh mẽ, trong đó cơ cấu lại nhân sự là một vấn đề được nhiều  ngân hàng quan tâm. Trong giai đoạn phát triển nóng, các ngân hàng không ngần ngại tuyển dụng số lượng lớn nhân viên. Ở thời điểm hiện nay, khi tăng trưởng tín dụng gặp khó, lợi nhuận thấp đồng thời phải giải quyết nợ xấu thì việc cắt giảm nhân sự là một trong những phương án được các ngân hàng tính tới trước tiên. 

Anh N.Q.L - chuyên viên phòng nhân sự tại một ngân hàng cho biết,  thời gian vừa qua ngân hàng đã có những thay đổi tại nhiều vị trí, chủ yếu là các giám đốc quan hệ khách hàng bị giáng chức xuống làm chuyên viên hay bị điều chuyển tới các chi nhánh trong Nam. Thực ra đây chỉ là một trong những cách cho thôi việc “nhẹ nhàng”. Còn đối với những nhân viên ở vị trí thấp thì chỉ cần dựa vào chỉ tiêu không đạt hay cho thi sát hạch là có thể cho thôi việc. Lượng nhân viên bị sa thải cũng khá lớn, nhất là ở những chi nhánh hoạt động kém hiệu quả.  

TS. Nguyễn Trí Hiếu - Chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng, việc cắt giảm nhân sự cần nhìn ở nhiều khía cạnh. Một mặt nó ảnh hưởng tới đời sống người lao động nhưng nếu nhìn rộng hơn các ngân hàng chỉ có thể hoạt động hiệu quả nếu có được đội ngũ nhân sự có chất lượng. Vậy nên việc giảm bớt các nhân sự yếu kém trong khi tiếp tục bổ sung những lao động có chất lượng là điều cần thiết.

Một chuyên gia trong lĩnh vực nhân sự cũng cho rằng, nhân sự ngân hàng hiện nay vừa thừa vừa thiếu, thừa nhân lực non yếu và thiếu nhân lực chất lượng cao. Trên thực tế việc sa thải là phù hợp nếu nhân viên không làm tốt công việc được giao. Nhất là trong giai đoạn khó khăn này thì các ngân hàng cũng sẽ chú trọng tới chất lượng nhân viên hơn số lượng, do đó không ít nơi sẵn sàng cho nhiều nhân viên kém nghỉ việc để tuyển về một người có năng lực. Biến động về mặt nhân sự tại các ngân hàng rất mạnh và chủ ngân hàng luôn “nắm đằng chuôi”.