Trưng cầu ý dân - phương thức phát huy quyền làm chủ

ANTĐ - ĐBQH Đinh Xuân Thảo (Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp) cho rằng trưng cầu ý dân là một phương thức phát huy được quyền làm chủ của người dân cũng như đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước.

- PV: Quốc hội có quyền giám sát tối cao đối với toàn bộ hoạt động của bộ máy nhà nước, vậy ai sẽ giám sát Quốc hội?

- Ông Đinh Xuân Thảo: Quốc hội đại diện cho dân để thực hiện quyền giám sát tối cao, còn đến lượt mình thì Quốc hội chịu sự giám sát của chính nhân dân. Từng ĐBQH phải chịu trách nhiệm trước cử tri, họ có quyền bầu ra và cũng có quyền bãi miễn người không xứng đáng. Từng ĐBQH phải có chương trình hành động và mỗi năm có ít nhất 1 lần phải báo cáo trước cử tri về kết quả hoạt động của mình. Việc này đã có quy định.


- Xin ông cho biết, vấn đề trưng cầu ý dân được thể hiện ra sao trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp
lần này?

- Về trưng cầu ý dân, dù Hiến pháp hiện hành đã có, nhưng chưa có luật để cụ thể hóa, quy định rõ những nội dung, công việc nào phải đem ra trưng cầu. Các vấn đề lớn như xây dựng đường sắt cao tốc Bắc-Nam hay mở rộng Hà Nội trước đây chỉ lấy ý kiến của HĐND (dù đây là cơ quan đại diện cho dân), nhưng thực ra rất đáng để trưng cầu ý dân.

Vấn đề cần trưng cầu có thể diễn ra trong phạm vi một tỉnh, cũng có thể là liên tỉnh (VD: Nếu xây dựng một đập thủy điện nằm giữa 2 tỉnh, liên quan đến tài nguyên thì phải trưng cầu ý dân của cả 2 tỉnh đó) hoặc thậm chí là toàn quốc. Đây là một phương thức phát huy quyền làm chủ của người dân cũng như đảm bảo hiệu quả quản lý nhà nước. Vì vậy, cùng với việc sửa đổi Hiến pháp lần này, thì trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội cũng đã dự liệu đưa vào những dự án luật có liên quan, cần có sau khi Hiến pháp được sửa đổi.


- Việc Hội đồng bầu cử Quốc gia (HĐBCQG) xuất hiện trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này đem đến những lợi ích gì cho công tác bầu cử, thưa ông?

- Bầu cử thực chất là hành vi dân chủ trực tiếp, quan trọng nhất, sau đó mới đến trưng cầu ý dân. Dự thảo lần này đưa ra thiết chế về HĐBCQG, muốn nói lên đây là một cơ quan độc lập, tổ chức việc bầu cử một cách khách quan. HĐBCQG sẽ không có ứng viên đại biểu, có trách nhiệm báo cáo kết quả công việc trước Quốc hội để Quốc hội xem xét, phê chuẩn. Chưa kết thúc nhiệm vụ ở đây, HĐBCQG sau đó vẫn tiếp tục được duy trì để giải quyết công tác khiếu nại, tố cáo. Việc này còn liên quan đến cả khía cạnh quốc tế: ở các cuộc bầu cử lớn, bao giờ cũng có quan sát viên - nhà báo quốc tế tham dự, có HĐBCQG thể hiện rõ tính khách quan, trung thực trong công tác bầu cử.