Trò lố bịch của những kẻ cơ hội

ANTĐ -Thời gian gần đây, trên một số trang tin điện tử phản động đặt máy chủ ở nước ngoài và một số blog cá nhân của những kẻ cơ hội chính trị trong nước có bàn tán việc “bình chọn” và “suy tôn” danh hiệu “Người phụ nữ của năm 2011” dành cho một nhân vật có tên Bùi Thị Minh Hằng. Vậy Bùi Thị Minh Hằng là ai? Đi tìm câu trả lời ấy, dễ dàng nhận thấy việc “bình chọn” và “suy tôn” trên nằm trong kịch bản hết sức lố bịch của họ.

Bài 1: Tự xưng “yêu nước”, chuyên gây rối trật tự công cộng

Câu chuyện bắt đầu từ các ngày chủ nhật tháng 6-2011, trên địa bàn Hà Nội liên tiếp xảy ra các cuộc tụ tập, biểu tình, tuần hành tự phát xuất phát từ tinh thần yêu nước và tâm lý bức xúc của quần chúng nhân dân về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nhưng những tuần sau đó, lợi dụng tình cảm yêu nước của nhân dân, các thế lực chống đối Nhà nước Việt Nam trong, ngoài nước đã kêu gọi, kích động, hướng dẫn cách biểu tình, tuần hành gây mất ANTT ở Thủ đô.  

Tại Hà Nội, lợi dụng việc đi tuần hành, các đối tượng đã mang theo nhiều băng rôn, khẩu hiệu, hò hét, gây huyên náo, lộn xộn trên nhiều tuyến đường phố trung tâm suốt trong suốt nhiều tuần. Hành vi, thái độ ứng xử này không chỉ gây xấu đối với hình ảnh văn minh, bình yên của Thủ đô Hà Nội. Trước tình hình đó, ngày 18-8-2011, UBND TP Hà Nội đã ra Thông báo về công tác đảm bảo ANTT, yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, tập trung đông người trái pháp luật trên địa bàn thành phố. Lãnh đạo Thành phố cũng đã tổ chức đối thoại trên tinh thần trao đổi hết sức thẳng thắn, cầu thị với đại diện những người tham gia tuần hành.

Những động thái này giúp đại bộ phận người dân từng tham gia tụ tập, tuần hành hiểu ra và dừng lại. Song vẫn còn một số đối tượng cố tình không thực hiện Thông báo của UBND Thành phố, trong đó có Bùi Thị Minh Hằng. Hằng sinh năm 1964, lớn lên ở thị xã Sơn Tây, Hà Nội, sau đó vào Vũng Tàu mưu sinh. Năm 1993, Hằng bị TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xử phạt 9 tháng tù treo, 12 tháng thử thách do vi phạm chế độ hôn nhân. Ngày 29-11-1996, Bùi Thị Minh Hằng bị công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố vụ án hình sự về tội danh cưỡng đoạt tài sản; ngày 19-3-1997, cơ quan tố tụng đã xử phạt hành chính đối với Hằng về hành vi nêu trên.

Nhân thân xấu cộng với bản tính thích tạo scandal để “nổi tiếng”, Bùi Thị Minh Hằng đã sớm bị lợi dụng, lôi kéo vào những hoạt động nhằm ảnh hưởng xấu đến tình hình ANTT. Ngày 2-8-2011, từ Vũng Tàu, Hằng ra Hà Nội để góp mặt trong đám đông người đứng bên ngoài phiên Tòa xét xử phúc thẩm Cù Huy Hà Vũ. Hôm đó, Hằng ra sức kích động số người có mặt tại phiên tòa gây rối trật tự công cộng. Mặc dù lực lượng làm nhiệm vụ đã nhắc nhở nhiều lần, nhưng Hằng vẫn cố tình vi phạm. Lực lượng chức năng buộc phải đưa Hằng về trụ sở CAQ Hoàn Kiếm, lập biên bản và ra quyết định xử phạt hành chính với hình thức cảnh cáo về hành vi gây rối trật tự công cộng.

Động thái kiên quyết, nhưng vẫn có hướng “mở” của cơ quan chức năng chưa khiến Bùi Thị Minh Hằng tỉnh ngộ. Ngày 21-8-2011, ba ngày sau khi UBND Thành phố ra Thông báo yêu cầu chấm dứt mọi hoạt động tụ tập, tập trung đông người trái pháp luật trên địa bàn thành phố, Bùi Thị Minh Hằng vẫn tiếp tục cùng một số người tụ tập, gây mất trật tự công cộng tại khu vực trước tượng đài Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm. Mặc dù được tuyên truyền, giải thích, vận động, song Hằng vẫn cố tình vi phạm, buộc lực lượng chức năng phải áp dụng biện pháp cưỡng chế đưa về Đồn công an số 1 Mỹ Đình, Từ Liêm, sau đó chuyển đến CAQ Hoàn Kiếm lập hồ sơ, ra quyết định xử lý hành chính về hành vi gây rối trật tự ở nơi công cộng. Lần vi phạm thứ ba và bị xử lý hành chính của Bùi Thị Minh Hằng vào ngày 16-10-2011; hôm đó, Hằng cùng gần 20 người tụ tập, gây mất trật tự trước cổng đền Ngọc Sơn, quận Hoàn Kiếm. Khi lực lượng chức năng yêu cầu dừng các hành vi trên, Hằng đã không chấp hành mà còn la hét, lăn ra vỉa hè ăn vạ, chửi bới, lăng mạ cán bộ thực thi nhiệm vụ.

Rõ ràng, mặc dù đã được tuyên truyền, vận động, giáo dục nhiều lần, nhưng Bùi Thị Minh Hằng vẫn ngoan cố, thách thức chính quyền, bất chấp pháp luật, khiêu khích lực lượng chức năng, liên tục có các hành vi gây rối trật tự công cộng. Căn cứ vào các quy định của pháp luật, ngày 27-10-2011, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đã đề nghị Hội đồng tư vấn thành phố duyệt đưa Bùi Thị Minh Hằng đi cơ sở giáo dục. Ngày 1-11, Hội đồng tư vấn thành phố đã có báo cáo đề nghị UBND Thành phố Hà Nội ra quyết định áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng đối với Bùi Thị Minh Hằng. Và ngày 8-11-2011, UBND Thành phố đã có quyết định số 5225/QĐ-UBND về việc áp dụng biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục thời hạn 24 tháng đối với Bùi Thị Minh Hằng. Có thể thấy, Quyết định số 5225 đã thể hiện rõ chủ trương khoan hồng của Đảng và Nhà nước đối với Bùi Thị Minh Hằng; nó vừa thể hiện tinh thần giữ nghiêm kỷ cương phép nước, vừa tạo cơ hội để Bùi Thị Minh Hằng được quản lý, giáo dục, có cơ hội nhận thức, sửa chữa những sai phạm cá nhân…

 (Còn nữa)

“Đối tượng đưa vào cơ sở giáo dục bao gồm những người có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây có tính chất thường xuyên (có từ 2 lần vi phạm trở lên trong 1 năm), nhưng chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự và đã bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc chưa bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn nhưng không có nơi cư trú nhất định: gây rối trật tự công cộng; chống người thi hành công vụ

(Trích khoản c, điểm 1, điều 3- NĐ 76/2003/NĐ-CP của Chính phủ)