“Bổ đầu” thu Phí sử dụng đường bộ: Chỉ sợ không công bằng

ANTĐ - Chỉ còn hơn một tháng nữa, các chủ phương tiện,  doanh nghiệp vận tải sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ. Tuy nhiên, đại diện các Hiệp hội vận tải cũng như nhiều doanh nghiệp cho rằng, nên thu phí qua xăng dầu để đảm bảo công bằng.

Nhiều người cho rằng, phí thu qua đầu phương tiện khó đảm bảo công bằng

Bất hợp lý khi thu qua đầu phương tiện

Hiệp hội Vận tải Hà Nội vừa có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Ủy ban Pháp luật Quốc hội, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đề nghị các cơ quan xem xét một số vấn đề liên quan đến việc thu, quản lý, sử dụng Quỹ bảo trì đường bộ. Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, Chính phủ không nên thu phí sử dụng đường bộ theo đầu phương tiện, để đảm bảo công bằng thu phí qua xăng dầu hoặc các trạm thu phí như thông lệ quốc tế. Ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho biết: “Việc thu phí trên đầu phương tiện sẽ làm phát sinh sự thiếu công bằng với xe sử dụng đường bộ nhiều và xe sử dụng đường bộ ít”. Ông Liên chỉ rõ, xe ôtô được sử dụng trong trường lái, xe ôtô bị tai nạn mất thời gian sửa chữa hoặc tạm giữ 3, 4 tháng cũng phải gánh chịu phí sử dụng đường bộ tương tự như những xe chạy nhiều. 

“Các phương tiện không sử dụng đường bộ thì phải hoàn lại để không chịu sự thiệt thòi. Điều này, Bộ Tài chính phải có trách nhiệm xem xét làm thế nào tạo sự công bằng giữa các phương tiện”, ông Liên kiến nghị. Cùng quan điểm này, ông Trương Trí Minh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa Hải Phòng, cho rằng: “Để đảm bảo công bằng trong xã hội, về phương thức nên thu qua xăng dầu chứ không thu qua đầu phương tiện như dự thảo đưa ra”. Nhiều Hiệp hội vận tải, hàng hóa cũng kiến nghị, việc đóng phí, thuế để phát triển hạ tầng giao thông là cần thiết nhưng cần phải công khai, minh bạch, công bằng trong cách thu và phương thức thu.

Không nên để Bộ GTVT quản lý quỹ

Bên cạnh đó, đại diện nhiều Hiệp hội vận tải cũng như doanh nghiệp cho rằng, thu phí với nhóm xe đầu kéo, nghị định quy định vừa thu phí trên đầu phương tiện là “máy kéo” đồng thời thu trên “rơmooc, sơmi rơmooc được kéo bởi ôtô, máy kéo” là vô lý. Bởi, bản thân sơmi rơmooc là thiết bị cơ khí đơn giản, không gắn động cơ, không thể tự chạy được. Nghị định tách thành hai thiết bị riêng biệt để thu phí đối với loại xe tổ hợp chuyên dụng sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp vận tải.

Đại diện Công ty TNHH Công Thành nêu ý kiến: Theo dự thảo, phí rơmooc và sơmi rơmooc gấp 3-4 lần so với đầu kéo, như vậy, công ty phải nộp 13 tỷ đồng/năm, tức là phải tăng cước vận chuyển lên cao trong khi vẫn phải chấp hành pháp lệnh về giá. Điều này gây khó khăn rất nhiều cho doanh nghiệp.

Cũng trong văn bản, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị, Quỹ bảo trì đường bộ nên nộp vào ngân sách, Nhà nước thống nhất quản lý và phân bổ theo Luật Ngân sách (như tiền phạt hành chính giao thông đường bộ). Giải thích về điều này, ông Liên cho biết, Nhà nước quản lý ngân sách, tài chính, mọi nguồn thu đều do Nhà nước quản lý vì thế không nên cho các ngành thu riêng để tránh đặc quyền của các đơn vị đồng thời tránh quỹ phân tán. “Quản lý và sử dụng phí sử dụng phương tiện phải thật chặt chẽ để đồng tiền của dân được quay trở lại phục vụ dân” - ông Liên nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo đề xuất của Hiệp hội Vận tải Hà Nội, không nên để Bộ trưởng Bộ GTVT làm Chủ tịch Hội đồng quỹ Trung ương, không thành lập các Hội đồng quản lý quỹ từ Trung ương đến địa phương.  Lý giải cho vấn đề trên, Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các đơn vị, tổ chức quản lý nếu thành lập sẽ tăng thêm khoảng 400 giám định viên có tư cách pháp nhân, có tài khoản riêng. Các bộ máy này sẽ kéo theo các chi phí văn phòng, hành chính, phương tiện đi lại, tiền lương, tiền thù lao làm tiêu hao đồng tiền của nhân dân đóng góp và không minh bạch. Để khắc phục thực tế này, Hiệp hội Vận tải Hà Nội kiến nghị, Bộ Tài chính nên làm cơ quan chủ quản thu, phương án thu, quản lý và hạch toán riêng, cân đối và phân bổ lại cho Bộ GTVT và các địa phương.

Theo dự thảo Thông tư hướng dẫn thu phí bảo trì đường bộ của Bộ Tài chính, từ ngày 1-1-2013, các phương tiện từ  xe đạp điện, đến xe máy và các loại ô tô sẽ phải đóng phí sử dụng đường bộ. Vừa qua, Hiệp hội Vận tải TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hiệp hội Vận tải TP Hải Phòng và Hiệp hội Kho vận Việt Nam đã cùng kiến nghị, nên thu phí bảo trì qua xăng dầu.