Tình yêu bước qua định kiến “bệnh hủi”

ANTĐ - Đến trại phong, chúng tôi được nghe kể về một câu chuyện tình đầy nước mắt, tưởng chừng chỉ có trong những cuốn tiểu thuyết.

Tôi đến Trại Phong Sóc Sơn trong một ngày cuối đông u ám. Dù nằm cách trung tâm Thủ đô chỉ chừng 40 cây số nhưng nơi đây vẫn là một thế giới biệt lập với bên ngoài. Dù khoa học đã chứng minh, bệnh phong không phải là bệnh có thể lây lan nhưng nhiều người dân vẫn có thái độ kỳ thị, xa lánh những người bệnh.

Mối tình giữa chàng trai hào hoa đất Hà thành và cô gái miền Trung du

Hoàng Văn Thanh sinh ra và lớn lên ở Trại Phong Sóc Sơn. Cũng giống như những đứa trẻ lớn lên ở trại phong này, anh tự ti và mặc cảm với hoàn cảnh của mình. Tuổi thơ của Thanh là những chuỗi ngày cơ cực, cay đắng bởi sự khinh miệt, những ánh mắt và những lời nói ác độc từ những người bên ngoài cánh cửa trại phong. Thanh kể lại rằng, không chỉ có những người lớn mà cả những đứa trẻ học cùng với anh cũng cô lập đám trẻ con trong trại. Thế nên ngoài thời gian đi học, những đứa trẻ cùng hoàn cảnh tụ lại với nhau trong trại để tránh những trò đùa ác của bọn trẻ con bên ngoài. Ngay cả trong những giấc mơ, anh cũng thấy tụi nó vây quanh cười nhạo anh và hét váng lên: “Đồ con hủi”.

Khi học hết cấp 3, cũng là lúc Thanh bước vào tuổi thanh niên và có những rung động đầu đời. Nhưng anh cũng tự ý thức rằng, nếu còn ở lại trong trại phong này, thì cuộc đời anh sẽ vĩnh viễn bị chôn vùi ở đây giống như những thanh niên khác ở xung quanh anh. Nghĩa là, anh sẽ lấy một cô gái khác, cùng làng con một gia đình trong “làng phong” rồi họ sẽ lại sinh con đẻ cái ở cái làng này, những đứa trẻ lớn lên lặp lại vòng đời đầy bi kịch của cha mẹ chúng. Chỉ cần nghĩ đến đó, chàng trai trẻ lại ứa nước mắt. Anh đã quyết định rời làng phong để tự đi tìm hạnh phúc cho mình bên ngoài ngôi làng ấy.

 

Rời làng phong, Thanh lên Việt Trì và thi đỗ vào một trường Trung cấp ở đó. Tại đây, anh đã quen với Hòa, một cô bạn học cùng trường và đem lòng yêu cô gái ấy. Khi đó, Thanh và Hòa học cùng khóa nhưng khác lớp. Cô học lữ hành còn anh học nấu ăn nhưng họ lại cùng thuê nhà ở trong một khu trọ. Cô gái nhỏ nhắn, xinh xắn miền Trung du nhanh chóng bị chàng trai Hà thành điển trai, khéo ăn khéo nói nhưng cũng rất mực chân thành chinh phục. Họ trở thành một cặp đôi trong sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng trang lứa. Ngay sau khi ra trường, Thanh được thầy chủ nhiệm giới thiệu về làm đầu bếp cho một nhà hàng có tiếng ở thành phố ngã ba sông. Còn Hòa cũng tìm được một công việc tại văn phòng của một công ty du lịch. Lúc này, Hòa bắt đầu nghĩ tới một đám cưới.

Trong khi Hòa vui vẻ hạnh phúc bao nhiêu thì Thanh lại bồn chồn lo lắng bấy nhiêu trước viễn cảnh tương lai. Anh đã về thăm nhà Hòa nhiều lần nhưng chưa bao giờ dẫn cô về nhà ra mắt bố mẹ bởi anh đã nói dối Hòa và cả những người thân của Hòa. Họ chỉ biết rằng, bố mẹ anh đi làm ăn xa, anh ở Hà Nội cùng với ông chú ruột. Cũng bởi quá yêu Hòa nên chưa bao giờ Thanh dám thú nhận với cô: Cha mẹ anh là những bệnh nhân đang điều trị trong trại phong - cái nơi đã ám ảnh anh trong suốt bao nhiêu năm liền.

“Đâm lao thì phải theo lao” đấy là ý nghĩ đầu tiên của Thanh khi Hòa đề cập đến chuyện đám cưới. Khi đó, Thanh đã về bàn với chú ruột về việc đám cưới. Tuy không giàu có nhưng chú ruột của Thanh cũng có một cơ ngơi khá vững chãi trên phố Đội Cấn. Sau khi đã thống nhất với nhau, người chú đã đại diện họ nhà trai lên quê của Hòa ở Thanh Thủy - Phú Thọ để xin cưới. Tình yêu của họ có một cái kết thật đẹp bằng một đám cưới linh đình trong sự ngưỡng mộ của bạn bè cùng lớp và gia đình cô dâu. Với Thanh, anh cũng vô cùng hạnh phúc nhưng cũng đầy âu lo về một tương lai mờ mịt bởi anh biết mình không thể nào giữ mãi được bí mật của mình.

Khi Hòa mang thai đứa con đầu lòng được hai tháng, Thanh quyết định đưa Hòa về thăm bố mẹ ở trại phong. Trước đó, Hòa đã nói với anh rằng, dù có thế nào đi chăng nữa, Hoà vẫn sẽ yêu anh như hiện tại. Thanh nghĩ rằng, nếu Hòa đủ yêu mình, cô sẽ tha thứ và chấp nhận tất cả.

Thế nhưng, mọi chuyện đã nằm ngoài mọi sự định liệu của Thanh. Ngay khi nhìn thấy bố mẹ chồng với những ngón tay, ngón chân bị ăn cụt gần hết, trong một căn phòng ẩm thấp chưa đến 10m2, cô đã ngất xỉu ngay tại chỗ. Suốt những ngày sau đó, cô câm lặng không nói gì, chỉ ăn uống cầm hơi rồi lại ngồi khóc. Mọi lời khuyên nhủ của Thanh đều trở nên vô nghĩa, kể cả việc anh quỳ xuống khóc lóc van xin cô tha thứ vì đã trót lừa dối cô, cũng chỉ bởi anh yêu cô hơn cả mạng sống của mình. Cú sốc quá lớn ấy khiến Hòa không thể nào giữ được đứa con trong bụng. Vừa yêu, vừa hận nên cô đã bỏ việc về nhà bố mẹ đẻ.

Sau khi biết chuyện, bố mẹ Hòa đã khuyên con gái chia tay với Thanh để đi tìm hạnh phúc mới. Ông bà còn cấm cửa Thanh không được bén mảng đến gần nhà bởi họ không thể chịu đựng được cảnh cô con gái xinh đẹp giỏi giang giờ trở nên ngơ ngẩn như người mất hồn. Sau rất nhiều lần tiếp cận nhưng không được, Thanh buồn bã quay trở về nơi làm việc.

Cũng trong lúc này, mẹ Thanh bị bệnh nặng nên anh đã quyết định xin nghỉ việc một thời gian để vừa chăm sóc bố mẹ và cũng để quên đi người con gái mà anh yêu hơn cả mạng sống của mình. Thanh ngậm ngùi cho số phận của mình, anh nói rằng, khi đó anh hoàn toàn mất hết niềm tin vào cuộc sống, anh sống như một cái xác không hồn chỉ suốt ngày ngơ ngẩn.

Lá thư tình 20 trang và tình yêu vượt qua mọi định kiến

Ở Trại Phong Sóc Sơn, tâm trạng của Thanh cũng không khá hơn Hòa là mấy. Ngoài thời gian chăm sóc mẹ đang bệnh, Thanh ngẩn ngơ như người mất hồn. Không phút nào anh thôi nghĩ về Hòa và tình yêu của cô. Nhìn thấy con cả ngày âu sầu, ủ dột, bố Thanh khuyên con nên đi tìm Hòa. Ông nói với con rằng, bố có thể chăm sóc mẹ, con cứ đi tìm hạnh phúc riêng của đời mình nhưng Thanh quả quyết nói với bố: “Nếu cô ấy yêu con. Cô ấy sẽ phải chấp nhận cả bố mẹ, chấp nhận xuất thân của con”.

Đêm ấy, Thanh thức trắng đêm, anh viết cho Hòa một lá thư tình dài 20 trang nói hết những nỗi lòng của mình. Anh nói rằng, anh là người có lỗi và chấp nhận quyết định của cô, nếu cô không còn yêu anh nữa, hãy gửi lại một tờ đơn ly hôn và anh sẽ ký mà không thêm một lời níu kéo nào nữa.

 

Trong khi đó ở quê, Hòa cũng như người mất hồn. Nỗi đau bị lừa dối quyện với nỗi đau mất con khiến cho Hòa suốt ngày thơ thẩn, nhưng cô vẫn không thể nào quên được Thanh, những kỷ niệm của hai người đã có với nhau dằn vặt cô. Khi nhận được lá thư của Thanh, cô đã thức suốt một đêm suy nghĩ. Sau đêm đó, cô đã xé bỏ lá đơn ly hôn đã viết sẵn. Khi đó, mọi lời khuyên can của bố mẹ trở nên vô nghĩa bởi cô biết rằng không có anh, cô sẽ chết. Cha mẹ cô cũng tin vào điều đó, họ chỉ còn biết thở dài và chấp nhận sự lựa chọn của con.

Sau khi lá thư đi, Thanh lao vào giúp bố làm việc trong khuôn viên trại phong, những mong công việc sẽ khỏa lấp đi nỗi nhớ cồn cào đang cào xé trong tim. Nhưng càng cố quên lại càng nhớ. Đến một hôm, khi Thanh đang làm việc, bỗng anh có cảm giác rất nóng ở sau gáy. Linh cảm có người nhìn mình, anh quay lại thì trước mắt anh là Hòa - người con gái anh yêu đang đứng đó. Thanh lao đến ôm ấy cô, cả hai không nói một lời nào, chỉ ôm nhau và khóc. Họ đã tìm lại được hạnh phúc sau một chuỗi ngày đầy sóng gió.

Nhìn Thanh và Hòa cùng cô con gái 4 tuổi hạnh phúc trong căn nhà nhỏ, ít ai nghĩ rằng họ đã trải qua một quãng thời gian đầy sóng gió để có thể đến được với nhau. Cô đã nghĩ rất nhiều trước quyết định tha thứ cho anh bởi cô biết không thể nào sống thiếu anh. Cô nói rằng, quyết định tha thứ và trở lại với anh là quyết định vô cùng khó khăn bởi lẽ khi chấp nhận anh cũng đồng nghĩa với việc cô phải chấp nhận gia đình nhà chồng, chấp nhận những ánh mắt kỳ thị từ phía những người bình thường khác, thậm chí là từ cả những người thân của chính cô. Tuy nhiên, sau khi tìm đến bác sĩ để tìm hiểu về căn bệnh phong và biết căn bệnh đó không lây nhiễm, cô đã hiểu ra được nhiều điều. Cô tin rằng, sau này xã hội sẽ dần dần hiểu biết hơn về căn bệnh mà bố mẹ chồng cô và những người ở làng phong đang mắc để bớt đi cái nhìn kỳ thị với họ.

Từ ngày quay trở về trại phong đoàn tụ cùng chồng, Hòa trở thành một người con dâu hiếu thảo. Cả hai vợ chồng đã từ bỏ công việc ở Việt Trì và cùng nhau về lại làng phong để có nhiều thời gian chăm sóc bố mẹ. Hiện nay, cuộc sống của họ tuy còn nhiều vất vả nhưng tràn đầy hạnh phúc. Bởi một lẽ, họ đã bước qua những rào cản định kiến đầy ác nghiệt để đến được với nhau nên họ vô cùng trân trọng những gì họ đang có.