Mại dâm trên từng cây số (3):

Đắng lòng phận gái... mại dâm

ANTĐ -Những vụ án lừa bán người vào các động mại dâm trong nước và ở các vùng biên giới phía Bắc rộ lên mấy năm nay cùng với sự phát triển rầm rộ của tệ nạn mại dâm đặt ra một vấn đề: Các cô gái mại dâm đáng thương, đáng giận hay đáng lên án? Trong quá trình tìm hiểu chúng tôi thấy những kết luận đó đều đúng cả. Hiện nay có mấy dạng gái mại dâm: bị bắt buộc bán dâm, tự nguyện bán dâm gắn với một cơ sở, một má mì theo hợp đồng ăn chia và gái mại dâm tự do.

Đáng lo nhất là có rất nhiều trường hợp bị lừa, bị bắt buộc bán dâm. Đối tượng này thường là các cô gái trẻ vùng sâu, vùng xa hoặc ở các vùng đông dân nhưng kém hiểu biết bị lừa đi tìm việc làm, bị bạn tình lừa đẩy vào các cơ sở mại dâm. Các cô này thường bị các ma cô bán cho các cơ sở mại dâm lấy tiền, các cô gái tự nhiên mang một cục nợ, phải bán dâm lấy tiền trả nợ đậy cho những kẻ đã bán chính mình. Không có tiền trả nợ, nếu trốn sẽ bị đánh đập, nhiều cô phải nhắm mắt bán thân. Đây là một hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng và là đối tượng của các chiến dịch đấu tranh không chỉ trong nước mà cả ở bình diện quốc tế.

Theo báo cáo tổng kết của Ủy ban Tư pháp Quốc hội trình bày tại Hội thảo quốc tế về dự án Luật phòng chống mua bán người tổ chức tại Huế tháng 12-2010, trong 5 năm từ 2006-2010 cả nước đã phát hiện được 1586 vụ mua bán người với hàng ngàn nạn nhân chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Phần lớn các vụ buôn bán người này là để phục vụ cho công nghiệp mại dâm. Cũng trong 5 năm đó, các cơ quan bảo vệ pháp luật đã giải cứu và tiếp nhận 4000 người là nạn nhân của các vụ buôn người và đã hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho số này.

Tuy nhiên có một thực tế là rất nhiều cô gái bị lừa, bị bán vào các động mại dâm sau khi được tự do đã không trở về đời sống bình thường mà lại tiếp tục làm nghề mại dâm để kiếm sống. Các đối tượng này cùng với các đối tượng sa ngã là lao động chính trong ngành kinh doanh tình dục. Bây giờ các cô đã trở thành gái tự nguyện bán dâm. Các cô không thể tự kiếm khách mua dâm nên thường gắn với một má mì, một động mại dâm nào đó để ăn chia với họ. Thông thường có hai loại “hợp tác”. Loại thứ nhất là chủ động mại dâm hoặc má mì nuôi ăn ở và quy định mỗi lần bán dâm gái được hưởng bao nhiêu, loại thứ hai là gái tự lo ăn ở, má mì, hoặc chủ động khi cần gọi điện thoại, gái sẽ đến phục vụ. Loại này mỗi lần bán dâm, chủ động hoặc má mì sẽ thỏa thuận cụ thể, đồng ý thì tiếp khách, không đồng ý thì chủ động hoặc má mì gọi cô khác.

Mối liên hệ giữa các cô gái mại dâm với các chủ động và má mì là mối quan hệ cộng sinh, cả hai bên đều có lợi. Các ma cô dắt gái cần có gái để kiếm lợi nhuận, các gái bán dâm cần có ma cô để kiếm khách và để được bảo vệ tránh được các du côn quỵt tiền hoặc đánh đập, cướp bóc.

Một điều buồn là hầu hết các cô gái mại dâm đều không muốn cả đời hành nghề mại dâm, các cô gái cũng muốn có hạnh phúc riêng, có gia đình, con cái. Nhưng đã bước chân vào nghề này các cô đã tự đánh mất tương lai, vĩnh viễn không ra khỏi vũng lầy. Có hai lý do để các cô không thể bỏ nghề, thứ nhất nghề bán dâm là nghề không phải lao động vất vả cũng có thu nhập cao. Dần dần các cô gái bán dâm mất khả năng lao động với thu nhập thấp. Thứ hai là do đặc điểm làm nghề mại dâm các cô chỉ có các mối quan hệ hoặc là với khách hoặc với ma cô dắt gái, hoặc bảo kê. Các khách hàng không ai muốn lấy gái mại dâm về làm vợ, ma cô dắt gái và du côn bảo kê chỉ có những mối quan hệ lợi dụng gái mại dâm, cũng không ai muốn lấy gái về làm vợ. Vậy là các cô cứ làm nghề đến khi chỉ còn là cái tã rách. Con đường của các cô bắt đầu từ gái mại dâm hạng sang được cả ma cô lẫn khách chiều chuộng, rồi đến khi sắc xuống nước, tuổi đã quá thì xuống động mại dâm tiếp khách “tàu nhanh” rẻ tiền và cuối cùng là đứng đường giá mạt hạng, thân mang bệnh hoa liễu, thậm chí là HIV, là AIDS, nghiện ma túy và chết đường chết chợ hoặc là ở các cơ sở từ thiện.

Người viết bài này năm 1996 đã biết một dự án do một nhà hảo tâm bỏ kinh phí cho 20 cô gái đang phục vụ tại các quán karaoke về nuôi ăn ở 6 tháng dạy nghề, dạy tiếng Anh và cấp một số vốn nhỏ để các cô hoàn lương. Một năm sau tìm lại các cô, thì 19 cô đã trở lại làm gái, một cô không làm gái nữa mà mở hẳn một quán karaoke chăn gái, làm bà chủ. Có thể nói con đường hoàn lương của gái mại dâm là con đường khó khăn như con đường cai nghiện ma túy.

Giải pháp nào cho việc chống tệ nạn mại dâm? Quá khó. Khác với các xã hội Tây phương, nền tảng đạo đức của dân tộc ta, những quan niệm bảo vệ phụ nữ không cho phép chúng ta thừa nhận mại dâm là một nghề để có những điều luật quản lý mại dâm. Trong khi đó nhu cầu tình dục ngoài hôn nhân là có thực và cũng rất khó có giải pháp bài trừ các hoạt động này.

Theo chúng tôi, kinh nghiệm của công tác phòng chống tệ nạn ma túy tại cơ sở có thể có ích cho việc định hướng quản lý những người tham gia tệ nạn này. Trước hết cần có sự thống kê và kiểm soát những người làm việc trong các cơ sở nhạy cảm có thể có các hoạt động mại dâm. Đề ra và kiên quyết thực hiện các biện pháp quản lý các đối tượng này như kiểm tra sức khỏe định kỳ, kiểm tra việc sử dụng ma túy, các biện pháp giám sát thu nhập để thu thuế…

Các lao động trong các cơ sở kinh doanh nhạy cảm này phải có trách nhiệm đăng ký và chịu sự giám sát bắt buộc của những cơ quan chuyên ngành. Mặt khác từ các nguồn thu thuế có thể có những giải pháp hỗ trợ như động viên các cô gái học nghề, học văn hóa, tổ chức các đợt truyền thông giáo dục nhằm thay đổi nhận thức của các cô gái về trách nhiệm xã hội, về sức khỏe… Sẵn sàng hỗ trợ các cô gái tái hòa nhập cộng đồng. Dĩ nhiên đây là những biện pháp rất khó thực hiện và tốn nhiều kinh phí. Nhưng thiết nghĩ còn hơn thực hiện các biện pháp không có hiệu quả gây lãng phí ngân sách trong công tác phòng chống tệ nạn mại dâm như các năm vừa qua.