“Đại gia” hay “sâu mọt” đục ruỗng nền kinh tế?

ANTĐ - Một trong những đặc điểm của nền kinh tế thị trường có định hướng xã hội chủ nghĩa là sự xuất hiện ồ ạt của các doanh nghiệp tư nhân và sự xuất hiện như từ trên trời rơi xuống những tỷ phú, những người nhanh chóng khống chế nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế và đóng góp cho sự ổn định và phát triển đất nước. 
Ở Việt Nam, trong mấy năm vừa qua, cũng đã xuất hiện hàng loạt các “đại gia”, những người được các phương tiện truyền thông, các cơ quan thống kê công bố tài sản của họ trên sàn chứng khoán, bằng các tài sản mà họ đang sở hữu lên đến hàng trăm triệu USD, hàng tỷ USD. Và họ đã có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của đất nước ta trong hơn mười năm qua. Nhưng những khó khăn từ giữa năm 2011 đến nay với sự đóng băng của thị trường bất động sản, sức mua giảm sút, hàng tồn kho tăng cao, và đặc biệt hơn, những yếu kém của thị trường tài chính non trẻ, chưa đủ sức làm chỗ dựa cho một nền kinh tế phát triển đã lộ ra, hình ảnh thật của các “đại gia” đã làm cho dư luận thất vọng. Và một câu hỏi lớn đã được đặt ra: Họ là ai. Tài sản lớn của họ từ đâu ra, ai là người hùng của đất nước và ai là sâu mọt đang đục ruỗng nền kinh tế chúng ta. Dĩ nhiên rất khó để có được một câu trả lời đầy đủ, tuy nhiên, với những sự kiện, những vụ khởi tố trong thời gian qua, hình ảnh của các “đại gia” đã dần dần hiện rõ.
“Đại gia” hay “sâu mọt” đục ruỗng nền kinh tế? ảnh 1
Những tài sản không từ trên trời rơi xuống
Những năm gần đây, từ “đại gia” đã trở nên phổ cập không chỉ trong câu chuyện thường nhật, mà cả trên các phương tiện thông tin đại chúng. Lướt qua các trang mạng lớn, ngày nào cũng có vài ba tiêu đề, kiểu như đại gia mua máy bay, đại gia lấy vợ trẻ, đại gia nợ ngân hàng, hay đại gia vừa bị quản thúc. Thực ra thì “đại gia” là ai? Đại từ điển tiếng Việt (NXB Đại học Quốc gia TP.HCM, 2011) định nghĩa: “Đại gia - nhà quyền quý, cũng chỉ dòng họ có tiếng tăm thời phong kiến”. Cứ bằng vào ngữ cảnh khi dùng hai từ này, thì đại gia thời nay có thể hiểu đơn giản là những người nhiều tiền, bất kể tiền sạch hay bẩn. Với một nền kinh tế thị trường minh bạch, một công dân hay DN tham gia đầu tư, kinh doanh được thể hiện bằng các khoản thu nhập, theo quy định của pháp luật, anh phải đóng thuế bao nhiêu theo từng thang bậc của các khoản thu hàng tháng. Cơ quan thuế căn cứ vào các khoản phải nộp có thể tính được những khoản tiền tích lũy mà cá nhân đó, doanh nghiệp đó hiện đang sở hữu. Dĩ nhiên, đó là những tài sản được pháp luật bảo vệ. Nhưng hàng loạt các đại gia phá sản rơi vào lao lý trong năm 2012 buộc dư luận phải quan tâm tới việc tài sản mà họ đang sở hữu từ đâu mà có, nói đúng hơn nguồn gốc tiền bạc của các đại gia vẫn là một câu chuyện bí ẩn, thiếu minh bạch. Cách đây vài năm, đã xảy ra chuyện ầm ĩ về một nhóm đầu tư quyết tâm thâu tóm DN sở hữu thương hiệu kem Tràng Tiền nổi tiếng mới được cổ phần hóa. Nhưng càng bất ngờ hơn khi người ta lật lại hồ sơ cổ phần hóa DN này thì thấy, Công ty CP Tràng Tiền, đơn vị đang được sử dụng xấp xỉ 4.000 m2 đất ở gần Bờ Hồ nhưng được định giá chỉ với 1,5 tỷ đồng. Tất nhiên, với số vốn định giá thấp như thế thì không khó để những ông chủ có tiền mua cổ phiếu DN với giá gấp vài chục lần để thâu tóm và làm chủ DN. Và mọi chuyện có thể đã rõ hơn, khi sau đó, đại gia thâu tóm mảnh đất này bày tỏ ý định xây khu khách sạn và biệt thự “siêu sang” trên mảnh đất của DN đang nắm giữ. Như vậy chỉ cần qua một hoạt động thâu tóm một doanh nghiệp Nhà nước qua cổ phần hóa nhóm nhà đầu tư này đã làm tăng tài sản của mình lên hàng trăm triệu USD. Có một thực tế, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước theo Nghị định 28/CP ngày 7-5-1996, giá trị của doanh nghiệp được giữ nguyên theo giá trị hiện có được thể hiện trên bảng tổng kết tài sản. Với tốc độ lạm phát trong hàng chục năm đều trên dưới 10%, những giá trị ấy thấp xa so với giá trị thực. Đó là chưa nói đến giá trị quyền sử dụng đất đai, lợi thế kinh doanh, giá trị thương hiệu… đều chưa được tính đến hoặc tính đến nhưng với giá rất rẻ. Chỉ quanh Hồ Gươm thôi cũng đã xảy ra nhiều trường hợp khác tận dụng cơ hội này một số người đầu tư để làm chủ hoặc ít ra cũng có quyền hưởng lợi từ khối tài sản lớn và nhanh chóng giàu có. Một cách giàu nhanh khác là BĐS. Với một dự án bất động sản được phê duyệt, dự án nhỏ thường với quy mô một vài héc ta, với dự án lớn có thể là hàng trăm héc ta. Các DN đầu tư một số vốn làm hạ tầng, nộp tiền chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo biểu giá quy định, thường là thấp hơn nhiều lần so với giá thị trường là có thể phân lô bán nền, thậm chí là bán nhà trên giấy để thu lãi. Các DN lấy tiền từ những khoản lãi thu được từ các nhà đầu tư thứ cấp nhỏ lẻ để đầu tư tiếp theo hoàn thiện các dự án đô thị. Với số tiền đầu tư không phải là quá lớn nhưng lợi dụng những cơn sốt, giá được đẩy lên cao ngất và chủ đầu tư tha hồ thu lợi. Từ số tiền đó, họ tiếp tục đầu tư và mua bán để tạo dựng cho mình một tài sản lớn, nhanh chóng bước vào hàng đại gia. Rồi khi thị trường chứng khoán nóng bỏng, chỉ cần ai đó có giấy phép hoạt động ở một trong số những lĩnh vực nhiều tiềm năng thì chưa cần biết đến hiệu quả, thậm chí cả DN đã đi vào hoạt động hay chưa đều có thể bán cổ phiếu phổ thông bằng cách phát hành không qua sàn giao dịch (OTC) với giá cao gấp nhiều lần mệnh giá. Còn nữa, đột nhiên ở một huyện heo hút nào đó bỗng ồn ào cả lên với sự xuất hiện một nhóm nhà đầu tư với một dự án trong tay có thể làm thay đổi diện mạo của địa phương. Thì ra theo hồ sơ khảo sát của thời nảo thời nào, vốn được giữ bí mật, trong địa bàn này có một mỏ khoáng chất lớn và theo thông tin chỉ họ có, họ đã lập dự án, đã được đồng ý về nguyên tắc của “cấp có thẩm quyền” khai thác mỏ này. Vậy là lại thêm một loạt các “đại gia” ra đời. Bởi ngay sau khi có giấy phép khai khoáng họ đã có thể bán ngay mỏ lấy hàng trăm hàng nghìn tỷ bằng vô số cách như bán cổ phần, phát hành cổ phiếu, mời gọi liên doanh… Đồng tiền sạch có “chứng minh thư” đàng hoàng, nên ai cũng biết nó đi đâu về đâu. Người ta có thể biết chính xác một doanh nhân ở Mỹ hay Pháp hôm qua có bao nhiêu tiền, hôm nay có bao nhiêu, tăng lên hay giảm đi là do đâu. Còn với các đại gia xứ ta thì chịu, tiền của họ khi thực khi ảo, thoắt ẩn thoắt hiện, chẳng biết đâu mà lường. Ở ta, từ đất ở đến rừng núi, sông biển, hay khoáng sản, tất thảy đều là của chung toàn dân, vấn đề là ai được quyền sử dụng các tài nguyên này và sử dụng như thế nào. Chỉ cần trúng một “dự án” đất là không phải một, mà cả một nhóm người (lợi ích) có thể bỗng chốc từ tay không biến thành đại gia. Đó là nguồn gốc để khoảng hai thập niên nay, đại gia mọc ra như nấm sau mưa, hầu hết các đại gia này không phải có vốn từ cha ông hoặc từ nguồn thừa kế nào đó, họ đều từ tay trắng vật “gột” nên cơ nghiệp từ “bột” cơ chế, từ tài nguyên đất nước.
“Đại gia” hay “sâu mọt” đục ruỗng nền kinh tế? ảnh 2
Cũng có những tài sản từ mồ hôi nước mắt
Nói như vậy không phải không có những đại gia có tầm nhìn xa đã chọn cho mình nhiều con đường làm giàu khác nhau. Không thể chê trách trong thời điểm nhá nhem chuyển đổi, ai đó đã nhanh tay chớp lấy cơ hội, kiếm cho mình một chút vốn giắt lưng theo kiểu “tích lũy nguyên thủy”. Nhưng rồi, họ nhận ra, minh bạch như một xu hướng tất yếu của thời toàn cầu hóa.  Bằng vốn liếng, trí thông minh và kinh nghiệm, họ lựa chọn cho mình những ngành nghề nhiều tiềm năng, hợp với chuyên môn để cung cấp cho xã hội những sản phẩm hàng hoá, dịch vụ có sức cạnh tranh, chiếm lĩnh thị trường trong nước rồi từng bước vươn ra nước ngoài. Khi sản phẩm được thừa nhận, họ có thu nhập, có lợi nhuận, có tích lũy để trở thành thiếu gia rồi đại gia. Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á. Nhật báo hàng đầu này của Mỹ đánh giá ông Đức là nhân vật có đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế, đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam. Ông Đức là người đi đầu trong việc đầu tư vào các dự án phát triển nông lâm nghiệp không chỉ ở Tây Nguyên mà còn phát triển sang Lào, tạo ra một nền tảng vững chắc cho doanh nghiệp. Dù không lọt top doanh nhân hàng đầu như ông Đoàn Nguyên Đức nhưng ông Vũ Ngọc Bảo, Tổng Thư ký Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam cũng được xếp ở vị trí thứ 45 trong tổng số danh sách 50 người có ảnh hưởng lớn nhất đến ngành công nghiệp giấy thế giới năm 2010. Danh sách này do RISI, trang thông tin uy tín hàng đầu của ngành giấy thế giới bình chọn và công bố vào ngày 28-6 vừa qua tại Brussel, Bỉ. Trong khi đó, tạp chí danh tiếng Forbes số ra tháng 8-2010 xuất bản tại khu vực châu Á dành hẳn một trang giới thiệu về doanh nhân Nguyễn Quốc Khánh, người sáng lập và là Chủ tịch Tập đoàn AA, công ty hàng đầu về trang trí nội thất và sản xuất các mặt hàng đồ gỗ tại Việt Nam. Forbes đánh giá, không có nhiều công ty Việt Nam có thể cạnh tranh ở nước ngoài nhưng doanh nhân Nguyễn Quốc Khánh là một ngoại lệ. Tuy nhiên số lượng những đại gia thật sự này để có thể tạo ra cơ nghiệp cũng rất vất vả thậm chí nhiều khi còn rơi vào những tình thế nguy hiểm. Những thủ đoạn phi pháp

“Đại gia” hay “sâu mọt” đục ruỗng nền kinh tế? ảnh 3
Ngày 20 - 8, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với ông Nguyễn Đức Kiên, về tội kinh doanh trái phép theo điều 159 Bộ luật Hình sự, theo quyết định khởi tố vụ án hình sự số 08/C46 (P10). Và sau đó là quyết định bổ sung khởi tố ông Kiên thêm tội lừa đảo. Thông tin ông Kiên bị bắt giữ đã làm chấn động dư luận vì ông Kiên nổi tiếng trong hoạt động kinh tế. Không giống với các ông bầu khác, bầu Kiên được biết đến là một người đa tài, có khả năng thao lược tốt. Chính vì lẽ đó mà ông có thể xoay xở, đứng vững được trên nhiều cương vị lãnh đạo đối ngược nhau, từ Chủ tịch ngân hàng, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường, du lịch, đầu tư... cho tới một ông bầu bóng đá. Tuy nhiên sau khi ông Kiên bị bắt, dư luận mỡi vỡ ra là ông Kiên chủ yếu làm giàu bằng các hình thức làm ăn phi pháp. Ông mở công ty ma, bán cổ phần ma, thậm chí bán cho nhiều người một món cổ phần, góp vốn ảo, thao túng ngân hàng… Và cũng từ vụ bắt ông Kiên, đã cho thấy đằng sau đó là những thương vụ làm ăn sai trái. Mới đây nhất ngày, 27-9, cơ quan CSĐT Bộ Công an đã công bố việc khởi tố 4 bị can, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng ACB với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165 BLHS). Các bị can gồm Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang (đều nguyên là Phó Chủ tịch HĐQT ngân hàng ACB).  Trước đó, ngày 20-8, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) về tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” (điều 165 BLHS).  Từ một đại gia có tiếng trên thị  trường sắt thép, cả hai cha con ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn đều bị khởi tố, bắt giam. Cụ thể, vào ngày 8-8, Cơ quan cảnh sát điều tra - Bộ Công an bắt giam ông Phạm Văn Thụ, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn về hành vi “lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” liên quan đến các khoản vay ngân hàng. Ông Phạm Hải Thanh, nguyên Tổng Giám đốc Công ty Thép Thái Sơn, là con trai ông Thụ và ông Dương Hoàng Sơn, nguyên Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Sắt thép Thanh Sơn cũng bị khởi tố cùng tội danh. Năm 2011, Công ty Thái Sơn lọt vào Top 500 doanh nghiệp tư nhân lớn nhất Việt Nam và là doanh nghiệp xuất nhập khẩu sắt thép lớn nhất Hải Phòng. Đến đầu năm 2012, tổng số nợ của hai doanh nghiệp của bố con ông Thụ là trên 1.300 tỷ đồng. Để có thể xoay xở, hai bố con ông Thụ lập hồ sơ trái phép vay ngân hàng và… rơi vào lao lý. Chung cảnh ngộ với “đại gia” trên, ngày 2-8, cơ quan công an khởi tố và bắt giam ông Phan Huy Chí - Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán SME - về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Vẫn còn những con thiêu thân 
Các vụ án trên cho thấy với tình hình khó khăn hiện tại, nhiều “đại gia” rởm sẽ tiếp tục bị đưa ra vành móng ngựa giải trình nguồn gốc tài sản của mình. Tuy nhiên những khó khăn của nền kinh tế không ngăn được lòng tham của nhiều kẻ sẵn sàng phạm tội để làm giàu cho mình, bất kể có gây thiệt hại cho nền kinh tế ra sao.  Tại thời điểm này hàng loạt các âm mưu thâu tóm doanh nghiệp đang được tiến hành. Các con cá ốm, các con cá sắp chết đang được các con cá mập âm mưu ăn thịt một cách không lành mạnh. Những doanh nghiệp có nhiều tài sản là bất động sản trong khi giá trị thị trường thấp hơn giá trị thực là đối tượng được nhắm đến đầu tiên. Nhiều doanh nghiệp nằm trong diện này đã bị thâu tóm trong thời gian qua. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, tiền mặt khan hiếm, dễ thấy các công ty có nguồn tài chính dồi dào sẽ là “thợ săn”.  Gần đây còn xuất hiện một xu hướng mới là các nhóm dự án chuyên đi săn doanh nghiệp có nhiều tài sản cho các tập đoàn tư nhân. Họ thường là những người rành về tài chính tập hợp lại để đi săn hộ cho nhà đầu tư lớn. Ngân hàng trực thuộc các tập đoàn tư nhân cũng là một dạng săn hộ để giúp tập đoàn mẹ thâu tóm doanh nghiệp. Việc thâu tóm này có lợi thế là từ danh sách khách hàng vay vốn và các hồ sơ thẩm định doanh nghiệp có sẵn trong tủ ngân hàng trực thuộc, tập đoàn mẹ sẽ biết làm gì với những doanh nghiệp nằm trong tầm ngắm. Quỹ đầu tư cũng là một dạng thợ săn đáng chú ý. Nhưng họ có đặc điểm là không mua để kiểm soát doanh nghiệp mà chủ yếu để đầu tư tài chính. Để săn được doanh nghiệp, họ sẵn sàng dùng các thủ đoạn phi pháp như tập hợp các nhóm lợi ích đánh hội đồng, cạnh tranh trái phép để gây khó khăn cho các doanh nghiệp, đẩy doanh nghiệp đến bờ vực thẳm, buộc phải bán hoặc chịu thâu tóm. Một trong những thủ đoạn xưa như trái đất là siết chặt tín dụng đối với các doanh nghiệp khó khăn non yếu, khi các doanh nghiệp này lâm vào cảnh nợ nần sẽ tiến hành thâu tóm bằng cách gom cổ phiếu với giá rẻ như bèo rồi chiếm đoạt công ty. Bằng cách này, không ít doanh nghiệp vẫn mang tên cũ nhưng đã thay tên đổi chủ.  Một thủ đoạn khác, cao hơn một chút là nhân lúc khó khăn nợ nần sẽ “đổ thêm dầu vào lửa” bằng cách tung tin thất thiệt gây tâm lý hỗn loạn cho khách hàng. Với một số ngành kinh doanh nhạy cảm như ngân hàng thì thủ đoạn này tỏ ra vô cùng hữu hiệu.  Chúng ta khích lệ những cá nhân làm giàu bằng tài năng, trí tuệ của chính mình và làm đầy đủ nghĩa vụ với Nhà nước, với cộng đồng để phần sáng lấn át khoảng tối. Để công chúng không còn phải bất ngờ, thị trường không còn phải “sốc” khi một ngày có những đại gia phá sản hay ra tòa vì những mờ ám trong khoảng tối làm ăn của mình. Nếu trong một nền kinh tế được vận hành với đầy đủ các khung pháp lý, có một cơ chế minh bạch thì những thương vụ, những kiểu làm ăn như trên sẽ được hạn chế tối đa. Sẽ không có nhiều kẽ hở để đại gia “lách luật” chớp “cơ hội vàng” mà những kiểu làm ăn đó sẽ bị điều chỉnh ngay bằng luật pháp và phải nộp thuế cho Nhà nước. Tuy nhiên, với một nền kinh tế đang chuyển đổi, các quy định chưa hoàn thiện và còn nhiều kẽ hở, sự kém minh bạch… đang là mảnh đất sống, môi trường lý tưởng cho những kiểu làm ăn chụp giật… giàu nhanh, giàu xổi của nhiều người.  Nhưng rồi, khi nền kinh tế hội nhập sâu vào thế giới, theo đó là ánh sáng luật pháp từng bước soi rọi vào mọi ngõ ngách của đời sống, các đại gia giấu mình sẽ bị đưa ra ánh sáng. Đặc biệt, khi kinh tế có biến động, không ít đại gia đã rơi vào vỡ nợ, vướng vào lao lý… Lúc đó, vàng thau sẽ lộ rõ.