Chuyện về một mối tình câm

ANTĐ - Trời Hà Nội chuyển tối. Ánh đèn đường ở góc ngã 3 hai con phố Tôn Đức Thắng - Đoàn Thị Điểm đã bật sáng. Tại đây có một quán trà đá nhỏ, nơi mưu sinh của một đôi vợ chồng khuyết tật. Chuyện tình của họ là một chuỗi những ngày buồn tủi đằng đẵng nhưng đẹp vô cùng khi cả hai đã cùng vượt qua những mặc cảm, thiếu hụt của phận người, đợi chờ đến ngày hạnh phúc được sống bên nhau. Và cũng tại góc phố này, gần chục năm qua, hai vợ chồng họ cũng đã xe duyên, chắp mối cho rất nhiều những mối tình câm cùng cảnh ngộ…

Hai con người 

Chúng tôi ghé vào quán trà đá của vợ chồng anh chị Nguyễn Văn Hải - Nguyễn Thị Lan như bao vị khách thân sơ đến đây. Nguyễn Thị Lan sinh năm 1970, chị là cô con gái duy nhất trong một gia đình có bố là quân nhân, mẹ là nông dân, gia đình chị ở Hà Nội. Lúc mới sinh bố Lan vẫn đang ở chiến trường Nam Bộ. Ngày biết cô con gái nhỏ bị câm điếc bẩm sinh người mẹ đã khóc hết nước mắt vì thương con.

Năm 1975, sau khi được tập kết ra Bắc một thời gian thì bố Lan qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác. Cũng từ đây, cuộc đời hai mẹ con Lan bắt đầu “trôi dạt” mưu sinh, sống nương tựa vào nhau “lết” qua từng ngày. Để tồn tại được với bữa đói bữa nhịn, hai mẹ con đã phải nhận đưa đậu phụ và rau cho những nhà hàng. Khi tròn 10 tuổi, mẹ Lan nghe nói bệnh của con gái mình có thể chữa khỏi được, vậy là tài sản quý giá nhất là căn nhà đã được bán đi để lấy tiền chữa trị cho con. Tiền cứ ngày một khăn gói ra đi; từ đó hai mẹ con dắt nhau đi thuê nhà và bán rau kiếm tiền mưu sinh. Ký ức tuổi thơ Lan là một chuỗi những tháng ngày khó khăn và nước mắt; thương con mẹ đã cho Lan đến Trường câm điếc Xã Đàn để Lan được hòa đồng với những người bạn cùng cảnh. Từ đó Lan thấy cuộc đời mình ý nghĩa và bớt mặc cảm hơn…

Số phận chàng trai Nguyễn Văn Hải cũng cùng chung một nỗi đau tật nguyền như vậy. Anh Hải sinh năm 1979, là con trai út trong một gia đình nghèo có 2 anh em ở đường Nguyễn An Ninh, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Gia đình anh cũng cố gắng chạy vạy, chữa trị ngay từ lúc phát hiện ra nhưng đã là bẩm sinh thì không thể chữa khỏi được.

Nguyễn Văn Hải - Nguyễn Thị Lan, hai con người với hai cảnh đời khác nhau nhưng cũng chính số phận đã đưa họ đến với nhau. Năm 1995, Hải không chịu được cảnh sống tù túng ở nhà với bốn bức tường nên anh đã lên ngã ba con phố Đoàn Thị Điểm - Tôn Đức Thắng để kiếm tiền bằng cách bơm xe. Cuộc đời run rủi cho họ gặp nhau ở ngã ba định mệnh ấy khi chiều nào Lan cũng gánh rau ra đó bán, cứ mỗi khi đông khách Hải lại giúp Lan lấy túi ni-lon đựng đồ cho khách. Vào một ngày trong năm 1996, không thấy Lan ra bán rau như mọi ngày, không hiểu sao Hải lại có tâm trạng lo lắng lạ thường. Khi tìm hiểu ra mới biết Lan đang chăm sóc cho mẹ ốm nằm ở viện, thấy Hải đến thăm rồi dúi vào tay mình với một số tiền nhỏ, Lan xúc động nhiều lắm. Cũng từ hôm đó Hải và Lan thân nhau hơn, biết Hải yêu mình nhưng Lan cũng không dám nói vì Lan muốn Hải là người chủ động trong chuyện tình cảm.

Hai người yêu nhau nhưng chẳng dám nói một lời, đến một ngày mẹ Hải biết chuyện, bà đã phản đối quyết liệt vì không thể chấp nhận một cô con dâu nhiều hơn con mình gần chục tuổi, gia cảnh lại không bằng những cô gái để ý đến con trai mình. Một mặt Hải không muốn làm mẹ đau lòng, một mặt không muốn mất Lan nên hai người quyết định âm thầm yêu nhau. Quãng thời gian 8 năm yêu nhau với biết bao nhiêu giận hờn, thương nhớ và chuyện tình cảm của hai người cũng không thể giấu người thân mãi được; Hải quyết định đưa Lan về ra mắt mẹ và anh trai, mẹ Hải không ngờ được hai đứa lại yêu nhau dài lâu đến vậy! Năm 2004, đám cưới được tổ chức, ngày vui của hai người không có loa đài, bàn ghế, không ăn uống đình đám, chỉ có vài người thân trong gia đình cùng những người bạn đồng cảnh ngộ. Cả Hải và Lan đều quyết định như vậy là để tiết kiệm tiền cho những năm tháng sau này hai vợ chồng sống với nhau. Hiện tại, hai vợ chồng Hải - Lan sống cùng với mẹ và vợ chồng anh trai trong một căn nhà nhỏ bé ở ngõ Nguyễn An Ninh.

Chắp cánh cho nhiều số phận

Sau ngày cưới, chị Lan quyết định ra bán trà đá, còn anh Hải chắt chiu mua được chiếc xe máy hành nghề xe ôm ở ngã 3 Đoàn Thị Điểm - Tôn Đức Thắng. Thời gian đầu quán mở không có khách vì khách đến đây uống nước hỏi mấy lần để xe ở đâu mà chị không nghe thấy. Biết chị vừa câm vừa điếc nhưng không biết ra hiệu kiểu gì nên họ đành thở dài đi quán khác. Một lần, có 3 người đàn ông câm đến quán chị, họ ra hiệu cho chị muốn gọi trà đá. Gặp người cùng cảnh ngộ, chị đã nói chuyện với họ qua ngôn ngữ cử chỉ của đôi bàn tay. Từ đó, tối nào họ cũng ra quán uống trà để nói chuyện với chị. Cứ người này giới thiệu với người kia, nên quán trà nhỏ của chị thành điểm đến của những người câm, điếc. Những người bạn học cùng Trường câm điếc Xã Đàn nghe tin hai vợ chồng bán trà đá cũng tìm đến tận nơi để hàn huyên tâm sự. Và như một cơ duyên định mệnh, tại quán trà đá đó hai vợ chồng Hải - Lan đã mai mối cho rất nhiều người cùng cảnh ngộ đến bên nhau. “Đã có rất nhiều người câm, điếc tìm đến quán của vợ chồng Hải - Lan, chẳng hiểu sao chúng cứ ra đó để giãi bày, tâm sự. Cũng tại cái quán trà đá ấy mà biết bao nhiêu đôi đã thành vợ thành chồng rồi đấy”, bà Nguyễn Thị Dậu - mẹ chị Lan chia sẻ.   

Trò chuyện với vợ chồng anh Hải, chị Lan bằng cách viết vào tờ giấy với nội dung: “Anh chị đã se duyên cho gần chục cặp vợ chồng câm điếc phải không vậy?”; cũng lúc đó có một đôi vợ chồng trung tuổi cùng cô gái nhỏ tìm đến quán. Sau tiếng cười hồ hởi như lâu ngày không gặp, chị Lan bưng cốc trà đá đến rồi vỗ vai thăm hỏi bằng những cử chỉ của đôi bàn tay, tiếng ú ớ trong miệng và những ánh mắt tràn đầy sự sẻ chia. Lúc về chỗ ngồi, chị Lan mới viết vào giấy trả lời chúng tôi rằng: “Cặp vợ chồng này cũng được vợ chồng Lan mai mối đấy! Anh ấy tên Nam nhà ở gần Bệnh viện Bạch Mai, còn vợ tên Nga, quê Hòa Bình. 4 năm trước họ vô tình gặp nhau ở quán trà này, khi ấy chị Nga xuống Hà Nội để bán hàng rong, sau khi gặp anh Nam chị Nga mặc cảm ghê lắm. Nhưng khi nghe Lan giải thích, những người cùng cảnh đến với nhau sẽ hiểu nhau nhiều hơn chị Nga mới hết mặc cảm. Sau đó 2 người lấy nhau, giờ thì con gái của họ đã được 3 tuổi rồi, cháu tên là Lan Anh, rất xinh xắn và hoàn toàn khỏe mạnh. Ngày nào anh chị ấy cũng đến quán chơi, cứ khoảng 10h tối mới chịu ra về…”.

Chị Lan viết thêm cho chúng tôi biết: 2 năm trước, quán trà nhỏ của chị cũng đã mai mối, tác thành cho một đôi uyên ương cùng cảnh ngộ. Lúc đó anh Phong quê Thái Bình và chị Trang quê Hưng Yên cũng thường xuyên tìm đến quán để tâm sự, chỉ sau mấy tháng hai người đã quyết định tổ chức đám cưới. Ngày cưới, hai vợ chồng anh chị cũng về tận Hưng Yên để mừng hạnh phúc trăm năm cho họ. Hiện tại đôi vợ chồng Phong - Trang đang làm nông nghiệp, đã có 2 đứa con và đang sống rất hạnh phúc. Thỉnh thoảng có công chuyện lên Hà Nội họ không bao giờ quên tạt qua quán trà đá của chị.

Ngày nào cũng vậy, quán trà của vợ chồng Hải - Lan bắt đầu mở từ 2h chiều đến 11h đêm. Những người câm, điếc nào đến đây anh Hải, chị Lan cũng đều nhớ tên, tuổi và quê quán của họ. Những vị khách bình thường thấy họ nói chuyện bằng cách chỉ trỏ thì cho đó là một điều lạ lẫm, chỉ có họ mới hiểu rằng tạo hóa đã cướp đi khả năng nghe và nói của họ là một nỗi đau đớn tột cùng, chỉ có những người cùng cảnh mới bù đắp được cho họ tình cảm, tình người. Lúc quán trà đông khách, anh Hải lại giúp vợ đun nước, pha trà; nhiều người đi trên đường ngạc nhiên vì họ nhìn thấy ở một nơi có rất đông người nhưng lại bặt tiếng nói đầy ắp tiếng cười, mọi người giao tiếp với nhau bằng những tiếng ú ớ và những cử chỉ của đôi bàn tay xòe ra, nắm vào cùng những ánh nhìn đầy yêu thương. Gần chục năm qua, quán trà của vợ chồng anh Hải, chị Lan được coi là chốn dừng chân cho những người bị câm điếc, họ đến đây trò chuyện, tìm sự đồng cảm, sẻ chia để lấy lại niềm tin vào cuộc sống!

Gần 11h đêm, ngã 3 hai con phố này đã vắng người qua lại, anh Hải chị Lan lại lặng lẽ chuẩn bị thu dọn dần những vật dụng để ra về. Những vị khách cùng cảnh ngộ xúm nhau lại, mỗi người một tay cho đến khi xong xuôi mọi việc, tất cả chào nhau cùng ra về. Với họ, cuộc đời tuy thiếu hụt nhưng giá trị cuộc sống được góp nhặt từ những điều giản dị như thế.