Chuyện chưa biết về tảng đá hình người lớn lên từng ngày

ANTĐ - Bí ẩn tảng đá lớn hàng tấn lớn lên theo thời gian, nằm trong am thờ u tịch. Hàng ngày "cụ Đám" hương đăng và thay xiêm y cho “bà”.

 Trong am thờ

Nghe người bạn giật giọng rủ đi xem tảng đá lớn lên từng ngày, tôi thấy thật kỳ lạ. Hỏi lại thì được quả quyết rằng, nó lớn nhanh đến nỗi mà người dân phải xây lại căn phòng thờ đến mấy lần rồi!?

Cụ Đám (tên thật là Toàn) giới thiệu về tảng đá trong am thờ

"Trước kia "Bà" lớn lên nhưng không ngừng, sau khi người ta làm lễ tế cầu xin, "bà" đã giữ nguyên, không phát triển nữa. Ngày xưa bé cơ, không thì ai mà rước "bà" vào trong am thờ như tbây giờ được”- chị Nguyễn Thị Bình, người xóm Chùa, xã Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội quả quyết. Chúng tôi bước vào phòng trưng bày hiện vật thành Cổ Loa, vừa hỏi về tảng đá lớn, anh Hưng nhân viên làm nhiệm vụ tại đây liền chỉ sang am thờ phía trong cây đa cổ thụ.

Am thờ u tịch nằm dưới gốc đa cổ thụ. “Bà” ngự phía trong. Mùi hương tỏa khắp một gian rộng sân Ngự triều di quy, nơi quan văn quan võ thuở xưa làm việc. Chúng tôi đang nhìn ngó xem có ai đó để xin phép được nhìn thấy “bà” thì bỗng sau cánh cửa có bóng người thấp thoáng khoác bộ áo lụa vàng óng ánh, râu dài tóc ngắn điểm bạc
“Cậu cần gì”- ông cụ bước ra, giọng nghiêm nghị. "Dạ xin phép cụ, chúng con được nghe về tảng đá đang thờ trong am lớn lên từng ngày, vậy cụ có thể cho phép con được chiêm bái?". “Không được, không được. "Bà" đang ngồi trong đó, cửa đã cài then chốt chặt, tôi chỉ có nhiệm vụ hương đăng, dọn dẹp nơi thờ phụng hàng ngày, tôi không được phép cho ai vào cả. Đó là phòng thiêng…”- ông cụ khua tay.

Am thờ “bà” có 3 gian, gian cuối là phòng “bà” ngự. Có cửa khóa, chấn song con tiện bằng gỗ ken đủ để nhìn thấy thấp thoáng hình người to lớn khoác xiêm y màu đỏ ngồi trong tư thế uy nghiêm, tỳ tay lên hai đầu gối. Trên đầu treo mũ công chúa lơ lửng, có đính ngọc trai buông xuống nhưng không thấy đầu đâu. Trước mặt nơi “bà” là một pho tượng nữ vương công chúa với tư thế tương tự uy nghiêm trên ban thờ, với cây hương đang tỏa khói mờ ảo trong ánh sáng yếu của am u tịch.

“Đó là nơi hương đăng và tượng của Công chúa Mỵ Châu”- ông cụ đưa ánh mắt sáng quắc lên ban thờ giới thiệu.

Tượng đá khoác xiêm y trong am thờ

“Tôi là "cụ Đám" trông giữ hương đăng ở am của bà. Nhà tôi ở xóm Mít, xã Cổ Loa. Tôi làm được tám tháng nên biết vừa phải, có gì nói thế, trong phạm trù công việc hàng ngày của tôi”- ông cụ bộc bạch.

Cụ cho phép chúng tôi được bước sát vào chấn song cửa phòng để thành kính nhìn “bà” một cách kỹ càng và rõ hơn. “Bà” khoác xiêm y màu đỏ, thêu rồng chầu ở thân áo, và tay áo là đôi phượng lượn trong áng mây. Trên cổ bà đeo chuỗi hạt ngọc trai lấp lánh với 2 vòng so le ngắn dài. Ánh sáng trong am mờ mờ, ảo ảo song cũng đủ nhìn rõ hình một pho tượng tựa người to lớn đang ngồi tựa ngai buông xiêm y phủ kín đầu gối…

Người dân tin sủng “bà” đã gửi may mắn, xin bà phù hộ cho chuyện riêng của mình bằng những tờ tiền mới để dưới chân bà. “Đó là những đôi nam thanh nữ tú yêu nhau đến cầu cho mối tình thủy chung son sắt như lòng chung thủy của “bà””- cụ Đám nói.

Những bộ xiêm y khổng lồ có một không hai

“Bà” có 10 bộ xiêm y lộng lẫy bằng lụa giá trị để thay vào mỗi dịp tắm sạch hằng năm. Đúng là đồ của bậc cao quý vua chúa mới thêu thùa phung rồng bay lượn đẹp đến thế. Cụ Đám nhẹ nhàng mở khóa tủ kính, cẩn thận đưa chiếc áo cho chúng tôi chiêm ngưỡng. Thật là đồ của bậc công chúa danh giá! Mỗi chiếc áo của “bà” đều mang một uy quyền của người con gái xinh đẹp dòng dõi cao sang. Đặc biệt, mỗi chiếc xiêm y của “bà” đều có kích cỡ lạ thường. “Áo của "bà" mỗi chiếc là 50 thước vải may lớp kép. Mỗi lần giặt cho "bà", tôi luôn trải chiếu rộng trước sân Ngự triều di quy để đón nắng…”- cụ Đám cho hay.

Công việc của một "cụ Đám" là vinh dự cao quý. Bởi không chỉ hương đăng cho “bà” mà còn có nhiệm vụ tắm rửa vào mỗi lần thay xiêm y. “Một năm 4 lần thay áo cho "bà". Mỗi lần như thế tôi phải đun nước sôi để nguội, giã gừng pha rượu lẫn nước dậy mùi thơm tự nhiên để tắm. Từ xưa nay, việc này vẫn thường xuyên và chỉ "cụ Đám" mới được phép làm” - ông cụkhẳng định.

Bộ xiêm y mà tượng đá khoác có cỡ 50 thước vải

Cụ Đám cho biết, xưa thì “bà” không có khoác xiêm như như nay, chỉ là khối đá được đặt trong am thờ. Khối đá có mầu xám, ánh kim lấp lánh. Cách đây vài năm, những người dân khắp nơi cung kính dâng lên "bà" những bộ xiêm y trang trọng được thêu dệt bằng lụa tơ tằm. Việc thành kính của những tấm lòng dâng lên, song cũng phải được phép của Ban quản lý di tích thành Cổ Loa, rồi lễ bái trang trọng đúng nghi thức, nghi lễ mà cha ông để lại.

Cụ Đám lưu giữ bộ xiêm y trong tủ kính cẩn thận để thay cho "bà" khi đến dịp

Giờ những bộ xiêm y được lưu cất cẩn thận trong tủ, cụ Đám là người cầm giữ chìa khóa. Việc làm này được thực hiện nghiêm theo quy định, không ai được tự ý mang xiêm y của “bà” ra khỏi am thờ. Điều quan trọng hơn, việc hương đăng, quét dọn nơi am thờ của "bà" phải là cụ Đám. Chính vì vậy dân làng bầu cụ Đám theo tiêu chí riêng rất chặt chẽ, phải là gia đình có song toàn, nếp tẻ gia đình văn hóa. Người được bầu làm "cụ Đám" chỉ giữ "nhiệm kỳ" 1 năm rồi đến lượt người khác. Mà chỉ người ở 11 thôn trong xã mới có vinh dự này mà thôi…

Đón đọc bài 2: Sự thật về tảng đá khoác xiêm y hơn hai nghìn năm