Chuyện "Thủy nữ sông Đà" cai nghiện cho "Võ Tòng đả gấu"

ANTĐ -Anh ấy thì phát cây, em tranh thủ nhặt củi. Gánh củi ra tận phố Lau Nghĩa bán được vài nghìn thì phải mua vài bi về cho anh ấy. Thấy kéo dài mãi thế không ổn, ông em bảo: "Con không được mua thuốc phiện cho nó nữa. Nó không chịu cai thì cứ để nó chết luôn trong núi.

Tính đốt ngón tay, số nghiện ma túy lứa đầu ở Hòa Bình giờ chẳng còn mấy người. Cũng đúng thôi, sức mấy mà đeo đẳng ma túy trên 30 năm nếu không dũng cảm tử bỏ nó. Trong số ít ỏi người chiến thắng tử thần ấy có Lương Minh Giang, nghiện ma túy 14 năm rồi đoạn tuyệt ma túy đến nay là 18 năm nhờ tình yêu của người vợ tảo tần.

"Võ Tòng đả gấu" gặp "thủy nữ sông Đà"

Đầu những năm 80 của thế kỷ trước, công trình thủy điện Sông Đà ở vào giai đoạn cao điểm cho hàng loạt hạng mục thi công, cả một khu vực rộng lớn náo nhiệt không khí "Sông Đà", rời quân ngũ, Giang đầu quân ngay vào "thủy đoàn" giong gỗ bè từ thượng nguồn sông Đà về cung cấp cho Công trình thủy điện.

Tháng 7/1981, trong một lần đang cốn bè tại khu vực bến Hà, xã Đồng Chum, huyện Đà Bắc, nghe người dân hô hoán khi một con gấu đang bơi qua sông từ đất Sơn La sang, Lương Minh Giang như một con cá kình lao ngay xuống dòng chảy. Với suy nghĩ, gấu là con vật tuy khỏe nhưng chắc gì đã biết nhịn hơi, mặt khác, ở dưới nước dù trọng lượng có nặng cũng thành nhẹ..., Giang tiếp cận con gấu, gần đến nơi, anh lặn xuống túm chân gấu kéo xuống. Một cuộc vật lộn như đùa diễn ra.

Không ngờ gấu lặn dưới nước cũng không đến nỗi tồi. Nhưng rõ ràng, dưới nước, không chỉ cậy sức mạnh mà còn cần ở trí thông minh. Thế là vừa kéo chân gấu, Giang vừa ngoi lên để lấy hơi rồi lại lặn xuống kéo tiếp... Không đầy 20 phút sau, con gấu quá mệt lại bị sặc nước thì cũng là lúc cả người lẫn gấu áp bờ. Lúc này mọi người mới ùa xuống cùng Giang trói con gấu ngót một tạ đưa lên bờ. Dân bản kéo ra bờ sông xem con gấu bị bắt sống mỗi lúc một đông. Từ đấy, cái tên Lương Minh Giang được không ít người đổi là "Võ Tòng đả gấu".

Phạm Thị Huệ sinh 1958, là con gái vùng Trung Hà, ngược xuôi sông nước từ lúc còn trong bụng mẹ, vào tuổi đôi mươi, Huệ trở thành một dân chài thứ thiệt. Chỉ có điều, Huệ không thiên về kiếm cá mà chủ yếu buôn bán trên sông. Dọc Trung Hà, Hòa Bình lên Khủa, Tà Bú, Tà Khoa... Huệ không lạ bến sông nào. Cái tên Giang bè với bao điều tốt, xấu lẫn lộn Huệ đã nghe, thậm chí đã thấy từ hơn một năm nay, giờ mục sở thị Giang bè tay không bắt gấu làm cô không khỏi ngỡ ngàng, cảm mến. Lần nào gặp Giang đang con nứa hay xuôi bè, Huệ cũng ghé thuyền hỏi xem đoàn của Giang có nhu cầu hàng hóa gì để chị cung cấp. Rồi chuyện mua bán, trao đổi hàng hóa qua nhanh để nhường chỗ cho những lời tình, câu tứ như nước sông Đà mùa đỏ lựng phù sa tuôn chảy. Tình yêu giữa Huệ và Giang nảy nở trên sông nước và đưa họ đi đến hôn nhân. Thuyền, bè gắn kết, việc làm ăn của đôi vợ chồng trẻ tấn tới.

Nhu cầu gỗ của Công trình Thủy điện rất lớn. Những chiến dịch khai thác lớn ở Hòa Bình, Sơn La, Thanh Hóa cũng không đáp ứng đủ. Gỗ các loại từ Nghệ An, kể cả của một số tỉnh phía Nam cũng phải tăng cường ra mặc dù giá đội lên gấp 4 lần giá gỗ tại Hòa Bình. Chính sự chênh lệch giá ấy làm cho những người buôn bè như Giang thu lời lớn. Tiền đựng trong bao tải. Tiền lẻ không đếm mà có khi để quên hàng tháng trời...

Cảnh sông nước, lại sẵn tiền, Giang đã bập vào thuốc phiện. Thời ấy, đến bè nhau chơi là mời nằm xuống hút thuốc phiện chứ không mời uống nước. Từ vài bi đến hàng trăm bi một ngày. Lãi nào cho kịp, bè nào cho đủ. Và cùng với thuốc phiện, cơ man nào là thói hư, tật xấu kéo đến. Giang kể: "Chậm tí nữa thì đứa con gái 6 tuổi của tôi cũng bị nghiện. Vì cùng ở thuyền nên nó đã bị nghiện khói thuốc. Đêm về, tôi chưa đỏ đèn hút thuốc phiện thì nó cứ loanh quanh chưa thể đi ngủ. Nó còn quá bé để biết thế là sắp nghiện ma túy, nhưng tôi thì bắt đầu hoảng hốt".

Biết đứa con trai từng là niềm hy vọng của gia đình mắc nghiện, ông Lương Bá Giá - bố đẻ của Giang - buồn lắm. Sau nhiều đêm trằn trọc, ông Giá họp gia đình và quyết định Giang phải gác thuyền lên bờ cai nghiện.

Vợ chồng "Võ Tòng" trong khe núi Tháu

Năm 1990, Nhà nước có chủ trương các phường của thị xã Hòa Bình tham gia nhận đất trồng rừng phòng hộ tại vùng núi thuộc xóm Tháu, xã Hòa Bình. Ông Giá liền nhận đất và cắm Giang vào đó. Lúc này, Giang nghiện thuốc phiện đã gần 10 năm. Đứa con gái đầu 6 tuổi, con trai thứ hai lại vừa ra đời. Ông Giá tuyên bố: Giang cứ ở trong núi và quyết tâm cai nghiện, ông bà sẽ nuôi các cháu đến hết 18 tuổi.

Lương Minh Giang

Sông Đà mới ngăn, nước ngập trên một diện lớn, muông thú tìm đường lên cao, trong đó cơ man nào là rắn rết. Rắn vào bắt gà, rắn vào cắn chó... Trước khi vào rừng phải cầm sào vụt mạnh một hồi vào cây cối, lau sậy để đuổi rắn rết. Một lều tranh, một xoong nhôm, một chiếc màn cùng với vài con dao, Giang bắt đầu phát rừng mà lúc đó gọi là phát lòng hồ. Lúc đầu trồng ngô, đậu, sau đó trồng cây... nhưng thuốc phiện thì chưa bỏ được.

Chị Huệ kể: "Anh ấy thì phát cây, em tranh thủ nhặt củi. Gánh củi ra tận phố Lau Nghĩa bán được vài nghìn thì phải mua vài bi về cho anh ấy. Thấy kéo dài mãi thế không ổn, ông em bảo: "Con không được mua thuốc phiện cho nó nữa. Nó không chịu cai thì cứ để nó chết luôn trong núi"". Ba mươi Tết năm 1994, nghe lời bố chồng, Huệ không mua thuốc phiện cho Giang nữa. Chiều muộn, Huệ từ thị xã vào núi Tháu, Giang chạy ào ra hỏi thuốc phiện.

Khi biết không có thuốc, Giang gào thét rồi hất hết đồ săm tết, quăng quật bát đũa và đánh chửi Huệ. Quăng quật đồ đạc và chửi mắng vợ được một hồi thì cơn vật thuốc phiện kéo đến. Giang không dám ở lều mà đi ra rừng một mình. Gần đấy có một tảng đá to bằng một gian nhà, Giang cứ thế mà bò vòng quanh, mà cào cấu mà cọ người vào đá. Mệt quá, trong cơn mê, Giang nghĩ vào đến đây mà không ở đây được thì chỉ có vào trại giam thôi. Từ đó anh quyết tâm và những ngày cai nghiện bắt đầu.

Như thế, kể từ khi lên núi năm 1990 cũng phải 4 năm sau, Giang mới chính thức cai nghiện. Mỗi khi cơn vật kéo đến, Giang bảo vợ lánh vào rừng để mặc anh một mình vì anh sợ không chịu nổi cơn vật mà gây ra điều đáng tiếc với chị Huệ. Hàng ngày phát cây một buổi, một buổi chị Huệ gánh củi xuống núi bán. Một gánh củi bán được 5 ngàn đồng thì trước hết mua một chai bia Tàu 2 ngàn, 2 ngàn mua thức ăn còn 1 ngàn mua gạo cho hai bữa. Chị Huệ còn nhớ như in có hôm không bán được củi, chị hỏi cắm đôi dép tông đang đi để vay tiền của một bà bán hàng khô ở chợ Phương Lâm mua gạo.

Bà cụ bảo: "Tao giữ đôi dép của mày để mày đi chân không mà trèo núi thì còn ra thế nào?". Thế là bà cụ lại cho vay tiền. Cuộc sống cơ cực làm cho người con gái tuổi Ngọ lam lũ quanh năm và già đi trước tuổi. Thể rồi họ nuôi gà. Thời gian nhiều có tới 50 mái đẻ. Trứng gà và bia Tàu là những thứ phục vụ Giang cai nghiện, sự nghiêm khắc, tình yêu thương của những người thân trong gia đình, cộng với quyết tâm của bản thân mà bây giờ Giang gọi là sự biết sợ đã giúp Giang quên dần ma túy.

Với 7 ha đất dốc, vợ chồng Giang quy hoạch trồng bương, vải, nhãn và na. vườn rừng khép tán và xanh tươi. Thấp thoáng trong màu xanh ấy là vài chú bò vàng bám móng vào đồi dốc mà gặm cò. Bằng thu nhập từ vườn rừng và chăn nuôi, kết hợp với sự giúp đỡ của bố mẹ, năm 2003, một căn nhà xây được mọc lên tại khe núi Tháu. Chuyện cảm động Lương Minh Giang không thể quên đó là thời gian bố đẻ ra anh bệnh trọng, Giang thường xuyên có mặt bên cụ, khi từ giã cõi trần, cụ Giá yên tâm nhắm mắt vì đứa con của mình đã thực sự trở lại làm người, nên công sức của cụ và gia đình đã không bị phụ bạc. Còn Lương Minh Giang được có mặt bên người cha thân yêu trong những phút lâm chung của cụ, có lẽ cũng là điều hạnh phúc, vì anh còn đủ tư cách để thực hiện chức phận làm con.

Nay, Lương Thị Hương (sinh năm 1984) -con gái lớn của vợ chồng Giang đã có gia đình, ông bà đã có cháu ngoại đang cùng ở núi Tháu. Đúng như chủ trương của gia đình, Lương Bá Hùng - con trai của ông bà Giang - Huệ được ông bà nội nuôi ăn học hết lớp 12 để bố nó yên tâm cai nghiện. Sau khi học hết phổ thông, Hùng được bố Giang cho bươn bả vài nơi cả Nam lẫn Bắc rồi sau đó quay lại khe núi Tháu. Không biết có phải do tri ân với nơi đã giúp một người nghiện già hồi sinh làm người và biến khe núi thành trang trại hay không mà ông Giang tìm mọi cách cho Hùng học để làm một người chủ nông trang có kiến thức.

Tâm sự chuyện này, ông Giang nói: "Sống nhờ đất thì phải biết yêu đất. Mà muốn yêu được đất thì phải có kiến thức. Tôi cho con trai đi đây đó là để nó hiểu việc làm ăn không đơn giản chút nào. Bố mẹ có sẵn trang trại như thế này thì hãy trân trọng mà phát huy". Thế là năm nay, vào tuổi 22, Lương Mạnh Hùng đang tiếp nối công việc của bố mẹ một cách bài bản trong khe núi Tháu. Chính nơi này, nhờ tình yêu của mẹ mà bố anh đã từ bỏ được ma túy tính đến nay là 18 năm và làm nên một cánh rừng tươi tốt.

Vào tuổi 54, ông Giang khỏe mạnh và nhanh nhẹn lạ thường. Ông không nói đến chuyện cai nghiện ma túy nhiều nữa mặc dù người đối thoại cố tình hỏi. Điều ông tâm đắc và thường chia sẻ với những ai đến với ông chính là chuyện đất và người. Ông nói, nhiều người sống nhờ đất mà không biết yêu đất. Còn vợ chồng ông yêu mảnh đất khe núi này không khác gì yêu người, ông bà không thể xa mảnh đất này, mặc dù, trong kia là thành phố, ông vẫn có đất, có nhà. Nhưng chỉ những công việc không thể đừng, ông mới khảm thuyên cập phố, và quá lắm, không đầy một buổi là lập tức lại phải về rừng.

Khi tôi có dịp ngồi với ông là vào một trưa hè tháng 5 giữa núi rừng thanh tịnh. Có lẽ "rượu ngon lại có bạn hiền", ông Giang cho biết, ông đã viết sẵn di chúc rất ngắn nêu hai việc: Một là, khi ông bà qua đời sẽ hỏa táng và rắc tro hài cốt của mình ở khe núi này. Hai là, toàn bộ khu trang trại này ông sẽ giao lại cho ai biết yêu đất chứ không nhất thiết cứ phải là con cháu ông. Nói rồi, Lương Minh Giang với cây đàn ghi-ta vừa đàn vừa hát bàn tình ca "Rừng ơi ta đã về đây" ngọt ngào, say đắm, trong khi bà Huệ thỉnh thoảng lại bẽn lẽn nhìn chồng. Đúng là một cành Huệ trắng đang đung đưa bên dòng Đà Giang xanh mà tỏa hương thơm trong gió.