Cam go “cuộc chiến" giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô! (1)

ANTĐ - Lâm tặc ngang nhiên vào các tiểu khu thuộc phân khu bảo vệ nghiêm ngặt thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô khai thác gỗ, săn bắt động vận rừng quý hiếm. Mặc dầu lực lượng kiểm lâm đã có nhiều nỗ lực, nhưng tài nguyên rừng nơi đây vẫn “chảy máu” từng ngày!
Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thành lập năm 1999, có diện tích 26.848 ha, được chia thành 3 phân khu, trong đó phân khu bảo vệ nghiêm ngặt 15.213 ha, phân khu phục hồi sinh thái 10.485 ha, phân khu hành chính 1.150 ha. Diện tích rừng của khu bảo tồn này nằm tiếp giáp địa giới hành chính của các tỉnh Gia Lai, Phú Yên và các huyện Krông Năng, Ea Ka, Mđrắk (Đắc Lắc).

Cam go “cuộc chiến" giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô! (1) ảnh 1
Gỗ quý trong tiểu khu 618 bị lâm tặc khai thác trái phép cuối tháng 10-2012  

Được đánh giá là một trong những khu bảo tồn giàu tài nguyên của cả nước, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô không chỉ có những cây gỗ quý như: Trắc, cẩm lai, giáng hương, cà te… mà còn là môi trường sinh sống của 14 loài động vật quý hiếm được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Cũng vì thế mà nhiều năm qua, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô trở thành điểm nóng về vi phạm lâm luật. Trao đổi với chúng tôi mới đây, ông Y Rít Buôn Yă, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đắk Lắk cho biết: “Mặc dù chủ rừng và các cấp, các ngành trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực trong quản lý bảo vệ rừng, nhưng các đối tượng lâm tặc vẫn tập trung vào Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để khai thác tài nguyên rừng!”. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô đã phát hiện xử lý 231 vụ vi phạm luật với 303 đối tượng, trong đó có 8 vụ với 13 đối tượng chuyển cơ quan công an khởi tố, tịch thu 10m3 gỗ, gần 1.400 phương tiện, công cụ các loại.
Những ngày cuối tháng 11, đầu tháng 12 này, chúng tôi cùng anh Trần Lê Trinh, Phó Giám đốc kiêm Hạt phó hạt kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô và cán bộ Trạm kiểm lâm số 5 đi kiểm tra thực địa tại tiểu khu 618, đây là điểm nóng về khai thác gỗ quý hiếm. Từ trạm kiểm lâm số 5, đặt tại tiểu khu 623, chúng tôi lội qua suối Ea Phích, trèo qua nhiều ngọn đèo dốc đứng quanh co, nên phải đi bộ mất hơn 3 giờ đồng hồ mới băng qua đoạn đường rừng 7km để đến điểm nóng khai thác gỗ trái phép.

Cam go “cuộc chiến" giữ rừng ở Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô! (1) ảnh 2
Rừng ở tiểu khu 634 bị lâm tặc đốt cháy để săn bắt thú

Có đi rừng mới biết, công việc giữ rừng của kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô thực sự vất vả, gian lao. Do đường mòn, cây cỏ rậm rạp, dốc đứng lại phải qua suối sâu nên tang vật và gỗ vi phạm khi bắt giữ được, lực lượng kiểm lâm phải “tiêu hủy” vì không có cách nào vận chuyển ra khỏi rừng. Dọc tiểu khu 618, nhiều “xe máy độ chế” của lâm tặc bị phá hỏng hoặc đốt cháy nham nhở; nhiều phách gỗ cẩm lai, giáng hương, thậm chí cả hộp gỗ hương vuông 25cm và dài hơn 2m (nếu vận chuyển ra khỏi rừng có trị giá hơn 2 triệu đồng) cũng phải “tiêu hủy”. Vì theo cán bộ Trạm kiểm lâm số 5, nếu thuê phương tiện vận chuyển gỗ ra khỏi rừng thì sẽ tốn kém gấp 2-3 lần trị giá gỗ.
Theo quan sát của chúng tôi, từ Trạm kiểm lâm số 5 đến bìa rừng của tiểu khu 618 lực lượng kiểm lâm phải đi bộ mất hơn 3 giờ đồng hồ. Trong khi đó lâm tặc chỉ cần chưa đến 1 giờ đồng hồ là có thể cơ động bằng xe máy độ chế từ hướng huyện Krông Pa (Gia Lai), xâm nhập vào để khai thác và vận chuyển gỗ quý hiếm ra khỏi rừng. Vì vậy, nhiều khi phát hiện có tiếng cưa gỗ, nhưng kiểm lâm cơ động đến nơi thì lâm tặc đã kịp cưa cắt, tẩu tán hết gỗ ra khỏi rừng (!).

Mặt khác trong suốt 6 tháng mùa mưa, lực lượng Kiểm lâm trạm 5 không thể vượt qua suối Ea Phích để tuần tra bảo vệ rừng ở tiểu khu 618 được. Chúng tôi cho rằng, việc đặt các trạm kiểm lâm sâu trong rừng, như Trạm kiểm lâm số 5 là không hiệu quả. Nên chăng cần di chuyển trạm này ra cửa rừng để ngăn chặn ngay từ hướng lâm tặc xâm nhập và chốt chặn đường vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng, thì việc bảo vệ rừng mới có hiệu quả.
(Còn nữa)