Tu bổ phải tôn trọng nguyên bản

ANTĐ - Hàng ngày tiếp cận với hàng nghìn khách vào tham quan khu di tích Văn Miếu-Quốc Tử Giám, anh Ngô Văn Hòa, cán bộ khu di tích khẳng định, việc tu bổ để di tích khang trang là cần thiết nhưng quan trọng hơn là phải tôn trọng nguyên bản. 

- Khu di tích Văn Miếu- Quốc Tử Giám cũng đã nhiều lần tu sửa, xây mới. Khách du lịch phản ánh về vấn đề này thế nào?

- Tôi hàng ngày tiếp xúc với khách tham quan, phần lớn khi hỏi về vấn đề này, họ chỉ hỏi xem di tích được tu bổ lâu chưa vì những công trình mới được xây dựng đều tôn trọng kiến trúc cũ nên khách không cảm nhận sự khác biệt nhiều.

- Vậy có nghĩa là việc sửa chữa tu bổ di tích không gây khó chịu cho khách tham quan?

- Đây đều là các công trình lâu năm, nhiều khu vực bị sạt lở, xuống cấp, bắt buộc phải tôn tạo. Tuy nhiên, chắc chắn lượng khách sẽ giảm nếu việc tôn tạo này không tôn trọng nguồn gốc văn hóa, kiến trúc lịch sử của di tích. Việc tu bổ quá đà như báo chí, truyền hình đưa tin ở chùa Trăm Gian, Chương Mỹ là một ví dụ điển hình. 

- Vậy quê của anh có xảy ra tình trạng này không?

- Quê gốc của tôi ở Đan Phượng và hiện tôi đang ở Tứ Liên, Tây Hồ. Điều mà tôi thấy gắn bó với quê gốc cũng như nơi tôi đang sinh sống chính là những nét sinh hoạt văn hóa vẫn được giữ gìn. 

- Xem ra nhiều nơi cứ công trình văn hóa cũ, xuống cấp là bỏ thì ngược lại người dân và khách du lịch lại muốn bảo tồn nguyên bản đền chùa?

- Tôi thấy không biết có phải vì xã hội hóa, phụ thuộc vào các nhà tài trợ hay không mà việc tôn tạo di tích ngày nay không được tôn trọng nguyên gốc, phá hết nét đẹp văn hóa, lịch sử. Điều này rất nguy hiểm, cần xử thật nghiêm để sau này con cháu còn được thừa hưởng những giá trị văn hóa, tâm linh đúng nghĩa.