Hôn nhân đồng giới: Sự bất lực của pháp luật

ANTĐ - Thực tế cho thấy nhu cầu chung sống, lập gia đình của người đồng giới là có thật. Và nếu không nhanh chóng điều chỉnh thì nghịch lý luật cấm cứ cấm, ai thích cứ cưới chứng tỏ sự bất lực của pháp luật.

Một đám cưới đồng tính ở Việt Nam đã từng gây xôn xao dư luận


Đã được thừa nhận ở nhiều nước

Luật sư Hoàng Huy Được - Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, hôn nhân đồng giới hay hôn nhân đồng tính là hôn nhân của hai người có cùng giới tính sinh học hoặc giới tính xã hội được chấp nhận về mặt luật pháp hay xã hội. Quan niệm về kết hôn đồng giới hiện không đồng nhất ở các quốc gia. Những người ủng hộ hôn nhân đồng giới dựa trên quyền chung của con người, bình đẳng trước pháp luật và sự bình thường hóa mối quan hệ. Còn bên phản đối thường dựa vào các  vấn đề con cái, nền tảng tôn giáo, truyền thống và chủ nghĩa dị tính luyến ái.

Từ năm 2001, Hà Lan là quốc gia đầu tiên trên thế giới cho phép hôn nhân đồng giới. Thái Lan hiện là nước đứng đầu thế giới về số lượng người có giới tính thứ 3. Hiện có 19 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới đã công nhận kết hôn đồng giới. Một số quốc gia dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới nhưng cũng có quy định cho phép những người cùng giới được chung sống. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam cần nhanh chóng xem xét, có quy định cho phép người đồng tính được chung sống và giải quyết tài sản khi họ không còn chung sống. Ngoài ra Luật Con nuôi hiện quy định hai người cùng giới tính không được nhận con nuôi. Do vậy nếu chấp nhận hôn nhân đồng giới, chúng ta cũng phải bổ sung, sửa đổi quy định này.

Theo thống kê chưa đầy đủ, người đồng tính ở nước ta hiện khá cao. Thời gian qua, khi Bộ Tư pháp xem xét sửa đổi Luật Hôn nhân - Gia đình, trong đó có xem xét hợp pháp hóa quan hệ đồng giới đã nhận được khá nhiều sự đồng tình trong cộng đồng người đồng tính. Kết quả cuộc khảo sát trên các diễn đàn của người đồng tính nam và nữ diễn ra gần đây cho thấy, trên 70% mong muốn luật pháp thừa nhận hôn nhân đồng tính, 4,2% mong muốn luật pháp thừa nhận quan hệ chung sống không cần đăng ký.Theo anh Nguyễn Hải, một người đồng tính ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội tâm sự: “Trong thời gian đầu yêu nhau chúng tôi lúc nào cũng có cảm giác nơm nớp chỉ sợ bị gia đình, bạn bè phát hiện, sợ bị mọi người dị nghị xa lánh. Nhưng dần dần khi chúng tôi chứng tỏ được mình vẫn làm việc, phấn đấu tốt thì những người thân đã  thông cảm và ủng hộ. Theo tôi, một trong những lý do dẫn đến hiện tượng này là do hôn nhân đồng giới chưa được pháp luật thừa nhận”. 

Luật cũ: Vô số bất cập

M.Q - Admin một trong những diễn đàn đồng tính lớn nhất tại Việt Nam cho biết: “Không nên chỉ vì vài đám cưới đồng tính mà Luật mới vội vã công nhận việc hôn nhân đồng tính. Trước hết hãy công nhận giới tính của những người đồng tính, người chuyển giới. Tại nước ta hiện nay, không ít người nổi tiếng như ca sỹ T.T, người mẫu A.X đã chuyển giới thành công, nhưng trên giấy tờ họ vẫn là đàn ông. Vậy thì tại sao không vận động công nhận giới tính của họ để được bình đẳng như những người khác trước khi công nhận các đám cưới?”.

Trên thực tế Luật Hôn nhân và Gia đình ban hành năm 2000 đã trở nên lỗi thời và bộc lộ nhiều bất cập. Xét về quyền tự do cá nhân thì kết hôn giữa những người cùng giới tính cần được công nhận. Vấn đề là cần có quy định phù hợp với văn hóa, phong tục tập quán của người Việt. Mặc dù luật hiện hành đang cấm nhưng các đám cưới của người cùng giới vẫn diễn ra, thậm chí tổ chức khá rầm rộ, linh đình. Điều đó chứng tỏ một điều rằng các quy định của pháp luật đã và đang không theo kịp với sự phát triển của cuộc sống. Nó đòi hỏi cần phải có những quy định cụ thể hơn, trên cơ sở tôn trọng quyền tự do cá nhân.

Theo một đại diện của Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, việc kết hôn và mong muốn hạnh phúc gia đình là quyền của cá nhân mỗi người dù họ thuộc giới tính nào. Vì thế nhu cầu được xây dựng hạnh phúc của những người thuộc giới tính thứ ba cũng là chính đáng và cần được tôn trọng. Việc Nhà nước thừa nhận hôn nhân của người đồng tính chính là khẳng định quyền được hưởng hạnh phúc gia đình, song để thực hiện việc này cần có lộ trình. Do việc trẻ hóa giới tính thứ 3 ngày càng tăng về số lượng nên ngoài việc nâng cao nhận thức của người dân, chúng ta cần có các biện pháp để tăng cường phổ biến kiến thức về xu hướng tình dục này đồng thời bổ sung trang thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh đối với các căn bệnh phát triển giới tính không bình thường. 

Đáng mừng là dù chưa công khai thừa nhận nhưng thái độ đối xử với người đồng tính ở nước ta đã thoáng hơn. Tuy nhiên một điều dễ nhận thấy là hầu hết những người làm luật ở Việt Nam hiện nay vẫn đang né tránh vấn đề hôn nhân đồng giới. Họ mới chỉ dừng lại ở chỗ xem xét quy định về việc giải quyết hậu quả pháp lý trong quá trình sống chung của hai người cùng giới chứ chưa muốn hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới. Do đó câu chuyện về những đám cưới đầy tranh cãi giữa những người cùng giới tính chưa biết đến bao giờ có hồi kết.