Điểm thi môn Sử thấp là bình thường!?

ANTĐ - Ngày 29-7, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận trao đổi với báo chí về một số vấn đề nóng của giáo dục đại học bên hành lang Quốc hội.

- Dư luận xã hội đang lo lắng với kết quả điểm thi môn Lịch sử trong kỳ thi đại học vừa qua quá thấp?

- Vấn đề điểm thi môn Lịch sử thấp là vấn đề của thời đại, của nhiều nước trên thế giới, kể cả Mỹ hay châu Á không phải là chuyện của riêng Việt Nam. Thực tế, môn khoa học lịch sử ngày càng ít được nói đến trong cuộc sống hiện đại. Cơ hội tìm việc làm của những người giỏi sử cũng ít đi và đúng là môn Sử không hấp dẫn học sinh như các môn khác. Có những thứ do thời đại, do xu thế phát triển mà người ta phải học để hy vọng có thu nhập cao.

- Nhưng thật tệ là môn Sử có hàng nghìn điểm 0, cá nhân Bộ trưởng cảm thấy thế nào về kết quả đáng buồn này?

- Tôi thấy bình thường. Đã là cuộc thi tuyển thì chuyện đề thi có sự phân loại thí sinh để tuyển chọn là bình thường.

- Nhưng giới chuyên môn cho rằng, điểm Sử thấp, là do cách dạy và học Sử của ta hiện nay có vấn đề, thưa ông?

- Ý kiến này cũng có khía cạnh đúng. Nhưng nếu đổ tất cả cho nguyên nhân đó thì lại cực đoan. Thực tế, đúng là cách dạy Sử hiện nay với việc dạy học sinh về lịch sử đánh trận này trận kia, dẹp bao nhiêu giặc, thu bao nhiêu vũ khí thì đúng là không nên, cần phải thay đổi. Bản thân tôi nhận thức việc dạy Sử là để học sinh hiểu biết truyền thống, tăng cường lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc, có ý thức trách nhiệm với đất nước. Còn dạy Sử để bắt các em nhớ số liệu thì nên thay đổi. Phản ứng của xã hội trong chuyện này là đúng. Đã có lúc tôi trao đổi với nhà sử học Dương Trung Quốc là phải có sự phối hợp để thay đổi cách dạy Sử hiện nay. Có điều việc thay đổi là không đơn giản.

- Vậy theo ông, cách dạy và học Sử phải thay đổi theo hướng nào?

- Việc này cần phải bàn rất kỹ. Mục tiêu của nền giáo dục nước ta là thay đổi căn bản và toàn diện, trong đó có việc thay đổi mục tiêu, chương trình, nội dung phương pháp dạy và học. Bộ GD-ĐT đã làm việc với Hội Lịch sử Việt Nam để phối hợp việc thay đổi cách dạy và học môn Lịch sử. Ngoài ra, môn Địa, môn Văn cũng tính tới việc thay đổi cách học, cách dạy. Việc thay đổi nội dung sách giáo khoa thì phải có quy trình chứ không phải nói thay là thay ngay được. Nếu thay đổi một cách sạch trơn, liên tục thì thành tùy tiện.

- Ông nghĩ gì về việc một số người rất biết và thích lịch sử Trung Quốc, trong khi lịch sử Việt Nam lại nhớ chẳng được bao nhiêu?

- Đúng là có thực tế như vậy, nhưng đó không phải là chuyện của ngành giáo dục. Đây là vấn đề của cả xã hội. Người ta biết về lịch sử Trung Quốc không phải là do được học về lịch sử nước này, mà thông qua xem phim, đọc truyện. Không phải là học sinh nước ta do học lịch sử Trung Quốc và thích sử của họ. Chính vì thế mới cần thay đổi về học Sử, nhưng thay đổi cụ thể thế nào một mình tôi không quyết được. Điều này phải được bàn rộng rãi, trong giới sử học, các nhà giáo, chuyên gia lịch sử... Bộ GD-ĐT sẽ xem xét để sớm thay đổi cách dạy các môn xã hội, trong đó có Sử.