Yếu thế dễ tổn thương

ANTĐ - Đánh giá về tình hình thất nghiệp trong cả nước, Viện Khoa học lao động và xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho biết, trong năm 2012, khó duy trì xu hướng giảm thất nghiệp ở thành thị do tác động cộng hưởng của gần 50.000 doanh nghiệp đóng cửa. Tốc độ tăng trưởng việc làm từ năm 2007 đến nay chỉ đạt bình quân 2,5%, đặc biệt năm 2010 và 2011, tỷ lệ tăng việc làm đã chạm “đáy” chỉ đạt 1,6% và 2%.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, từ đầu năm đến nay, Hà Nội đã có 735 doanh nghiệp giải thể và 1.900 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động. Trong 10 tháng qua đã có khoảng 41.000 lao động mất việc làm. Thực tế có thể còn lớn hơn nhiều khi đa số các doanh nghiệp phải cắt giảm khoảng 40% kế hoạch sản xuất kinh doanh, nhiều doanh nghiệp phải ngừng sản xuất. Hiện chỉ có khoảng 50% doanh nghiệp công nghiệp đủ việc làm trong 3 tháng cuối năm, còn lại là giãn việc hoặc ngừng sản xuất.

Ở TP.HCM đã có 55.100 doanh nghiệp ngừng hoạt động, trong đó 13.094 doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục khóa mã số thuế, 8.860 doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh và 15.270 doanh nghiệp đóng cửa chưa rõ lý do. Trong khi hồ sơ chờ làm thủ tục phá sản đang chất đống, cơ quan thuế không đủ người để giải quyết thì doanh nghiệp đã đồng loạt “âm thầm” bỏ trốn vì cách này… đơn giản hơn nhiều. Không chỉ ở hai thành phố lớn, “làn sóng” thất nghiệp còn lan rộng ra các tỉnh, thành trong cả nước. Trong bối cảnh này, những người lao động mất việc làm đương nhiên rơi vào nhóm người dễ bị tổn thương.

Theo Phó Viện trưởng Viện Chính sách công và quản lý, nhóm người này phải đối mặt với hai vấn đề. Thứ nhất, bản thân họ khó tìm được việc làm ổn định có thu nhập đủ sống bởi thị trường lao động đô thị đang dư thừa, kể cả lao động có tay nghề. Thứ hai, không nhận được sự hỗ trợ của họ thì bố mẹ hoặc con cái của họ để lại ở quê sẽ phải bóp chặt chi phí sinh hoạt, học tập, ốm đau.

Trong những năm gần đây, Chính phủ quan tâm rất nhiều đến việc xây dựng và phát triển một hệ thống an sinh xã hội toàn  diện, bao phủ những nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất. Năm 2008, Luật Bảo hiểm xã hội xây dựng chế độ bảo hiểm tự nguyện nhằm tăng cường khả năng bao phủ. Nghị định 13 thay thế Nghị định 67 nhằm nới lỏng quy định và tăng độ bao phủ các nhóm dân cư nghèo và dễ tổn thương. Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng, dây dưa, thậm chí trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động đã được các đại biểu Quốc hội lên tiếng cảnh báo. Trong khi đó, bảo hiểm xã hội tự nguyện là một kênh nhằm thu hút nhóm dân cư dễ bị tổn thương tham gia, đóng góp và tích lũy, nhưng quy định còn quá cứng nhắc về thời gian và mức đóng góp. Kinh nghiệm của một số nước trong khu vực là Chính phủ hỗ trợ một phần đóng góp cho nhóm dân cư này để khuyến khích họ sẵn sàng bỏ tiền đóng góp vào quỹ. Quỹ này sẽ đem lại thu nhập thường xuyên cho họ khi gặp rủi ro mất việc làm hoặc sức khỏe.

Khi nói đến an sinh xã hội, đầu tiên phải nghĩ ngay đến kinh phí để thực hiện. Ngân sách nhà nước hàng năm là con số hầu như đã cố định. Chi cho an sinh xã hội tăng lên thì phải giảm bớt các khoản chi tiêu khác. Tăng chi cho những nhóm người yếu thế, dễ tổn thương, trong đó có những người lao động thất nghiệp là điều Nhà nước mong muốn. Thế nhưng tiếng nói của những nhóm đối tượng này thường khá mờ nhạt. Hy vọng từ ngày 1-5-2013 khi Bộ luật Lao động sửa đổi có hiệu lực những bất cập hiện nay sẽ dần được khắc phục.