Yếu ngoại ngữ, thiếu kỷ luật khiến lao động Việt mất điểm tại thị trường xuất khẩu

ANTD.VN - Các chuyên gia lao động cho rằng, những thị trường xuất khẩu lao động yêu cầu về kỹ năng càng khắt khe thì mức thu nhập đối với người lao động càng hấp dẫn. Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, bên cạnh trình độ tay nghề, các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cần chú trọng việc đào tạo ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật cho người lao động.

 

Theo thống kê của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH), số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh, bình quân mỗi năm có hơn 100.000 người, gửi về nước khoảng 2,5 tỷ USD. Xuất khẩu lao động giúp giải quyết việc làm khoảng 10% tổng số lao động.

Đánh giá về công tác xuất khẩu lao động, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà cho hay, cùng với số lượng, chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng không ngừng được nâng cao; ngành nghề đưa đi được mở rộng, trong đó có nhiều ngành nghề mới như: Điều dưỡng, hộ lý, lao động trong một số lĩnh vực nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, lao động có tay nghề, kỹ thuật cao.

Các thị trường chính của Việt Nam tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt là thị trường khu vực Đông Bắc Á, Trung Đông, Malaysia và gần đây là một số thị trường châu Âu cũng có những tín hiệu tích cực về việc tiếp nhận lao động Việt Nam.

Không chỉ vậy, hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động cũng từng bước đi vào nền nếp. Nhiều doanh nghiệp đã và đang chủ động tìm kiếm, phát triển thị trường, đầu tư bài bản cho công tác tạo nguồn lao động và đào tạo nâng cao tay nghề, ngoại ngữ cho lao động trước khi xuất cảnh.

Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, nhưng theo Phó Chủ tịch Hiệp hội xuất khẩu lao động Việt Nam Nguyễn Ngọc Quỳnh cho rằng, mặc dù số lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài liên tục gia tăng nhanh nhưng chất lượng hiện vẫn còn thấp so với mặt bằng chung các nước trong khu vực. Ngoại ngữ, ý thức tổ chức kỷ luật, tay nghề chính là điểm yếu của lao động Việt Nam.

Nêu ví dụ ý thức tổ chức kỷ luật của lao động Việt Nam kém hơn so với các các nước khác, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh cho hay, tỷ lệ lao động Việt Nam bỏ trốn tại Hàn Quốc vẫn cao dù cả phía Việt Nam và Hàn Quốc đã có nhiều phương án tuyên truyền, kêu gọi lao động về nước đúng hạn hợp đồng.

Thực tế, tỷ lệ lưu trú bất hợp pháp cao không chỉ làm xấu hình ảnh người Việt Nam cần cù, chịu khó mà đã làm gián đoạn chương trình hợp tác lao động.

Theo ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước, hầu hết các thị trường yêu cầu về kỹ năng, kỷ luật lao động càng cao sẽ có mức thu nhập hấp dẫn, điều kiện và môi trường làm việc tốt.

Do đó, muốn đưa ngày càng nhiều người lao động đến những thị trường tốt thì bắt buộc phải nâng cao chất lượng lao động.

Theo quy định của Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, cùng với yêu cầu của thị trường lao động ngoài nước, các doanh nghiệp đã chủ động trong việc tổ chức đào tạo nghề, ngoại ngữ và bồi dưỡng kiến thức cần thiết cho người lao động trước khi đi làm việc ở nước ngoài.

Thế nhưng, vẫn còn một bộ phận doanh nghiệp chưa thực sự quan tâm đến chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài, hoặc thông qua hoạt động đào tạo nghề, ngoại ngữ cho người lao động đề kinh doanh dịch vụ đào tạo làm tăng chi phí của người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thời gian tới, các quy định về tuyển chọn lao động cần được sửa đổi, bổ sung những quy định về dạy nghề, ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho phù hợp, nhằm khai thác có hiệu quả hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã được đầu tư trong thời gian qua, đáp ứng tốt hơn nhu cầu lao động kỹ thuật của các thị trường tiếp nhận.