Yêu bản thân là yêu gia đình

ANTĐ -Chị em chúng ta vốn chịu thương chịu khó, không ngại hy sinh bản thân để lo cho chồng, cho con. Nhưng không hẳn lúc nào “vì nghĩa quên thân”, “vì con phục vụ” cũng đáng được biểu dương.

Chị em chúng ta vốn chịu thương chịu khó, không ngại hy sinh bản thân để lo cho chồng, cho con. Nhưng không hẳn lúc nào “vì nghĩa quên thân”, “vì con phục vụ” cũng đáng được biểu dương. Đứng từ góc độ người trong cuộc, chắc chắn chồng, con chúng ta khó mà vui khi biết vợ mình, mẹ mình buồn tủi, khổ sở vì lo lắng cho gia đình. Trong khi đó, các nhà tâm lý khuyên rằng: Trước khi yêu chồng, yêu con, chị em hãy yêu chính bản thân mình. Đó mới là tình yêu thông minh.

Tự yêu chính mình

"Nếu không yêu bản thân, làm sao biết cách mà yêu người xung quanh được" - vì suy nghĩ đó mà chị Thảo luôn chăm lo cho bản thân mình. Mặc cho người ngoài đôi lúc xì xào rằng chị "lạ đời" ích kỷ, chị tự tin bảo: Tôi không ngược đãi con, tôi không phụ bạc chồng. Chỉ có điều trái tim tôi bên cạnh phần dành cho chồng, cho con, cho gia đình, còn có một phần dành cho... chính tôi nữa.

Cái sự "yêu bản thân" của chị Thảo là như thế này. Thu nhập của hai vợ chồng không quá cao. Hàng tháng, gom góp tiền lương của hai anh chị chỉ đủ đẻ trang trải tiền ăn, điện, nước, học phí cho các con và... thừa ra tý tẹo để tiêu vặt. Ấy thế nhưng, bề ngoài, chẳng ai biết chị Thảo "nghèo" cả. Chị lúc nào cũng "tinh tươm" tóc là áo lượt, phấn son hồng hào. Quần áo chị mặc, không quá sang trọng, đắt tiền nhưng vẫn hợp mốt. Thiên hạ váy xoè thì chị cũng... xoè váy.

Khi chị em diện áo bó, thì chị cũng mặc áo ôm sát eo. Chị em cùng cơ quan trố mắt hỏi chị lấy tiền ở đâu ra, có anh nào bao hả, chị cười - tiếng cười sảng khoái: "Anh nào. Là cái anh này này. Rồi chị vỗ vỗ tay vào ngực mình. "Sao cứ phải đợi người khác cho mình cơ hội hưởng thụ nhỉ. Mình cũng là con người, mình cũng có quyền được sống vui vẻ, yêu đời và làm chủ cuộc sống của mình chứ! thì ra, tiền "ăn diện" của chị được trích từ tiền sinh hoạt chung của gia đình. Tiền chẳng có nhiều nên chị thường ưu tiên mua đồ cho các con trước.

Nhưng, chị nghĩ, không thể chỉ mua cho con mãi. Con mặc đẹp thì mẹ cũng có nhu cầu mặc đẹp. Thế là có tháng, chị "nhịn đồ" của con để tự thưởng cho mình một chiếc váy đẹp. Phóng xe trên phố, thoáng qua mấy cửa hàng bán đồ cho chị em, thay có cái ví, cái vòng đẹp, chị đỗ xịch xe, rút ví ra mua liền. Tất nhiên, nếu cái gì cũng quy ra sữa cho con thì chẳng mẹ nào dám tiêu pha cả"- chị bảo. "Hồi đầu mình cũng ngại ngần, bằn khoăn và thấy "dã man" với con sao ý. Nhưng rồi mình lại nghĩ, chẳng nhẽ bản thân mình không đáng quý hay sao. Mình mặc đẹp thì chồng con cũng được vinh dự cơ mà". 

Với chị Thảo, yêu và chăm sóc chính bản thân mình khoẻ mạnh, tinh tươm cũng là một cách mà người vợ, người mẹ chăm sóc cho gia đình bé nhỏ của mình. Thi thoảng gặp một hai chị em trong công ty, chị Thảo thấy họ có vẻ ngoài bô nhếch bô nhác, chị khoác vai rồi bảo nhỏ: "Ai cũng có một thời tuổi  trẻ. Mai này khi các em già rồi, muốn ăn mặc đẹp cũng không còn cơ hội nữa. Em đừng quá lo cho con, cho chồng như thế mà khổ"

Chị Mai cũng thuộc nhóm người ủng hộ quan điểm trên. Vợ chồng chị cũng chẳng khá giả gì, hai vợ chồng cưới nhau đều tự thân vận động bằng hai bàn tay trắng. Hai vợ chồng chị Mai đặt kế hoạch, sau 10 năm sẽ dành đủ tiền mua một căn hộ tập thể cũ ở quận Thanh Xuân. Thế nhưng, kế hoạch "10 năm lần thứ nhất" đã sắp hết, nhà chưa thấy đâu mà thi thoảng, người tạ lại thấy, khi thì chị đi spa, khi thì vợ chồng rủ nhau đi ăn nhà hàng để "đổi gió" Ngày hè vợ chồng con cái lại tíu tít đi biển. Bố mẹ chồng chị lúc đầu bực lắm, nghĩ chị không biết thân biết phận. Lẽ ra tiền không có thì phải cố tiết kiệm, năng nhặt chặt bị vì mục tiêu cao cả hơn. Bị mắng, chị Mai ngồi im nghe rồi từ tốn đáp lại: Bố mẹ ơi, tiết kiệm là đúng. Nhưng, nếu quanh năm suốt tháng, chúng con chỉ biết căn cơ, ép xác... mà không cho bản thân mình cơ hội được vui, được nghỉ ngơi thì làm sao tái tạo sức lao động để mà làm việc tiếp.

Đi nghỉ, đi chơi - đúng là có tiêu pha tốn kém hơn thường ngày nhưng qua đó mà vợ chồng con cái thêm yêu thương, gắn bó. Liều thuốc tinh thần ấy vô cùng giá trị, đợi khi vợ chồng nhạt nhòa, có chi ra cả núi tiền cũng khống mua nổi" Bạn bè đến nhà Mai chơi, ai cũng thích thú với căn bếp tiện nghi của gia chủ. Nào thì máy xay thịt, máy xay sinh tố, rồi nồi ủ đa năng, lò vi sóng, cả máy làm sữa chua, làm kem... như kiểu "gia chủ" mở hàng ăn. Mai cười: "Mình nghĩ tiền làm ra là để phục vụ con người. Đi làm cả ngày mệt, không thể cứ "băm băm chặt chạt theo cách thủ công được. Mình mua máy móc về, không phải để làm sang mà là giảm thiểu thời gian, công sức nấu nướng vất vả. Mình không yêu bản thân thì ai yêu hộ nữa. Người vợ yêu chồng, yêu con thì có nhiều. Nhưng, không phải ai cũng yêu chồng, yêu con và... biết yêu chính bản thân mình đâu nhé" Mai nói. Nghĩ và làm, Mai luôn cố gắng sống thật tốt, thật yêu đời. Với cô, chẳng ai yêu chồng và con cô như chính cô. Vì thế, sống khoẻ mạnh, yêu đời cũng là một cách để cô giữ gìn và bảo vệ gia đình của mình.

Người phụ nữ - “nhiệt kế” của gia đình

Các cụ ta có câu Đàn ông xây nhà, đàn bà xẩy tổ ấm, đủ thấy vai trò của người vợ quan trọng đến thế nào. Thiếu vắng người phụ nữ, tổ ấm sẽ biến thành... tổ lạnh. Nếu như người chồng - người đàn ông trong gia đình lâu nay vẫn được cho là có trách nhiệm kiếm tiền nuôi gia đình thì người vợ lại "góp" một giá trị khác quan trọng không kém. Đó là giá trị tinh thần của gia đình. Người phụ nữ - người vợ - người mẹ trong gia đình có hạnh phúc thì gia đình mới hạnh phúc, vui vẻ. Ngược lại, người phụ nữ bất hạnh, đau khổ, luôn buồn tủi thì trong gia đình sẽ có không khí u ám, lạnh te.

Chồng Ngọc là tổng giám đốc một công ty lớn, quản lý cả trăm nhân viên dưới quyền. Nói không ngoa, anh có đủ uy quyền để "hét ra lửa". Là vợ anh, Ngọc cũng... được thơm lây. Cô đi một bước là có lái xe riêng của chồng đưa đón, một điều chị, hai điều chị. Cuộc sống vật chất của vợ chồng Ngọc cũng dư dật. Ngoài căn biệt thự lớn nằm ở khu vực sầm uất, vợ chồng cô còn "dắt lưng" thêm mấy mảnh đất ở ngoại thành, tiền ăn không hết, chồng Ngọc chẳng yêu cầu cô phải đi làm. Ngày ngày, Ngọc chỉ việc ở nhà, ra ngắm vào vuốt rồi đợi chồng về.

Những tưởng thế là hạnh phúc lắm nào ngờ, càng ở lâu, Ngọc càng cảm thấy cuộc sống quá vô vị. Cô luôn tự ti, hạ thấp mình trước chồng. Nghe bóng gió đây đó, chồng cô cũng có một vài bóng hồng ở ngoài nhưng Ngọc đâu dám hỏi. Cô sợ nếu làm điều gì phật ý chồng, cô sẽ mất tất cả, mất đi cuộc sống vật chất đủ đầy. Bạn bè đến nhà chơi, ai cũng nhận ra bầu không khí buồn tẻ trong gia đình cô. Ngọc đi đi lại lại như một cái bóng, chẳng bao giờ dám bày tỏ chính kiến trước chồng. Yêu bản thân, không phải là cách sống ích kỷ. Yêu bản thân nghĩa là chị em hãy biết cách tự chăm lo cho chính bản thân mình. Bởi, khi chị em hạnh phúc, tự chủ thì gia đình của chị em mới hạnh phúc, vui vẻ được.

Hà từng là kế toán ở một công ty nọ. Sau khi lấy chồng, cô sinh đôi một trai, một gái. Thời gian đầu, chồng Hà khuyến cô nên ở nghỉ việc ở nhà trông con, việc kiếm kế sinh nhai để anh lo. Thương con còn nhỏ, thuê người giúp việc cũng không thể tốt như mẹ trông con, Hà bùi tai gật đầu. 3 năm đầu, nhờ có cô ở nhà mà mọi việc xuôi chèo mát mái, các con được chăm sóc chu đáo. Nhưng, khi các con đã đến tuổi đi học, Hà bỗng trở nên thừa thãi. Cô ở nhà suốt ngày, chẳng biết làm gì cho hết thời gian. Nhiều người khuyên cô nên đi làm trở lại, đó cũng là cách để khỏi lạc hậu và tìm cho mình niềm vui riêng trong công việc, Hà cũng muốn lắm. Nhưng 3 năm ở nhà, suốt ngày chỉ quen nội trợ, Hà bỗng sợ thay đổi cô càng ngại hơn khi phải cầm đến sách vở, rồi nộp hồ sơ xin việc khắp nơi. Cuối cùng cô chấp nhận ở nhà để chồng nuôi.

Nhưng, ở nhà Hà đâm ra lo lắng. Sợ chồng đi cặp bồ, Hà ghen bóng, ghen gió, luôn tham vấn các mối quan hệ của anh. Càng lo nghĩ, Hà già sạm đi. Cô cáu kỉnh, ca cẩm suốt ngày. Nghĩ rằng mình chỉ ở nhà nội trợ, ăn mặc đẹp cũng phí, Hà trở nên bệ rạc. Quan hệ của hai vợ chồng xấu dần. Thay vì về nhà, chồng cô tìm cách ở lại cơ quan nhiều hơn. Gõ cửa trung tâm tư vấn, Hà giật mình nghe chuyên gia tư vấn "bắt bệnh" và nhận ra rằng sai lầm lớn nhất của cô là đã không biết yêu quý và tôn trọng bản thân. Lẽ ra, cô cần có cuộc sống độc lập, tự chủ thay vì bị động, dựa dẫm vào chồng.

Hãy yêu bản thân mình

Gia đình bạn sẽ ra sao nếu có một người mẹ, người vợ mệt mỏi, tâm trạng chán nản. Khi bạn ốm, ai sẽ lo cho gia đình của bạn. Hãy nhớ, bản thân bạn cũng rất đáng quý và rất đáng được yêu thương...

1 .Kết hợp giữa hy sinh và tận hưởng

Hãy cho cơ thể bạn cơ hội được nghỉ ngơi, thư giãn bên cạnh nhũng lo toan cho gia đình. Bạn nên nhớ rằng, khi bạn vui, yêu đời, bạn sẽ làm việc sẽ năng suất hơn. Bạn cất tiếng hát, bạn nở nụ cười thì gia đình bạn cũng sẽ vui vẻ.

2. Hãy tận dụng cơ hội để chăm lo bản thân

Bạn than vãn không có thời gian để lo cho bản thân. Bạn quá bận rộn với hàng núi công việc. Nhưng, nếu bạn biết tận dụng cơ hội và thời gian, bạn vấn có thể chăm lo cho bản thân mình. Chẳng hạn, vừa làm việc nhà, bạn có thể vừa nghe bản nhạc yêu thích. Vào ngày cuối tuần, bạn cùng con đi bảo tàng, đi công viên. Con bạn sẽ học được nhiều điều từ những chuyến thực tế ấy nhưng bạn lại có cơ hội để thư giãn.

3. Tự thưởng cho bản thân mình

Không phải bao giờ căn ke, lo hết cho chồng con cũng tốt. Thi thoảng, hãy cho mình những phút riêng tư, chỉ lo cho bản thân thôi. Bạn hãy sống cho riêng mình thay vì lúc nào cũng chỉ nghĩ, chỉ lo cho chồng con bạn.

4. Bỏ đi những cảm xúc tiêu cực

Thay vì suốt ngày ca cẩm, than thân trách phận, bạn hãy nghĩ đến những điều lạc quan. Bạn đừng ôm hết việc về mình mà hãy nhờ chồng, con giúp đỡ bạn. Bạn hãy nhớ rằng, chăm lo gia đình là trách nhiệm của cả hai vợ chồng.