Ý kiến sau bài báo “ăn theo” thương hiệu
(ANTĐ) - Sau loạt bài phản ánh về những “tiểu xảo”, lộn xộn trên thị trường hàng may mặc, chúng tôi nhận được hai luồng dư luận, một là sự lo lắng, chia sẻ của những doanh nghiệp đã có sự ổn định thương hiệu; hai là sự “bằng lòng” của một số cơ quan công quyền với quan điểm: hàng giả - hàng nhái trên lĩnh vực may mặc chưa phải là vấn đề chết người!
>>> Bài 1: Sống nhờ thương hiệu May 10
>>> Bài 2: Đâu rồi cơ quan quản lý?
“Khó kiểm soát hết”
Mở cửa hàng giới thiệu sản phẩm đầu tiên tại Hà Nội từ năm 1993, chúng tôi đã quán triệt nghiêm túc tôn chỉ kinh doanh của công ty mẹ, là bằng mọi cách bảo vệ uy tín, thương hiệu trên thị trường. Doanh nghiệp chúng tôi đã thành lập bộ phận bảo vệ và xây dựng thương hiệu từ nhiều năm nay.
Đây là vấn đề hết sức quan trọng, bởi không doanh nghiệp làm ăn chân chính nào khi đã có thương hiệu lại không đau đầu về nguy cơ hàng giả, hàng nhái. Thậm chí, đối tượng kinh doanh hàng giả còn “bê” nguyên mẫu mã của các doanh nghiệp.
Chúng tôi đã đăng ký bảo hộ bộ nhãn mác và áp dụng quy trình quản lý bằng mã vạch. Bên cạnh việc hợp tác chặt chẽ với cơ quan thực thi pháp luật, doanh nghiệp chủ động bảo hộ sản phẩm bằng cách tuyên truyền thương hiệu rộng rãi trên phương tiện thông tin.
Một kiểu “nhái” cửa hàng: Việt Tiến thật... |
Công ty chúng tôi chủ trương phát triển hệ thống đại lý, cửa hàng ở các khu trung tâm để “đẩy” những cửa hàng nhái ra khỏi thị trường.
Quan điểm của công ty là nghiêm cấm các đại lý không được bày bán các sản phẩm khác trong cửa hàng. Mức phạt cho vi phạm này tối đa lên đến 7 triệu đồng. Tuy nhiên phải thừa nhận, công tác kiểm soát chưa được thường xuyên, liên tục.
Do tâm lý thời vụ, muốn kinh doanh nhiều mặt hàng để đỡ chi phí thuê cửa hàng, nên một số đại lý đã bày bán công khai sản phẩm áo phông Lacoste “nhái”, và điều này vi phạm quy định của công ty. Những trường hợp này khi phát hiện, khách hàng phản ánh chúng tôi sẽ có biện pháp chấn chỉnh kịp thời.
Ông Đỗ Yên Sơn (Giám đốc chi nhánh Tổng Công ty cổ phần May Việt Tiến)
“Có đơn tố cáo chúng tôi mới vào cuộc”
Công tác kiểm tra, xử lý vi phạm trên lĩnh vực may mặc không chỉ đơn giản căn cứ vào cảm quan sản phẩm trên thị trường. Theo Luật Sở hữu trí tuệ, phải có đủ 3 yếu tố sau đây thì cơ quan Quản lý thị trường mới có thể vào cuộc.
Đó là đơn khiếu nại, tố cáo từ phía doanh nghiệp về những vi phạm trên thị trường; doanh nghiệp trước đó đã đưa ra những khuyến cáo bảo vệ thương hiệu của mình; đồng thời doanh nghiệp phải xuất trình được những chứng lý về việc đăng ký bảo hộ sản phẩm, thương hiệu.
...và giả |
Những biểu hiện không bình thường trên thị trường như “làng May 10”, làng Cổ Nhuế… nếu các doanh nghiệp như Việt Tiến, May 10 phát hiện sản phẩm của họ bị làm giả thì cứ gửi đơn khiếu nại. Chúng tôi hiện chưa nhận được phản ánh của doanh nghiệp về những làng nghề đó, có nghĩa là nó chưa đến mức nghiêm trọng.
Việc bày bán áo phông Lacoste “nhái” hay các loại áo mang nhãn hiệu nước ngoài ở nhiều nơi cũng vậy, phải có yếu tố đơn thư chúng tôi mới có thể vào cuộc. Biết đâu được những sản phẩm ấy đã được chuyển giao thương hiệu? Quyền lợi của người tiêu dùng chỉ được đảm bảo khi chất lượng hàng hóa đảm bảo.
Một vấn đề được quy định rất rõ trong Luật Sở hữu trí tuệ là chỉ có thể kiểm tra (không cần đơn khiếu nại của doanh nghiệp) đối với những mặt hàng có tính chất ảnh hưởng đến “an sinh xã hội”, như vệ sinh an toàn thực phẩm, tân dược…
Hàng may mặc không thuộc danh mục này. Nếu có, công tác kiểm tra chỉ tập trung phát hiện vi phạm về nhãn hiệu, như không chú thích rõ nơi sản xuất, ngày sản xuất, thành phần - chất liệu vải. Việc hàng hóa sản xuất trong nước mà đính nhãn mác nước ngoài cũng là hành vi vi phạm. Song thực tế, lực lượng Quản lý thị trường không đủ người để có thể bao quát hết mọi vấn đề, sai phạm.
Ông Phạm Bá Dục (Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội)
“Luật chưa đảm bảo năng lực hội nhập”
Trong gần 2 năm qua đi vào đời sống, Luật Sở hữu trí tuệ cho thấy những bước “lùi”, chậm so với thực tế. ở góc độ quản lý Nhà nước, có thể nói Luật Sở hữu trí tuệ chưa tạo được sự chủ động cho cơ quan thực thi pháp luật. Khái niệm những mặt hàng có tính chất “an sinh xã hội” rất rộng.
Những chiếc áo sơ mi bị làm giả, áo phông nhái, đính nhãn mác nước ngoài đúng là không gây chết người, nhưng nó sẽ tạo ra một hình ảnh thiếu lành mạnh về thị trường may mặc Việt Nam với quốc tế. Điều này sẽ gây khó khăn cho các doanh nghiệp chân chính khi ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu với đối tác nước ngoài.
Năm 2007, chúng tôi cùng đại diện hãng Lacoste mở cuộc điều tra đồng loạt về tình trạng hàng giả, hàng nhái ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Nhận xét được rút ra là, Việt Nam cùng Trung Quốc, Thái Lan là 3 quốc gia “đứng đầu” châu á về sản phẩm Lacoste nhái, giả!
Từ việc không tạo được sự chủ động của cơ quan thực thi pháp luật, Luật Sở hữu trí tuệ cũng không định hình được trong ý thức người dân mức độ vi phạm của họ. Không quá để nói rằng, văn bản pháp quy Sở hữu trí tuệ hiện nay không những không đảm bảo năng lực hội nhập, mà còn buộc các doanh nghiệp chân chính phải đi theo con đường: tự cứu mình trước khi “Trời” cứu!
(Đại diện một công ty chuyên bảo vệ quyền Sở hữu trí tuệ - đề nghị không nêu tên)