Xung lực mới trong hợp tác kinh tế - thương mại Việt Nam - Singapore

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Singapore phát triển tích cực và là hai nền kinh tế mang tính bổ trợ cao. Với vị trí địa lý đặc thù, Singapore là trạm trung chuyển thương mại của thế giới; Việt Nam là nước sản xuất, xuất khẩu mới nổi với nhiều sản phẩm có năng lực cạnh tranh nhưng thương mại song phương vẫn chưa tương xứng. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Singapore của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc kỳ vọng tạo ra xung lực mới trong quan hệ hai nước, nhất là trong bối cảnh một loạt hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới (FTA) có sự tham gia của Việt Nam và Singapore có hiệu lực, đi vào triển khai.
  1. Tiềm năng mạnh ở một thương cảng tự do lớn

Đại dịch Covid-19 hoành hành đã tác động đến các nền kinh tế, trong đó có Việt Nam và Singapore. Tuy nhiên, tổng kim ngạch thương mại giữa hai nước vẫn đạt 8,3 tỷ USD năm 2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Đặc biệt, ngay trong tháng đầu năm mới 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt 783,9 triệu USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2021. Đáng lưu ý, tính đến tháng 2-2022, Singapore đầu tư tại Việt Nam với 2.860 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký đạt 66 tỷ USD. Đây là nhà đầu tư lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN, đứng thứ 2/140 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Quy mô đầu tư bình quân 1 dự án là trên 23 triệu USD, cao hơn mức đầu tư trung bình là 11,9 triệu USD/dự án. Không những thế, trong năm 2021, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 10,7 tỷ USD, chiếm 34,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Các nhà đầu tư Singapore đã tham gia vào 18/21 ngành, tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo; kinh doanh bất động sản; sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa. Singapore đã có dự án đầu tư tại 51 tỉnh, thành phố của Việt Nam.

“Theo tôi, có hai lĩnh vực nổi bật trong quan hệ hai nước thời gian tới. Thứ nhất, chúng ta cần đẩy nhanh hợp tác về kinh tế số. Đây là ưu tiên đối với cả Singapore lẫn Việt Nam, bao gồm nhiều lĩnh vực mới như an ninh mạng, thành phố thông minh, đổi mới sáng tạo, trí tuệ nhân tạo và thanh toán số. Covid-19 đã làm nổi bật vai trò quan trọng của thương mại số và thương mại điện tử trong việc đảm bảo sự phục hồi của chuỗi cung ứng và tính liên tục của hoạt động kinh doanh. Thứ hai, là phát triển bền vững. Giống như Covid-19, biến đổi khí hậu là vấn đề mang tính toàn cầu chỉ có thể được giải quyết thông qua nỗ lực tập thể của các chính phủ và người dân trên toàn thế giới. Singapore mong muốn hợp tác với Việt Nam khi gia tăng đầu tư vào cơ sở hạ tầng bền vững và năng lượng tái tạo, với mục tiêu đầy tham vọng là đạt được không phát thải khí carbon vào năm 2050”.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Singapore ViVian Balakrishnan

Theo phân tích của giới chuyên gia, Singapore là một thị trường tương đối nhỏ nhưng là một thương cảng tự do lớn, gần như không có hạn chế nào về nhập khẩu. Hiện nay, hơn 99% hàng nhập khẩu vào Singapore đều được miễn thuế, trừ một số mặt hàng như ô tô, xăng dầu, rượu và thuốc lá. Đây cũng là nơi tập trung nhiều công ty đa quốc gia, thương mại, logistics lớn của Đông Nam Á và toàn cầu. Hiện nay, có đến 21 trong số 25 nhà cung cấp dịch vụ logistics hàng đầu thế giới có trụ sở tại Singapore, đồng thời đây cũng là một trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế lớn, là cửa ngõ rất quan trọng của châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng. Hệ thống cảng biển Singapore hiện được kết nối với 600 cảng tại 123 quốc gia, thông qua 200 tuyến vận chuyển. Có khoảng 5% lượng hàng được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng.

Tuy nhiên, thị trường này đòi hỏi rất cao về chất lượng hàng hóa. Dù khoảng cách địa lý giữa Singapore và Việt Nam không xa nhưng chưa nhiều mặt hàng của Việt Nam trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm và hàng tiêu dùng có thể thâm nhập vào quốc đảo này. Xuất khẩu hàng hóa vào Singapore ngoài phục vụ người tiêu dùng bản địa, các doanh nghiệp Việt Nam còn có cơ hội lớn hơn là tiếp cận được những đối tác, người mua, khách hàng quốc tế đang hiện diện tại nước này.

Nhận định từ các chuyên gia cho thấy, thị trường thương mại điện tử của Singapore có độ mở lớn đối với hàng hóa nước ngoài, có xu hướng tiêu dùng xuyên biên giới mạnh mẽ. Do đó, các sản phẩm nông sản, thực phẩm của Việt Nam có thể thâm nhập thị trường hoặc thử thị trường, thị hiếu, gu của người tiêu dùng Singapore thông qua thương mại điện tử. Mặt khác, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore cần tận dụng lợi thế từ các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) mà hai nước đã tham gia như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) để thúc đẩy doanh nghiệp hai nước hợp tác trên nhiều lĩnh vực. Đặc biệt là hai nước duy nhất trong khu vực có các Hiệp định toàn diện với EU và Vương quốc Anh, Việt Nam và Singapore có thể bổ trợ để cùng khai thác và thâm nhập vào các thị trường này.

Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam -Singapore đạt gần 8,3 tỷ USD năm2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tính tháng 1-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 triệu USD (TTXVN)

Tổng kim ngạch thương mại giữa Việt Nam -Singapore đạt gần 8,3 tỷ USD năm2021, tăng 23,3% so với năm 2020. Ước tính tháng 1-2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 700 triệu USD (TTXVN)

Cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang Singapore tương đối bền vững

Theo Bộ Công Thương, thời gian qua cơ cấu hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Singapore tương đối bền vững với các mặt hàng có kim ngạch cao. Cụ thể như máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; phương tiện vận tải và phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông, thủy sản là những mặt hàng tiềm năng mà Việt Nam có thế mạnh để thúc đẩy xuất khẩu như gạo, rau, củ, quả, thủy sản... Đặc biệt, các loại gạo chính Việt Nam xuất khẩu sang Singapore là gạo nếp, gạo trắng, gạo vỡ, gạo đồ.

Bộ Công Thương cho biết thêm ngoài những mặt hàng đang có mặt tại các hệ thống siêu thị của Singapore như vải, hồng xiêm, chanh leo, Singapore còn quan tâm đến quả vú sữa, nhãn, mãng cầu, các loại rau lá, đậu bắp, bí, dưa chuột của Việt Nam. Đáng chú ý, Việt Nam là nước xuất khẩu thủy sản đứng thứ 4 sang Singapore, chiếm 12% tổng nhập khẩu thủy sản của Singapore từ các đối tác. Các mặt hàng cá philê đông lạnh và cá chế biến của Việt Nam luôn duy trì thị phần tại Singapore trên 20%. Ngoài ra, Singapore rất quan tâm đến các mặt hàng thủy sản cao cấp như: tôm mũ ni, tôm càng xanh, tôm hùm, cá mú, thủy hải sản khô, thủy hải sản đóng hộp và các sản phẩm thủy hải sản chế biến.

Thống kê cho thấy, sau 2 tháng năm 2022, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu song phương giữa Việt Nam và Singapore ước đạt 1,3 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2021. Các mặt hàng xuất khẩu chính gồm máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác; điện thoại các loại và linh kiện; thủy tinh và các sản phẩm thủy tinh; xăng dầu các loại; gạo; rau, quả; thủy sản... Ở chiều ngược lại, trong 2 tháng qua nhập khẩu của Việt Nam từ Singapore ước đạt 643 triệu USD, giảm 2,3% so với cùng kỳ năm 2021. Theo đó, các mặt hàng nhập khẩu chính gồm máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng, máy vi tính, sản phẩm linh kiện và điện tử; hóa chất; chất thơm, mỹ phẩm và chế phẩm vệ sinh; chất dẻo nguyên liệu; xăng dầu các loại; sản phẩm khác từ dầu mỏ.

Tận dụng lợi thế

Giới chuyên gia phân tích, thị trường Singapore rất thích hợp để các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ có thể thử nghiệm tham gia thương mại xuyên biên giới. Doanh nghiệp Việt Nam có thể tự thành lập công ty ở Singapore hoặc tìm nhà nhập khẩu Singapore để tự làm các thủ tục, đưa hàng vào hệ thống bán lẻ - thương mại điện tử. Về FTA giữa Việt Nam với EU và Vương quốc Anh, FTA giữa Singapore với EU và Vương quốc Anh, thì FTA Việt Nam với EU loại bỏ các dòng thuế từ 3-7 năm kể từ ngày Hiệp định có hiệu lực, dài hơn so với thời gian 3 năm của FTA Singapore - EU. Đối với FTA Việt Nam - Vương quốc Anh tương tương FTA Singapore - Vương quốc Anh bởi cả EU và Anh đều không áp dụng hạn ngạch thuế quan và quy tắc cộng gộp với thực phẩm chế biến từ Việt Nam. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam và Singapore có thể hợp tác sử dụng hạn ngạch thuế quan về sản phẩm thực phẩm chế biến mà EU, Anh đã cấp cho Singapore; hợp tác tạo ra chuỗi giá trị theo phương thức sản xuất thiết bị gốc để mở rộng xuất khẩu sang nhiều quốc gia khác. Ngoài ra, doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác để tạo sự hiện diện thương mại, chế biến thực phẩm để xuất khẩu.