Xuất phát điểm 2011
(ANTĐ) - Năm 2011 được coi là điểm xuất phát của một chặng đường dài 5 năm phát triển kinh tế xã hội của đất nước với ba sức bật mới. Mới về nhận thức tư duy, mới về nguồn lực và mới về kế hoạch, chương trình hành động. Đánh giá chính xác khách quan những kết quả đã đạt được trong những năm vừa qua, thấy rõ những hạn chế yếu kém cần vượt qua và với quyết tâm chính trị, đất nước sẽ có cơ hội mới hứa hẹn năm 2011 tiếp tục đổi mới và phát triển sang một giai đoạn mới.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, Chính phủ đã có những đánh giá toàn diện và khá sâu sắc về những mặt được cũng như chưa được trong công tác điều hành kinh tế - xã hội. Chính phủ đã nhận thức đúng đắn kết quả đạt được trong năm 2010 làm tiền đề rất quan trọng cho những năm tới, đã phân tích rất thấu đáo khó khăn cũng như cơ hội trong năm 2011 này. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là liệu chúng ta có quyết tâm mạnh mẽ và vượt qua được những thử thách cam go đó hay không? Mà thách thức không phải là ít, không thể né tránh và không chỉ phải khắc phục trong ngắn hạn, mà còn phải kiên trì khắc phục trong trung và dài hạn.
Bởi năm 2011 không đơn thuần là một “cuộc chạy” nước rút đây là cuộc chạy việt dã đường trường mà phía trước có rất nhiều thử thách, khó khăn. Khó khăn lớn nhất và cũng là khó khăn đòi hỏi nỗ lực nhiều nhất đối với nền kinh tế đất nước chính là cấu trúc của nền kinh tế đang làm cho thế và lực của kinh tế còn hạn chế và bất lợi trong nội tại, đuối sức trong hội nhập và cạnh tranh. Cấu trúc của nền kinh tế nước ta đã được các chuyên gia “nội soi” là cấu trúc kinh tế thị trường chuyển đổi chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và chưa hoàn chỉnh kể cả về các lực lượng tham gia thị trường lẫn các thể chế chính sách.
Có thể nói, “căn bệnh” cơ cấu là khá trầm trọng vì phát triển chủ yếu dựa vào đầu tư vốn mà vốn ngân sách là chính, dựa vào khai thác tài nguyên khoáng sản, xuất khẩu nguyên liệu thô và gia công lắp ráp là chủ yếu. Chính vì vậy, giá trị gia tăng, năng suất lao động, hiệu quả thấp, tiêu tốn nhiều tài nguyên, năng lượng và gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Các yếu tố vĩ mô đang tích tụ tiềm ẩn nhiều bất ổn phải xử lý trong một thời gian nhất định như bội chi ngân sách nhà nước cao, nợ công lớn; đầu tư xây dựng cơ bản dàn trải kéo dài và kém hiệu quả như một “căn bệnh” mãn tính khó chữa trị.
Áp lực lạm phát ở mức cao gây nhiều bất lợi, thâm hụt cán cân thanh toán, nhập siêu lớn, dự trữ ngoại hối thấp, theo ý kiến của ông Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, đang là những chướng ngại vật lớn nếu không có định hướng đúng, giải pháp hữu hiệu và quyết tâm cao thì sẽ khó vượt qua trong 5 năm tới. Rõ ràng tái cấu trúc nền kinh tế là khó khăn trước hết ở xuất phát điểm 2011. Ngay sau đó là khó khăn về áp lực cạnh tranh ngày càng lớn.
Nước ta ở trong khu vực đang phát triển năng động, khu vực có nhiều nền kinh tế mới nổi. Thế nhưng trong cuộc chạy đua cạnh tranh gay gắt này, nước ta lại ở xuất phát điểm thấp so với các “đối thủ” khác có trình độ cao hơn, tiềm lực mạnh hơn. Hệ thống giao thông, bến cảng và các hạ tầng dịch vụ còn nhiều yếu kém, chi phí đầu vào cao…
Biết mình biết người, biết rõ xuất phát điểm của nền kinh tế còn nhiều bất cập, yếu kém, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác là tìm cách vượt lên chính mình để đuổi kịp các quốc gia trong khu vực và vươn lên. Vượt lên chính mình khó nhất là thể chế chính sách pháp luật, cơ chế hành chính theo yêu cầu kinh tế thị trường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đây cũng là trở ngại lớn nhất đặt ra ở xuất phát điểm năm 2011 và những năm tiếp theo.
Đan Thanh