Xuất hiện tình trạng làm giả hồ sơ để trục lợi tiền hỗ trợ học nghề

ANTD.VN - Những năm gần đây, tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ bảo hiểm thất nghiệp diễn ra ở nhiều tỉnh, thành phố. Tình trạng này dẫn đến sự mất công bằng trong thụ hưởng.

 

Trục lợi từ bảo hiểm thất nghiệp dẫn đến công bằng trong thụ hưởng

Từ khi chính sách bảo hiểm thất nghiệp được thực hiện đã tăng cường đảm bảo công tác an sinh xã hội cho người người lao động nhất là khi họ bị mất việc làm. Thực tế, bảo hiểm thất nghiệp đã giúp người lao động vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống và giúp họ sớm quay lại thị trường lao động.

Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện, đã xuất hiện không ít trường hợp lợi dụng để trục lợi quỹ, gây thất thoát nguồn quỹ và tạo sự mất công bằng trong thụ hưởng bảo hiểm thất nghiệp.

Hình thức trục lợi bảo hiểm thất nghiệp phổ biến là không thông báo với Trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định khi người lao động có việc làm hoặc thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề. 

Để hạn chế tình trạng trên đồng thời tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật của người lao động, Bộ LĐ-TB&XH đang đề xuất xử phạt bằng tiền đối với những hành vi trục lợi bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, tại dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đến 1 triệu đồng đối với người lao động có hành vi thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT; hoặc tham gia không đúng mức quy định.

Người sử dụng lao động bị phạt tiền từ 12%-15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng, khi có hành vi chậm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm thất nghiệp, BHYT..

Các hành vi trục lợi bảo hiểm thất nghiệp như tìm được việc làm mới nhưng không khai báo với Trung tâm giới thiệu việc làm, thỏa thuận với cơ sở đào tạo nghề làm giả hồ sơ để trục lợi số tiền hỗ trợ học nghề nếu bị phát hiện, người lao động sẽ bị phạt từ 1-2 triệu đồng.

Bên cạnh các quy định trên, dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng cũng quy định rõ hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực lao động; bảo hiểm xã hội; đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng…