Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) vừa có thông tin cảnh báo khách hàng về thủ đoạn lừa đảo vay vốn.
Theo đó, MB cho biết, thời gian gần đây Ngân hàng đã phát hiện một số nhóm đối tượng xấu sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi, giả danh hiệu MB nhằm lừa đảo, chiếm đoạt tiền của khách hàng.
Phương thức chung của các hình thức lừa đảo này là đối tượng tự soạn thảo công văn giả mạo MB, giả mạo chữ ký và con dấu của chi nhánh MB.
Nội dung công văn như sau: Ngân hàng đang liên kết với 1 công ty cho vay (Công ty Vay Việt). Trong quá trình thẩm định hồ sơ cho vay của khách hàng, Ngân hàng phát hiện một số dấu hiệu nghi ngờ với tài khoản của khách hàng như: Số tài khoản bị sai, Tài khoản có dấu hiệu giả mạo/lừa đảo. Sau đó yêu cầu khách hàng chuyển tiền vào tài khoản được chỉ định trong công văn giả mạo để được tiếp tục vay tiền.
Các ngân hàng liên tục cảnh báo các thủ đoạn giả mạo ngân hàng, song vẫn nhiều người "sập bẫy" |
Thông báo của MB nêu rõ, MB không có cơ chế liên hết với Công ty Vay Việt để cho vay khách hàng. Đồng thời, MB không yêu cầu khách hàng chuyển khoản trước 1 khoản tiền trong quá trình thẩm định vay.
Vì vậy, MB khuyến cáo khách hàng tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, không thực hiện chuyển khoản hoặc cung cấp thông tin OTP cho đối tượng lạ.
Khi có bất kỳ nghi vấn nào liên quan đến hành vi lừa đảo giao dịch, MB khuyến cáo khách hàng liên hệ với đường dây nóng của Ngân hàng.
Gần đây, thủ đoạn lừa đảo giả mạo ngân hàng hoặc giả mạo tin nhắn thương hiệu của ngân hàng ngày càng phổ biến khiến người dùng sập bẫy và mất tiền.
Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) mới đây cũng đã tiếp tục cảnh báo hình thức lừa đảo mạo danh tin nhắn thương hiệu ngân hàng này. Theo đó, thủ đoạn là tội phạm sẽ gửi tin nhắn đến từ đầu số mạo danh thương hiệu Vietcombank thông báo “tài khoản khách hàng đã bị khóa” và lừa khách hàng bấm vào đường link giả mạo để chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Để khách hàng không mắc bẫy, Vietcombank cho biết, Ngân hàng chỉ có duy nhất 01 địa chỉ website tại đường dẫn: https://vietcombank.com.vn/.
Đồng thời, Vietcombank không yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin cá nhân qua các kênh như tin nhắn SMS, email, phần mềm chat (Zalo, Viber, Facebook messenger…). Do đó, khách hàng tuyệt đối không bấm vào đường link khi nhận được các thông tin dạng này.
Trường hợp đã bấm vào đường link và tiết lộ thông tin, khách hàng nên chủ động thực hiện các biện pháp khóa dịch vụ khẩn cấp…