- Loạn thông tin về bắt cóc trẻ em, trộm chó - ứng xử sao để khỏi vào tù?
- Cảnh báo viên nước giặt trông giống kẹo gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ
- Thực đơn 360 món ăn không lặp lại cho bữa trưa của học sinh

Thủy ngân trong nhiệt kế không thực sự nguy hiểm, thế nhưng cha mẹ vẫn cần giám sát con khi cặp nhiệt độ
Mới đây, chị Nguyễn Thị Thủy (Gia Lâm, Hà Nội) gần như đứng tim khi không may để con nuốt phải thủy ngân có trong nhiệt kế. Theo chị Thủy, mấy hôm trước, con trai chị 4 tuổi bị sốt virus. Chị Thủy dùng nhiệt kế thủy ngân để cặp nhiệt độ cho con. Thấy con hợp tác, ngoan ngoãn khi cặp nhiệt độ, chị chủ quan đi làm việc khác. Chưa đầy 3 phút sau, cu cậu khóc lóc cầm chiếc nhiệt kế đưa cho chị. Thì ra, nhân lúc mẹ không để ý, bé đã đưa nhiệt kế lên miệng và cắn vỡ.
Ngay lập tức, chị Thủy đưa bé vào khoa Chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương. May mắn là bé không nuốt mảnh thủy tinh vào bụng, cũng không hít phải thủy ngân ở phổi mà lượng thủy ngân này lại nằm trọn trong ổ bụng. Vì thế, bác sĩ đã tiến hành thụt, cho uống thuốc nhuận tràng để đào thải nhanh.
Hít phải thủy ngân có thể gây ngộ độc, tử vong
Theo PGS.TS Trần Hồng Côn, khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, thủy ngân có trong nhiệt kế là thủy ngân vô cơ. Vì thế, nếu trẻ con nuốt phải số lượng ít có trong nhiệt kế thì không đáng lo, do nó có thể đào thải ra ngoài qua đường tiêu hóa.
“Thủy ngân chỉ gây nguy hiểm khi hít phải. Khi đó, thủy ngân sẽ nhanh chóng được hấp thu qua đường hô hấp, qua các phế nang đi vào trong máu, thận, hệ thần kinh và dễ gây ngộ độc”, PGS.TS. Trần Hồng Côn nói.
“Dù thủy ngân trong nhiệt kế không thực sự nguy hiểm, thế nhưng, cha mẹ vẫn cần giám sát con khi cặp nhiệt độ, nếu không, rất có thể bé sẽ hít phải. Lúc này, nó sẽ vô cùng nguy hiểm. Cũng vì lý do này mà khi con cắn vỡ nhiệt kế, cha mẹ cần đưa đến bệnh viện để kiểm tra xem con đã hít phải khí này chưa”.
PGS.TS. Trịnh Hồng Côn (Khoa Hóa học, trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội)
Theo PGS.TS. Trần Hồng Côn, hít phải thủy ngân có thể gây viêm phổi nặng cấp tính. Lúc này, nạn nhân có biểu hiện ho, khó thở, đau tức ngực. Trong một số trường hợp có thể gây ngộ độc cấp tính và tử vong nếu tiếp xúc với thủy ngân nhiều.
PGS.TS. Trần Hồng Côn cho biết, trong trường hợp trẻ cắn phải nhiệt kế có chứa thủy ngân thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới cơ sở y tế. Trên thực tế, trẻ nuốt thủy ngân không nguy hiểm bằng nguy cơ trẻ nuốt phải các mảnh vỡ nhiệt kế nên cha mẹ không cần quá lo lắng.
Tránh để thủy ngân phân tán ra không khí
Nếu trong trường hợp bị vỡ nhiệt kế thì cần nhanh chóng đưa trẻ tới một vị trí khác để tránh nguy cơ trẻ hít phải hơi bốc của thủy ngân. Ngay sau đó, bố mẹ cần thu các mảnh vỡ và thủy ngân trên mặt đất bằng cách dùng bông ướt. Khi làm cần phải nhẹ nhàng để tránh các hạt thủy ngân bị phân li, chia thành nhiều hạt nhỏ. Bông ướt này sau đó phải được cho vào túi nilon, vứt vào thùng phân loại rác, tránh vứt xuống đất, hoặc rạch nước sẽ ảnh hưởng tới môi trường xung quanh cũng như mạch nước ngầm.
Sau khi thu dọn hết các mảnh vỡ nên mở cửa phòng, bật quạt để phòng được thông thoáng. Trong trường hợp thủy ngân dính vào quần áo, bạn cần ngâm quần áo trong nước lạnh 30 phút, ngâm thêm 30 phút nữa trong nước xà phòng ở nhiệt độ 70 - 80 độ. Sau đó ngâm 20 phút trong nhiệt độ cao trong nước pha hóa chất và xả bằng nước lạnh.
Riêng với trường hợp trẻ cắn vỡ nhiệt kế, cha mẹ tuyệt đối không nên móc họng hoặc ép trẻ nôn ra. Cách làm đó có thể làm cho các mảnh vụn thủy tinh gây trầy xước trong cơ thể. Trong trường hợp trẻ nuốt phải mảnh vụn thủy tinh có thể tăng nguy cơ bị thủng ruột.
Nếu trẻ chỉ nuốt phải thủy ngân sẽ được các bác sĩ cho uống các thuốc nhuận tràng để cơ thể có thể nhanh chóng đào thải chất này qua đường tiêu hóa. Thế nên, cha mẹ không cần quá lo lắng. “Dù thủy ngân trong nhiệt kế không thực sự nguy hiểm, thế nhưng, cha mẹ vẫn cần giám sát con khi cặp nhiệt độ, nếu không, rất có thể bé sẽ hít phải loại khí đó. Lúc này, nó sẽ vô cùng nguy hiểm. Cũng vì lý do này mà khi con cắn vỡ nhiệt kế, cha mẹ cần đưa đến bệnh viện để kiểm tra xem con đã hít phải khí này chưa”, PGS.TS Trịnh Hồng Côn nhấn mạnh.