Xử lý lãng phí của công trước hết phải từ người đứng đầu cơ quan, đơn vị

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 25-5, Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, lãng phí là tệ nạn của một quốc gia. Do đó, cần có biện pháp mạnh với những người đứng đầu cơ quan để xảy ra lãng phí của công, thất thoát tài sản Nhà nước.

P.V: Một trong những nội dung Quốc hội thảo luận tổ sáng 25-5 là vấn đề thực hành tiết kiệm chống lãng phí và nạn tham nhũng. Ông đánh giá thế nào về sự quan trọng của nội dung này?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Thời gian qua dịch Covid-19 hoành hành khiến nền kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, tinh thần bị ảnh hưởng. Mặc dù Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng trung ương đã vào cuộc với quyết tâm cao và sắp tới sẽ thành lập Ban chỉ đạo tại các địa phương nhưng tình trạng tham nhũng lãng phí chưa được xử lý triệt để.

Chống tham nhũng, lãng phí là vấn đề rất quan trọng có tính phòng ngừa để những người thực thi nhiệm vụ không dám, không muốn, không ham, không làm. Lãng phí nghiêm trọng tương đương tham nhũng, nếu chính phủ tổng kết vấn đề lãng phí trên các lĩnh vực thì số tiền thất thoát ngân sách Nhà nước từ lãng phí không phải là nhỏ.

Nhiệm vụ căn cơ cốt lõi sắp tới là cần có giải pháp chống lãng phí trong đầu tư công, chi tiêu, chi thường xuyên, mua sắm, xây dựng…nhằm ngăn chặn việc mất thời gian, tiền của Nhà nước, ảnh hưởng đến tâm tư tình cảm lòng tin của người dân.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội

P.V: Quan điểm của đại biểu về cơ chế xử phạt đối với tổ chức cá nhân gây lãng phí?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Cốt lõi để người thực hiện không dám để xảy ra lãng phí là phải xử lý nghiêm minh. Trước hết, lãng phí của công tài sản của Nhà nước phải xử lý từ người đứng đầu của cơ quan đơn vị, sau đó tới người trực tiếp có sai phạm. Cần có cơ chế xử lý mạnh hơn mang tính răn đe, phòng ngừa là truy cứu trách nhiệm hình sự với trường hợp gây lãng phí, thất thoát tài sản của công bị Thanh tra vào cuộc, đã rõ vi phạm chứ không chỉ phạt hành chính như phạt tiền, buộc thôi việc, cách chức…

P.V: Ông đánh giá thế nào về nỗ lực của Chính phủ trong ổn định tình hình kinh tế những tháng đầu năm?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Tôi đánh giá cao vai trò điều hành linh hoạt, sáng tạo của Thủ tướng Chính phủ và Chính phủ, dù dịch bệnh phức tạp nhưng với quyết tâm cao, Chính phủ đã quyết liệt thực hiện chương trình phục hồi kinh tế, ổn định đời sống của nhân dân, GDP tăng, xuất khẩu cũng tăng cao, các doanh nghiệp trên đà phục hồi, hàng nghìn doanh nghiệp được thành lập mới hoặc hoạt động trở lại…

P.V: Theo ông, những thách thức của nền kinh tế từ nay đến cuối năm là gì?

Đại biểu Phạm Văn Hòa: Dù GDP tăng, thu ngân sách cao so với cùng kỳ nhưng chủ yếu từ bán dầu thô (dầu thô tăng giá), từ bất động sản, thuế thu nhập cá nhân. Trong đó điều quan trọng để phục hồi nền kinh tế ổn định là thu từ sự đóng góp từ các doanh nghiệp, các nhà sản xuất kinh doanh. Đó là thách thức cần Chính phủ và các bộ nganh điều hành linh hoạt để kích thích tiêu dùng, sản xuất kinh doanh, kêu gọi đầu tư trong và ngoài nước, phục hồi hoạt động doanh nghiệp và phát triển doanh nghiệp mới, giải quyết căn cơ vấn đề việc làm và người lao động.

Ngoài ra cần quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, ổn định giá vật tư đầu vào và giá nông sản đầu ra cũng là vấn đề quan trọng, từ đó ổn định được đời sống của người dân.

Một vấn đề nữa cần quan tâm là tín dụng. Nguy cơ vỡ nợ tín dụng sau khi phục hồi kinh tế khá cao. Thời gian qua có nhiều doanh nghiệp lớn vỡ nợ, dừng sản xuất kinh doanh dễ dẫn đến tình trạng nợ xấu nên cần có sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của Chính phủ để kiềm chế lạm phát và nợ xấu của tín dụng.