Xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng

(ANTĐ) - Thực hiện lời hứa trước HĐND TP, ngay sau kỳ họp thứ 22, UBND TP Hà Nội đã bắt tay ngay vào bàn giải pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại. Thông tin mới nhất cho biết, thành phố dự kiến sẽ thu hồi tất cả những diện tích đất mỏng, méo, không đủ điều kiện xây dựng trên toàn thành phố...

Xử lý dứt điểm nhà siêu mỏng

(ANTĐ) - Thực hiện lời hứa trước HĐND TP, ngay sau kỳ họp thứ 22, UBND TP Hà Nội đã bắt tay ngay vào bàn giải pháp xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo đang tồn tại. Thông tin mới nhất cho biết, thành phố dự kiến sẽ thu hồi tất cả những diện tích đất mỏng, méo, không đủ điều kiện xây dựng trên toàn thành phố...

Nhà... 1m2

Gần như tất cả các quận nội thành và một số huyện giáp ranh như Từ Liêm, Thanh Trì... đều có hiện tượng nhà siêu mỏng, siêu méo. Thậm chí có ngôi nhà kỳ dị với diện tích… 1m2, tức chỉ tồn tại dưới dạng một bức tường(!). Không chỉ là thửa đất trống hay nhà cấp 4, nhiều “nhà” đã được xây dựng kiên cố 3-4 tầng và đã sử dụng để ở, kinh doanh, buôn bán từ nhiều năm nay.

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, ông Nguyễn Khắc Thọ cho biết, phần lớn các nhà siêu mỏng, siêu méo đều xuất hiện sau khi GPMB các công trình giao thông. Ông Nguyễn Khắc Thọ nói: “Các chủ đầu tư chỉ thu hồi đất theo chỉ giới mở đường. Phần ngoài chỉ giới không quan tâm nên mới có nhà siêu mỏng, siêu méo...”.

Nhà siêu mỏng chữ T kỳ lạ dưới chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng

Nhà siêu mỏng chữ T kỳ lạ dưới chân cầu Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng

Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cũng thừa nhận, có tình trạng này là do giá đất sau khi GPMB thường tăng cao nên người dân cố tình không chấp hành pháp luật. Thêm vào đó, chính quyền cũng chưa vào cuộc ngăn chặn kịp thời cũng như thành phố chưa có chế tài xử lý đủ mạnh. Theo Sở Xây dựng, hầu hết các trường hợp vi phạm tới nay đều đã bị đình chỉ thi công, song cũng mới có 2 trường hợp bị cưỡng chế dỡ bỏ công trình siêu mỏng tại quận Thanh Xuân và Tây Hồ.

Là địa phương có số nhà siêu mỏng tồn tại nhiều nhất thành phố (62 trường hợp), Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Xuân Đặng Hồng Thái cho biết, dù quận tuyệt đối không cấp phép nhưng người dân vẫn lén lút xây và cư trú trong nhà siêu mỏng. Ông nói: “Khi thu hồi đất làm đường đã không tính tới diện tích còn lại sau cắt xén nên quận, huyện xử lý rất khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý...”.

Đứng thứ hai trong danh sách, Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình, ông Nguyễn Thế Công cho biết, quận có 44 trường hợp nhà siêu mỏng, siêu méo. Đa số nằm trên các đường Đào Tấn, Kim Mã, Liễu Giai, Văn Cao... Trong đó, phường Liễu Giai nhiều nhất, có tới 22 trường hợp.

Sẽ thu hồi hết?

Nhiều quận, huyện cho rằng, nếu thành phố đồng ý chủ trương cho thu hồi các diện tích đất, nhà có kích thước hình học không phù hợp, các quận, huyện sẽ xử lý dứt điểm được nạn nhà siêu mỏng, siêu méo. Tuy vậy, cũng có những ý kiến tỏ ra thận trọng.

Ông Nguyễn Thế Công cho rằng, phải có cơ sở pháp lý vững chắc để thu hồi đất ngoài chỉ giới mở đường, nếu không có thể sẽ phát sinh khiếu kiện gay gắt. Cùng với đó, phải tính toán được phương án tái định cư khi thu hồi đất. Ông nói: “Diện tích đất còn lại rất ít, có khi chỉ vài m2, vậy với số tiền bồi thường, người đang ở đó có đủ mua nhà tái định cư? Việc này phải tính kỹ vì không có chỗ ở mới thì không thể GPMB được...”.

Phó Chủ tịch UBND quận Ba Đình cho rằng, phải thay đổi tư duy, cách làm khi thu hồi đất GPMB mới mong chấm dứt hẳn nạn nhà siêu mỏng. Ngoài ra, việc sử dụng diện tích đất sau khi thu hồi như thế nào cũng không đơn giản. Nhiều quận, huyện cho rằng, vì diện tích rất nhỏ nên làm ki-ốt bán hàng hay vườn hoa, tiểu cảnh không khả thi. Trong khi đó, việc tổ chức đấu giá hay bán lại cho hộ phía trong cũng rất khó bởi sẽ nảy sinh khiếu kiện.

Ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai nói: “Phần đất còn lại có khi chỉ 1 - 2m2 nên quận chẳng biết dùng vào việc gì. Đấu giá cũng không được. Chỉ còn cách ấn định một giá nào đó, rồi bán cho hộ phía trong nhưng nếu có chênh lệch, dân sẽ khiếu kiện ngay...”. Ông Nguyễn Kim Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Từ Liêm chia sẻ: “Đúng là chịu, không biết dùng vào việc gì. Vì cứ nói là sử dụng theo quy hoạch nhưng đã có tuyến phố nào có quy hoạch hai bên tuyến đâu!”.

"Chốt" lại vấn đề, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội, ông Phí Thái Bình giao các quận, huyện rà soát, thống kê, đánh giá tồn tại liên quan đến vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, bao gồm cả công trình lẫn quỹ đất có diện tích không đủ điều kiện xây dựng.

Sau đó quận, huyện lên phương án GPMB toàn bộ các công trình, phần đất này, theo hướng phân loại công trình trước thời điểm năm 2005 và sau 2005. Đồng thời, có phương án vận động nhân dân đồng thuận, chấp hành chủ trương của TP và phương án xử lý sau GPMB.

Đối với những dự án đang triển khai, ông Phí Thái Bình cho biết, TP sẽ chỉ đạo chủ đầu tư rà soát, thu hồi luôn diện tích đất còn lại có diện tích nhỏ không đủ điều kiện xây dựng để ngăn chặn nhà siêu mỏng, siêu méo theo quy định. Tuy nhiên, trách nhiệm GPMB là của địa phương, do vậy, quận, huyện phải tham gia kiểm đếm, báo cáo TP nếu chủ đầu tư không thực hiện triệt để.

Ông Phí Thái Bình giao Sở Xây dựng dự thảo văn bản chỉ đạo giải quyết nhà siêu mỏng, siêu méo trình UBND TP ban hành trước 10-1-2011. Đồng thời, giao Sở QH-KT Hà Nội hoàn thành Quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc hai bên tuyến phố trước 30-1-2011. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh: "Đây là việc khó nhưng kiên quyết phải làm. Có quyết tâm, có chỉ đạo quyết liệt thì không có việc gì không làm được".

Chính Trung