Xử lý 39 trường hợp vi phạm giao thông từ tin nhắn của người dân qua Zalo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sau hơn một tháng phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các vi phạm về TTATGT”, trang Zalo Phòng CSGT Hà Nội đã nhận được 1.641 lượt tin nhắn, trong đó đã có 39 trường hợp được xác minh, xử lý với tổng số tiền phạt 129 triệu đồng.

Những kết quả ban đầu

Thủ đô Hà Nội với diện tích rộng và dân số khoảng 10 triệu người, các lực lượng chức năng dù làm căng hết sức cũng không thể có mặt ở tất cả địa bàn, ngăn chặn tất cả các hành vi vi phạm giao thông. Vì vậy, việc phát động quần chúng nhân dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin phản ánh các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông thực sự là một kênh rất quan trọng trong việc giảm thiểu tình trạng vi phạm trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn thành phố.

Bộ phận tiếp nhận phản ánh vi phạm TTATGT

Bộ phận tiếp nhận phản ánh vi phạm TTATGT

Ngày 21/9, Phòng CSGT, Công an TP Hà Nội cho biết sau hơn 1 tháng triển khai Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các vi phạm về TTATGT”, đã có 1.641 lượt tin nhắn gửi về trang Zalo Cảnh sát giao thông Hà Nội, trong đó có 109 tin nhắn đủ căn cứ xác minh xử.

Đến nay các đơn vị đã xử lý 39 trường hợp, phạt 129 triệu đồng, tạm giữ 37 giấy phép lái xe, 2 phương tiện (xe 3 bánh); trong đó xử lý 37 ô tô, 2 xe ba bánh, với các hành vi vi phạm: Đi vào đường cấm, đi sai làn đường quy định, đi vào làn khẩn cấp, đi ngược chiều, dừng đỗ sai quy định, chuyển làn đường không có tín hiệu cho phép và đón trả khách không đúng nơi quy định.

Điển hình, khoảng 8h15 ngày 17-8, bộ phận tiếp nhận phản ánh thông tin về trật tự an toàn giao thông thuộc Phòng Cảnh sát giao thông nhận tin báo của người dân cung cấp về việc trên đường Vành đai 3 trên cao, đoạn từ nút giao Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) đến Mai Dịch (quận Cầu Giấy) có tình trạng xe ba bánh tự chế lưu thông, gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, Phòng Cảnh sát giao thông đã chỉ đạo Đội Cảnh sát giao thông số 6 và số 14 kiểm tra, xử lý thông tin của nhân dân cung cấp phản ánh. Đội Cảnh sát giao thông số 6 đã phát hiện 1 xe ba bánh tự chế, người điều khiển xe tên là Đ.V.H (SN 1968, ở phường Hoàng Văn Thụ, quận Hoàng Mai), điều khiển xe vi phạm vào đường cao tốc, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe.

Tiếp đó, Đội Cảnh sát giao thông số 14 phát hiện, xử lý 1 xe ba bánh tự chế, người điều khiển xe là Đ.V.H (SN 1971, ở phường Xuân Phương, quận Nam Từ Liêm) điều khiển xe vào đường cao tốc, không có giấy phép lái xe, không có giấy đăng ký xe. Đội Cảnh sát giao thông số 6 và số 14 đã thu giữ 2 phương tiện trên để xử lý theo quy định.

Một xe ba bánh tự chế bị xử lý sau phản ánh vi phạm của người dân qua Zalo

Một xe ba bánh tự chế bị xử lý sau phản ánh vi phạm của người dân qua Zalo

Tiếp đó, ngày 18-8, nhận được phản ánh vi phạm trật tự an toàn giao thông qua trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”, Đội CSGT số 7 đã tổ chức xác minh xe ô tô khách biển kiểm soát 36B-026.57 có hành vi vi phạm, đón hành khách tại nơi có biển cấm dừng xe và đỗ xe tại trước tòa nhà Thăng Long Number One hướng đi Khuất Duy Tiến (quận Nam Từ Liêm), sau đó gửi thông báo đến chủ phương tiện. Ngày 7-9, ông Hoàng Văn Bảy (ở Thanh Hóa) là chủ xe ô tô biển kiểm soát 36B-026.57 đã tới cơ quan công an làm việc và công nhận hành vi vi phạm trên là đúng và ông là người điều khiển xe.

Người dân là "tai mắt, tuyên truyền viên" của lực lượng chức năng

Trung tá Đào Việt Long, Phó trưởng phòng CSGT cho biết: Sau hơn 1 tháng thực hiện Kế hoạch phát động phong trào “Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp các thông tin phản ánh các vi phạm về TTATGT”, đã cho thấy kết quả và hiệu quả rõ rệt, người dân đã thực sự là tai mắt, tuyên truyền viên của lực lượng chức năng trong việc phát hiện các hành vi vi phạm giao thông. Hiện đã có 39 trường hợp được xử lý nhưng tác dụng lâu dài là nâng cao ý thức của người tham gia giao thông. Mỗi người dân giờ đây khi tham gia giao thông đều nhận thức được mọi hành vi của mình sẽ được giám sát không chỉ bởi lực lượng chức năng mà cả những người xung quanh.

“Chúng tôi đã cung cấp cho người dân nhận diện 4 nhóm hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông. Mọi thông tin phản ánh của nhân dân về vi phạm trật tự, an toàn giao thông sẽ được cán bộ trực tiếp nhận, phân loại, xử lý và bảo mật tuyệt đối danh tính cá nhân của người phản ánh. Thông tin phản ánh của người dân về các vi phạm sẽ đảm bảo khách quan, chính xác, cơ quan chức năng sẽ tiếp nhận, xác minh, xử lý kịp thời”, Trung tá Đào Việt Long nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Hưng, trú tại quận Thanh Xuân, Hà Nội cho biết: “Rất nhiều lần đi đường tôi bắt gặp các hành vi vi phạm giao thông của các lái xe như đi ngược chiều, đi lấn làn, đi vào đường cấm… và rất bức xúc. Lực lượng chức năng không phải lúc nào cũng có mặt để xử phạt trực tiếp. Do đó tôi rất đồng tình và ủng hộ kênh zalo của Phòng CSGT. Từ nay người dân chúng tôi có thể trở thành một “camera” phạt nguội, cung cấp thông tin tới cơ quan chức năng”.

"Hiện nay người dân dùng điện thoại thông minh rất nhiều, các xe ô tô cũng lắp camera hành trình nên có thể quay, chụp ảnh, ghi hình các hành vi vi phạm giao thông của các lái xe. Chỉ cần một vài thao tác nhỏ, lực lượng chức năng có thể nắm được và tiến hành xác minh xử lý. Qua đó nâng cao ý thức của người tham gia giao thông tự giác tuân thủ các quy định của pháp luật. Việc công bố số điện thoại, fanpage zalo là một trong những biện pháp cần thiết để khuyến khích người dân cung cấp thông tin để lực lượng chức năng xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông", chị Nguyễn Mai Hương, quận Tây Hồ nói.

Chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện kế hoạch, Trung tá Đào Việt Long cũng cho biết: Đây là công tác mới, nhiều CBCS chưa được đào tạo, tập huấn chuyên sâu, cơ sở, hành lang pháp lý chưa đầy đủ. Nhiều người dân phản ánh thông tin không đầy đủ, không có video, hình ảnh, không rõ biển kiểm soát, không có thời gian, địa điểm vi phạm, không cung cấp thông tin cá nhân, gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác minh, xử lý.

Trước đó, ngày 10/8, Công an TP Hà Nội công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.

Phòng Cảnh sát giao thông đề nghị người dân chủ động tích cực cung cấp các thông tin, hình ảnh, video phản ánh các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông là tác nhân gây hư hại hạ tầng giao thông, ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ gây ùn tắc, tai nạn giao thông.

Đại diện Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội cho biết, thời gian tới, tiếp tục tăng cường ứng trực 24/24h/tuần, tiếp nhận thông tin của người dân để bảo đảm giao thông thông suốt. Ngoài tiếp nhận thông tin từ người dân, đơn vị vẫn kiểm soát tình hình giao thông qua hệ thống camera giám sát và tuần tra, kiểm soát.

Công an TP Hà Nội công khai trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông CATP Hà Nội” và số điện thoại đường dây nóng 0243.942.4451 tiếp nhận thông tin phản ánh về các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông.