Số phận thương tâm
Cháu Đặng Quốc Trường khi vừa trải qua ca phẫu thuật ( Ảnh nguồn Internet) |
Cháu Đặng Quốc Trường (trú tại khu tập thể Ngân hàng, thị trấn Bần, huyện Mỹ Hào, Hưng Yên) sinh ra vốn là một cậu bé đáng yêu, khỏe mạnh và lành lặn. Nhưng sau một tai nạn bị điện cao thế giật, Trường vĩnh viễn không còn đôi bàn tay và cơ quan sinh dục.
Chị Nguyễn Thị Châm, mẹ cháu Trường nhớ lại cái ngày định mệnh ấy trong nước mắt: “Hôm đó cháu Trường về nhà bà ngoại chơi, cháu cùng người anh trai chơi quả bóng bay ở lan can tầng hai, thì bỗng nhiên quả bóng bay lên, mắc vào dây điện cao thế. Cháu dùng gậy inox để khều và bị điện giật. Cháu được đưa đi bệnh viện cấp cứu, nhưng không thể giữ nổi hai cánh tay và bộ phận sinh dục, vì chúng đã bị hoại tử”.
Cháu Đặng Quốc Trường và mẹ Nguyễn Thị Châm (áo tím) |
Từ đó, cuộc sống của chị Châm và gia đình trở nên trầm lặng trong nỗi xót thương và nước mắt bởi thân thể đứa con trai bé bỏng của chị đang khỏe mạnh bình thường bỗng phải chịu hàng chục mũi tiêm, thuốc và dao mổ. Cơ thể nhỏ bé ấy đến nay đã phải trải qua 11 lần phẫu thuật mới có thể lành các vết thương. Không xót xa, đau đớn sao được khi người mẹ này lần lượt phải chứng kiến con bị cắt bỏ cánh tay trái, rồi tay phải, bộ phận sinh dục, rồi tiếp tục lên bàn mổ nhiều lần để cấy ghép da… Vết thương nay đã lành, nhưng hai cánh tay và bộ phận sinh dục của cháu bé không thể như những đứa trẻ bình thường khác.
Không chỉ như Quốc Trường, còn nhiều trường hợp thương tâm như cháu Tâm ở Đồng Nai bẩm sinh không có bộ phận sinh dục và thận, cháu Danh ở Khánh Hòa bị tàu hỏa cán mất chân trái và bộ phận sinh dục... cuộc sống của các cháu và gia đình đang từng ngày chìm trong khó khăn.
Cũng về vấn đề này, Tiến sĩ Nguyễn Đức Hinh, Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội cho biết, ông đã từng gặp nhiều bệnh nhân nữ bẩm sinh không có bộ phận sinh dục, không có dạ con, thậm chí không có cả... cửa mình. Có những cô gái rất xinh đẹp nhưng lại là những mảnh đời bất hạnh khi họ không giống như bao người bình thường khác, được yêu, được thực hiện thiên chức của người phụ nữ - làm vợ, làm mẹ...
Phép màu cuộc sống
Những số phận bất hạnh này khiến tôi nhớ đến Thiện Nhân, cậu bé bị mẹ vứt bỏ trong vườn hoang và bị thú ăn mất cả chân lẫn bộ phận sinh dục. May mắn đến với Thiện Nhân khi cậu bé được chị Trần Mai Anh, ở Hà Nội nhận nuôi. Người mẹ nuôi đầy lòng nhân ái này đã từng đưa con sang Thái Lan với hy vọng tái tạo cho bé, nhưng các bác sĩ tại đây nói rằng đó là điều khó có thể làm được bởi tái tạo không đơn giản là lắp thêm một bộ phận bên ngoài mà phải giúp bộ phận đó có cảm giác, chức năng thực sự, để bệnh nhân cảm thấy nó là một phần máu thịt của mình. Vì thế, họ khuyên chị nên chuyển đổi giới tính cho bé thành con gái...
Cố gắng đi tìm điều kỳ diệu cho con trai mình, chị Mai Anh đã miệt mài tìm hiểu về các nghiên cứu khoa học của các nước trên thế giới với mong ước, con trai mình có thể thành một đứa trẻ bình thường. Và điều kỳ diệu đã xảy ra khi ông Roberto De Castro, bác sĩ phẫu thuật của Bệnh viện Bologna (Italia) đã công bố một công trình y khoa vĩ đại "phẫu thuật và tái tạo thành công nhiều trường hợp bị mất bộ phận sinh dục". Hy vọng đã được mở ra khi vị bác sĩ biết được số phận của Thiện Nhân và nhận lời cho ca phẫu thuật này.
Gần 3 tuần ở Italia, Thiện Nhân đã trải qua cuộc phẫu thuật kéo dài tới 9 tiếng đồng hồ với bao nhiêu lo lắng và hy vọng của người thân. Phép màu đã xảy ra khi sau 9 tiếng trong phòng mổ, các bác sĩ đã lấy lớp da ở bụng dưới cuộn lại thành hình dương vật, tạo khoang rỗng, nối dây thần kinh và mạch máu li ti từ vùng rốn trở xuống để bơm máu vào giúp bộ phận sinh dục của em có cảm giác...
Hình ảnh Thiện Nhân đi bằng một chân |
Sau hành trình gian nan ấy, mẹ Thiện Nhân và cậu bé như hai nhân vật đầu tiên biết đến công trình khoa học này. Chị Mai Anh còn đùa rằng chị được gọi là "bác sĩ chim" vì có rất nhiều phụ huynh hỏi kinh nghiệm từ chị.
Chị Mai Anh chia sẻ: “Đến nay, đã có khoảng 8 trường hợp liên hệ với chị để hỏi về hành trình đưa con đi phẫu thuật của chị. Nhiều hôm đang ăn cơm, chị cũng nhận được điện thoại hỏi cách xử trí khi trẻ bị tắc đường tiểu, hăm loét, viêm, nhiễm trùng, nước tiểu rò rỉ… mọi người trong gia đình thường nói tôi là "bác sĩ chim"...
Với mong muốn giúp đỡ các “bạn đồng cảnh ngộ” với Thiện Nhân, cũng như chia sẻ phần nào gánh nặng cho gia đình các bé, chị Mai Anh và ông Greig Craft (cha nuôi của Thiện Nhân) đề xuất ý tưởng về chương trình tái tạo bộ phận sinh dục cho trẻ em không may ở Việt Nam và được bác sĩ Robeto Decastro cũng như bác sĩ Tuệ Đình (ở Bệnh viện Trẻ em Texas, Mỹ, người đang theo dõi, tư vấn việc chữa trị cho Thiện Nhân) đồng tình.
Mở đầu cho chương trình này, ngày 15/8 tới, bác sĩ Robeto Decastro sẽ sang Việt Nam khám bệnh và tư vấn việc chữa trị cho những trẻ mất bộ phận sinh dục và tháng 11 sẽ phẫu thuật trong vòng 10 ngày cho những bé phù hợp. Tại hội trường Đại học Y Hà Nội, ông sẽ có buổi thuyết trình về công trình tái tạo bộ phận sinh dục vốn đang rất được giới y khoa quốc tế quan tâm.
Còn rất nhiều đứa trẻ không may mắn đang cần sự giúp đỡ của cả cộng đồng. Hãy chung tay để dệt nên những câu chuyện kỳ diệu đầy lòng nhân ái!
Độc giả quan tâm có thể xem chi tiết tại website: http://www.thiennhan.info/ hoặc liên hệ với chị Hoàng Na Hương, mẹ nuôi của bé Thiện Nhân (email: chuongtrinhthiennhan@gmail.com, mobile: 01283183811).