Xót xa cảnh mẹ già lay lắt nuôi con tâm thần

ANTĐ - Hơn 30 năm chăm sóc đứa con tâm thần, nhiều lần bà Hồ Thị Quý bị con đuổi đánh chém suýt mất mạng. Thật xót xa.

Hơn 30 năm nay bà một mình sống lay lắt trong căn nhà xơ xác nuôi đứa con tâm thần. Mỗi lần lên cơn, người con tâm thần ấy lại điên dại đập phá đồ đạc, rồi vớ phải cái gì là rượt đuổi người mẹ tội nghiệp chạy trối chết. Đó là tình cảnh đáng thương của bà Hồ Thị Quý, 73 tuổi ở Đội 1, thôn Thi Ông, xã Hải Vĩnh, huyện Hải Lăng, Quảng Trị.

Trong căn nhà tuềnh toàng không có gì đáng giá, bà Hồ Thị Quý chìa đôi bàn tay nhăn nheo bị mất hai ngón, ngân ngấn nước mắt kể chuyện buồn. “Năm ngoái, trong một lần lên cơn điên, thằng con bất hạnh của tui vớ phải cây rựa rượt tôi chạy khắp nhà. Thấy nó hung hãn quá tôi bèn chạy ra đường thoát thân. Thế nhưng khi ra đến con đường trước nhà tui trượt chân ngã xuống thì hắn xông lại chém vào tay tui làm đứt hai ngón, máu chảy đầm đìa. Đúng lúc ấy hàng xóm chạy tới giải cứu chứ không cái mạng già tui cũng chẳng còn. Bây giờ thì hắn hiền rứa chứ trở trời là hắn lên cơn ngay, có bận vài ngày nó lên cơn một lần. Mỗi lần như rứa tui đến khổ với hắn”, chỉ tay sang đứa con tâm thần đang còn ngồi ăn mì tôm, bà Quý cho biết.

Bà Quý kể, từ nhỏ bà đã chẳng biết bố mẹ mình là ai. Lớn lên bà đi làm thuê làm mướn khắp vùng để mưu sinh. Do quá nghèo khó nên số bà lận đận, lỡ thì. Đến năm 40 tuổi bà mới kiếm được đứa con trai và đặt tên là Võ Đình Trung. Thế nhưng bất hạnh lại đến với đời bà. Trung từ ngày lọt lòng đã bệnh tật liên miên. Lớn lên chút nữa nó cũng biểu hiện lơ ngơ như người mất hồn.

“Lúc đi khám bác sĩ mới cho biết là cháu bị bệnh tâm thần. Bao nhiêu tiền tích góp được tui đều đưa cháu đi chữa bệnh nhưng chẳng khỏi, trái lại càng lớn nó càng bị bệnh nặng, lên cơn liên tục, nhất là lúc trở trời, nắng to. Giờ thì tui cũng đành chịu, gắng sống mà lo cho hắn đến từng mô hay từng đó”, nói đến đây, người mẹ già bất hạnh này lại khóc nghẹn ngào. Bà được cấp một sào ruộng nhưng từ ngày đổ bệnh hen suyễn đến nay, người bà gầy tong teo nên không thể làm được. Mảnh ruộng ấy bà cho người ta làm, đến vụ họ cho từng nào thóc bà lấy từng ấy. Ngày trước khi còn sức khỏe, vào mỗi vụ gặt bà vẫn hay lân la ra đồng mót lúa.

“Mót thì chẳng được bao nhiêu nhưng nhiều người thương tình cho bà thêm để giúp đỡ. Nhưng cũng không đáng là bao, ở đây cũng chẳng có mấy người khấm khá nên cũng chỉ giúp đỡ khi lon gạo, cọng rau, tấm áo cũ”, ông Võ Đình Kham, hàng xóm của bà Quý chia sẻ. Ông Kham kể nhiều lần ông và hàng xóm chạy sang can ngăn khi Trung lên cơn đuổi đánh bà. “Số bà ấy quá khổ, nhiều lúc đang ăn cơm thì thằng Trung lên cơn, hắn hất tung mâm cơm rồi cầm cây rượt bà ấy chạy quanh. Ban ngày hoặc lúc chập tôi chúng tôi còn biết mà sang can ngăn chứ đêm hôm khuya khoắt mà hắn lên cơn thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra”, ông Kham nói thêm.

Trước tình cảnh đó, cách đây không lâu, bà Quý nhờ bà con hàng xóm giúp làm một cái cửa gỗ ngăn căn buồng của bà để nhốt Trung vào đó rồi khóa trái lại. “Có làm rứa tui mới làm được việc, chứ thả hắn ra mà hắn nổi cơn thì chắc tui chết. Chỉ khi nào ăn cơm hay tắm giặt tui mới mở cửa cho hắn ra, nhưng lúc ấy phải giấu dao, rựa và các vật nhọn đi mới yên tâm. Làm mẹ có ai muốn vậy đâu nhưng ngặt nỗi tính khí hắn thất thường rứa nên đành phải nhốt nó vào buồng thôi chú ơi”, bà Quý tâm sự.  

Năm 2004, được sự giúp đỡ của Ban từ thiện xã hội huyện Hải Lăng cùng với sự đóng góp của bà con lối xóm, bà Quý đã được xây tặng một căn nhà nhỏ. Tuy nhiên đến nay căn nhà cũng đã bị thấm dột tứ tung. Hôm chúng tôi đến thăm bà thì gặp Hội Chữ Thập đỏ xã Hải Vĩnh, Chi Hội Chữ Thập đỏ thôn Thi Ông cùng các thợ xây tình nguyện xây dựng bậc thềm lên xuống và sửa lại mái nhà cho bà Quý.

“Những năm qua, địa phương chúng tôi cũng đã hết sức cố gắng, hàng xóm cũng cố gắng giúp đỡ, cưu mang hoàn cảnh đáng thương của bà Quý. Tuy nhiên sự giúp đỡ cũng chỉ đỡ đần phần nào. Vì vậy chúng tôi thiết tha mong sự giúp đỡ nhiều hơn từ các tấm lòng hảo tâm, xã hội để giúp mẹ con bà Quý có cuộc sống ổn định hơn, nhất là lúc bà Quý đã tuổi già xế bóng”, chị Nguyễn Thị Phượng, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ xã Hải Vĩnh trăn trở.