Xóa “căn bệnh thế kỷ”

ANTĐ - Theo người đứng đầu cơ quan Liên hợp quốc, trên cơ sở những thành công to lớn của cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến chống HIV/AIDS thời gian qua, thế giới sẽ phấn đấu đến năm 2030 hoàn thành mục tiêu đặt dấu chấm hết đối với đại dịch thế kỷ này.

Xóa “căn bệnh thế kỷ” ảnh 1Thế giới cùng nỗ lực để thực hiện mục tiêu xóa bỏ căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS vào năm 2030

Nhân Ngày Thế giới phòng chống HIV/AIDS (1-12), Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon đã gửi thông điệp tới tất cả 193 quốc gia thành viên, kêu gọi tất cả các nước cùng hợp sức với nỗ lực vượt bậc để đến năm 2030 chấm dứt hoàn toàn “căn bệnh thế kỷ” này. Từ khi phát hiện lần đầu vào năm 1981, HIV/AIDS (Hội chứng suy giảm miễn dịch) đã được cả thế giới xem là một “căn bệnh thế kỷ” bởi tốc độ lây lan nhanh chóng và đáng sợ nhất là không có thứ thuốc hay phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi. Tính đến nay, đại dịch thế kỷ đã cướp đi sinh mạng của khoảng 39 triệu người, trong khi vẫn còn khoảng 35 triệu người khác đang mang trong mình con virus HIV chết người.

Theo đánh giá của Chương trình Điều phối LHQ về HIV/AIDS (UNAIDS), nỗ lực phòng chống lây nhiễm “căn bệnh thế kỷ” đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, trong đó đáng kể nhất là giảm 30% số ca nhiễm mới HIV/AIDS trong 1 thập kỷ qua. Trong khi đó, tỷ lệ nhiễm mới ở trẻ em giảm tới 52% và dừng ở con số 240.000 ca. 

Số trường hợp bệnh nhân HIV/AIDS tử vong do không được chữa trị đã giảm khoảng 30% so với năm 2005. Nhờ nỗ lực đầu tư, tài trợ, đóng góp… khoảng gần 20 tỷ USD mỗi năm, gần 10 triệu người nhiễm HIV/AIDS tại các nước có thu nhập thấp và trung bình đã được cấp phát thuốc điều trị tiếp cận với liệu pháp điều trị thuốc kháng virus retroviral (ARV), giúp giảm thiểu đáng kể số người tử vong mỗi năm.

Tuy nhiên, theo Tổng thư ký Ban Ki-moon, hiện nay trên thế giới vẫn có khoảng 35 triệu người mang virus HIV, trong đó đáng lo ngại nhất là có tới 19 triệu người trong số đó không hề biết mình đang mang bệnh do không chịu đi khám, chữa, hoặc tuy biết, nhưng vẫn thản nhiên "sống chung" với HIV. Trong khi hiện còn có tới 2/3 số trẻ có virus trên không được chữa trị, thì Đông Âu, Trung Á và Trung Đông đang đi ngược với xu thế chung toàn cầu khi mà số người nhiễm virus HIV mới ở những nơi này lại đang tăng lên.

Vì thế, Giám đốc điều hành UNAIDS Michel Sidibe kêu gọi các quốc gia cùng hợp tác, phấn đấu cho mục tiêu “90-90-90” trong 5 năm tới nhằm hướng tới mục tiêu cuối cùng vào năm 2030. Mục tiêu “90-90-90” có nghĩa là sau 5 năm nữa, 90% số người nhiễm HIV hiểu được tình trạng bệnh tật của mình; 90% trong số đó tiếp tục sống tích cực, được chữa trị và 90% số người được chữa trị có kết quả điều trị tốt, giúp họ giảm bớt gánh nặng lo toan về bệnh tật.

Trước đó, UNAIDS đã giới thiệu chương trình “Fast - Track” – với mục tiêu tới năm 2020, số ca nhiễm HIV mới phải giảm còn 500.000 và 10 năm tiếp sau chỉ còn 200.000 -  cho phép gia tăng quyền tiếp cận các biện pháp điều trị hiệu quả và chất lượng của người có HIV/AIDS, với nguồn vốn đầu tư 35,6 tỷ USD từ nay tới năm 2020. Nếu đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng chống, tới năm 2030 HIV/AIDS sẽ không còn là mối đe dọa toàn cầu về sức khỏe, phát hiện và điều trị cho 21 triệu bệnh nhân và ngăn ngừa được 28 triệu trường hợp bị nhiễm mới.