Xóa bỏ những mặc cảm với đời

ANTĐ - Ai trong đời cũng có lần vấp ngã, thế nhưng, biết đứng lên từ sự vấp ngã của mình để làm lại cuộc đời là cả một sự cố gắng vươn lên với tất cả nghị lực của bản thân, sự hỗ trợ động viên của chính quyền đoàn thể và cưu mang của gia đình. 
Từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam có hơn 500 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó có hơn 380 người đã tìm được việc làm ổn định, hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

Năm 2000, anh Võ Văn Hòa (trú thôn Hội Sơn, xã Duy Nghĩa) rơi vào vòng lao lý, bị giam giữ cải tạo thời hạn 13 năm. Vào tù chưa được bao lâu, anh nhận được hung tin bố mẹ qua đời, rồi bão lũ tàn phá nhà cửa… cùng với cánh cửa song sắt nhà tù, anh tưởng như cánh cửa tương lai đã đóng sầm trước mặt. Tất cả đã hết. Trong nỗi bi quan và tuyệt vọng, anh đã nghĩ đến những điều tồi tệ nhất…

Xóa bỏ những mặc cảm với đời ảnh 1
Anh Võ Văn Hòa hiện là chủ cơ sở điêu khắc mỹ nghệ có tiếng ở Duy Xuyên, Quảng Nam


Và rồi, từ trong cánh cửa tưởng chừng lạnh lùng ấy, anh đã gặp những tấm lòng nhân ái bao dung của cán bộ quản giáo. Sự quan tâm giúp đỡ, động viên tinh thần của cán bộ quản giáo đã cho anh Hòa động lực để cải tạo tốt, được tha tù trước thời hạn, trở về quê hương gây dựng cuộc sống mới.

“Lúc còn ở trong trại tôi đã học được nhiều điều. Khi trở về với gia đình, tôi nhận được sự quan tâm động viên của chính quyền địa phương, người thân, bạn bè. Anh em cho tôi mượn tiền, địa phương cho tôi vay 20 triệu đồng. Từ số vốn đó, với nghề nghiệp đã được học từ trong trại, tôi đã làm lại cuộc đời mới và có được thành tựu như ngày hôm nay”, anh Hòa chia sẻ. Hiện cơ sở của anh Hòa tạo việc làm, thu nhập ổn định cho 3 lao động, đồng thời đang đào tạo nghề cho 2 người khác.

Còn với anh Đỗ Văn Bổn ở làng chiếu Bàn Thạch (xã Duy Vinh), sau 4 năm cải tạo, trở về với cộng đồng, anh đã nhận được sự quan tâm của các ban ngành đoàn thể tại địa phương. Giờ anh là một trong những người nổi tiếng ở làng chiếu Bàn Thạch với việc mạnh dạn áp dụng công nghệ cải tiến nghề dệt chiếu của làng.

Xóa bỏ những mặc cảm với đời ảnh 2
Công an xã thường xuyên thăm hỏi, động viên anh Hòa


Anh Bổn chia sẻ, lúc mới trở về địa phương, gia sản chẳng còn gì, vợ chồng phải chạy ăn từng bữa, lại còn lo chuyện học hành của mấy đứa nhỏ. Để phát triển kinh tế chăm lo cho đời sống gia đình, anh học nghề làm đèn cầy, nhưng rồi vẫn không đủ sống. Thấy được hoàn cảnh và quyết tâm của anh, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho anh vay vốn mở xưởng dệt chiếu bằng máy để duy trì và phát triển nghề truyền thống. “Ban đầu anh chỉ đủ vốn đầu tư được 3 máy, thấy thị trường rất có tiềm năng, hơn nữa đây là nghề truyền thống của quê hương, vợ chồng anh tích cóp đầu tư thêm một máy dệt chiếu nữa để sản xuất đáp ứng nhu cầu thị trường” - anh Bổn cho hay. Hiện nay cơ sở dệt chiếu của anh Bổn đang giải quyết việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập tương đối ổn định.
Anh Hòa, anh Bổn hay hàng trăm trường hợp lầm lỡ khác, khi hoàn lương trở về, may mắn là đã chọn con đường đúng và với cơ duyên là sự giúp đỡ, động viên về vật chất lẫn tinh thần của bạn bè, gia đình, chính quyền địa phương... Để trên nẻo đường hoàn lương, họ đã tìm lại được chính mình.

Mô hình của lòng nhân ái

Đến xã Duy Sơn hỏi mô hình “1 + 5” không ai không biết. Được ví như 5 ngón của một bàn tay nhân ái sẵn sàng nắm tay dìu dắt, giúp đỡ người lầm lỡ vượt qua khó khăn trong cuộc sống. Thời gian qua, “bàn tay nhân ái” ấy đã làm được rất nhiều điều ở xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới này.

Xóa bỏ những mặc cảm với đời ảnh 3
Anh Hòa bên các tác phẩm của mình


Theo thống kê, từ năm 2002 đến nay, trên địa bàn xã Duy Sơn có 45 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nếu có một người vi phạm pháp luật hoặc chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương sẽ được 5 lực lượng ở địa phương (gồm: công an, đoàn thể, gia đình, dòng tộc, nhà trường) cùng quan tâm, động viên giúp đỡ để sớm “cân bằng” với cuộc sống. Với cách làm trên, thời gian qua đã có 28 trường hợp được giúp đỡ tái hòa nhập cộng đồng; trong đó có 11 người được các hội, đoàn thể tín chấp bảo lãnh vay vốn làm kinh tế với tổng số tiền 150 triệu đồng; 12 người tham gia các tổ chức chính trị, xã hội như: tổ an ninh nhân dân, đội dân phòng; các ban ngành đoàn thể cũng đã vận động hỗ trợ cải thiện nhà ở cho 8 trường hợp.

“Ở Duy Sơn, với hiệu quả của mô hình “1 + 5” và những biện pháp khác, tình hình an ninh trật tự luôn được đảm bảo, lòng tin của người dân được củng cố, đối tượng hình sự ngày càng giảm mạnh” - Thượng tá Lê Trung Hai, Phó Trưởng CAH Duy Xuyên nhận xét.