Xin chữ ngày xuân: Thật, giả lẫn lộn

ANTĐ - Đã thành lệ, cứ đến dịp Tết Nguyên đán hàng năm, khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám lại nhộn nhịp khác thường bởi sự xuất hiện của những ông đồ viết chữ ngày xuân. Mặc dù xin chữ ngày Tết vốn là một nét văn hoá đẹp của người Việt từ nhiều đời nay, song giờ đây hình thức này ngày càng biến tướng.

Ảnh: Hoàng Quang Anh

Xin chữ cho vui 

Xin chữ về treo trong nhà thể hiện sự thành kính, mong ước của gia chủ cầu một năm tài lộc, may mắn, phúc thọ đầy nhà. Người xin chữ mong xin được chữ đúng với tâm nguyện phấn đấu của gia đình, bản thân trong dịp đầu năm mới. Tại khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám vào sáng mùng 7 Tết nườm nượp người ghé lại các bàn thư pháp để xin chữ. Tại đây, các “lều chữ” của những thầy đồ được bố trí sát vào bờ tường Văn Miếu, bày đặt quy củ, bắt mắt. Người lớn, trẻ con xúng xính trong những bộ quần áo mới, hân hoan xin chữ mang tâm nguyện, mong ước một năm an vui. Bác Nguyễn Văn Thịnh, ở phường Thành Công, quận Ba Đình khá ngạc nhiên bởi không ít đối tượng tham gia viết chữ còn rất trẻ nhưng đã lập một chiếu riêng ngồi viết.

Mặc dù, sự sáng tạo, bay bổng của họ khiến người xem cảm thấy lạ song, về cơ bản những chữ viết này nhiều khi không đúng. “Có một số người khi có khách xin chữ còn phải mang từ điển Hán Việt ra tra vì không nhớ mặt chữ. Thậm chí, sau khi viết xong, cứ tô đi tô lại cho tới khi nét chữ tròn trịa, mềm mại đúng như yêu cầu của khách. Việc này, đối với một người viết thư pháp chuẩn là điều tối kị”- bác Thịnh cho hay.

Thông thường, ở những nước như Nhật Bản, Hàn Quốc những người có thể tặng chữ ở những nơi tôn nghiêm phải là người đã được công nhận, có thời gian khổ luyện và đạt được những tiêu chuẩn tối thiểu về am hiểu chữ nghĩa và kĩ thuật viết. Tuy nhiên, theo nhận xét của nhiều người thì có không ít thầy đồ tại khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám chưa hội tụ đủ những tiêu chí này.

Một số người viết thư pháp có khi chỉ là những sinh viên mỹ thuật, kiến trúc mới ra trường làm thêm. Chị Phạm Phương Thuý, ở phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm đến Văn Miếu từ sớm để xin chữ Trí tuệ, cầu mong học hành tấn tới, đỗ đạt thành công cho cậu con trai đang học lớp 6. Tuy nhiên, chị Thuý cũng cho biết, năm trước đến đây xin chữ, để ý kỹ phía dưới lớp giấy dó của thầy đồ chị thấy họ để sẵn một loại giấy in mờ như giấy than, khi có người yêu cầu viết chữ gì, người viết chỉ cần lấy một tờ giấy đặt lên trên và đi bút theo đúng nét chữ ấy. Theo chị, như vậy chẳng khác nào “photo” chữ viết. Mặc dù, không ít người trẻ tuổi thật sự đam mê với vốn văn hóa cổ truyền dân tộc, nhưng có không ít người rủ nhau đi xin chữ chỉ là cho vui mà không hiểu rõ ý nghĩa của nó. Có người khi đi xin chữ chọn thầy đồ già, gương mặt phúc hậu, người thì thích những ông đồ trẻ với những con chữ sáng tạo bay bổng, hiện đại.

Bên cạnh những thầy đồ già còn có nhiều thầy đồ trẻ ở phố ông đồ

Thương mại hoá tục xin chữ đầu năm

Ngày xưa muốn xin chữ, người ta thường chuẩn bị một lễ nhỏ (cau trầu, chè thuốc) đến nhà thầy đồ (học vị Tú tài được vua ban, hoặc nho sĩ hay chữ trong vùng). Người xin chữ được thầy đồ xem xét tâm tư nguyện vọng mà cho chữ thích hợp. Mỗi chữ viết ra bằng cả Trí - Thần - Lực của thầy đồ nên ngoài ý nghĩa, còn là tác phẩm nghệ thuật. Gia chủ xin được chữ như xin được may mắn, phúc, lộc cho năm mới. Tuy nhiên, ngày nay việc xin chữ đã bị thương mại hoá, thay bằng “xin” chữ thì nhà nhà, người người phải “mua” chữ, thậm chí mua với giá cao. Trong khi giá từ 100.000 – 200.000 đồng/chữ thì giá chữ của những người được cho là khó xin và đẹp là 500.000 đồng/chữ. Tại “lều chữ” của một thầy đồ khá nổi tiếng trên mạng và được nhiều người xin chữ năm nay, tôi được một vài khách hàng cho biết, muốn xin chữ của thầy đồ này phải để lại số điện thoại, tên tuổi, chữ cần xin rồi được hẹn đến lấy. Trong khi “lều chữ” của thầy đồ này chật kín người thì các lều chữ bên cạnh vắng tanh. Song nhiều người cho rằng, đã là xin chữ thì phải tuỳ tâm cả người viết và người xin, đằng này đưa ra mức giá cao như vậy chẳng khác nào việc mua bán ngoài chợ.

Nhiều vị khách có mặt thể hiện sự bức xúc, có lẽ năm nay là năm cuối cùng họ có mặt ở phố ông đồ này bởi không muốn đến một cái chợ thật, giả lẫn lộn. Theo nhận xét của thư pháp gia có tiếng thuộc Hiệp Hội Thư pháp Việt Nam, tình trạng “đồ thật, đồ giả” lẫn lộn trong những năm qua không còn là hiếm. Viết sai, viết lỗi, thậm chí cả những người không biết cầm bút cho đúng cách cũng khá nhiều. Người xem thì đa phần không hiểu nhiều, chỉ là mến chữ, thích chữ thì đến xin một cách thành tâm, thầy cho chữ gì biết chữ ấy.

PGS.TS Trịnh Hòa Bình (Viện KHXH Việt Nam): Đừng chạy theo trào lưu


Gần đây các hoạt động xin chữ năm mới có phần bị “biến tướng”, nhiều thầy đồ đã lợi dụng để kinh doanh chữ. Hiện nay, người chơi chữ đa phần chạy theo trào lưu mà không mấy người để ý đến ý nghĩa đích thực của việc xin chữ đầu năm. Nhiều ông đồ cũng biến việc cho chữ thành “nghề kiếm sống”. Cảnh người cho chữ, xin chữ mặc cả, “hét giá” cao, khiến cho phong tục xin chữ đầu năm trở nên phản cảm. Chưa kể, người xin chỉ muốn xin những chữ liên quan đến tiền, tài, bổng lộc, địa vị…. mà ít khi xin chữ phúc, chữ bình an. Điều này cho thấy giá trị của việc xin chữ đầu năm cũng được nhiều người coi như một nhu cầu, ít nhiều mất đi nét đẹp của việc xin chữ mỗi dịp xuân về.