Xét xử Châu Thị Thu Nga: Bị triệu tập vẫn tưởng mình chỉ là… nhân chứng

ANTD.VN - Ngày 6-10, phiên tòa xét xử Châu Thị Thu Nga – cựu Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa Khóa XIII cùng đồng phạm tiếp tục phần thẩm vấn của các luật sư. 

Trả lời các câu hỏi luật sư nêu ra tại phiên xử, bị cáo Phan Thanh Tuyên – cựu Phó Tổng giám đốc (TGĐ) Công ty CP Tập đoàn đầu tư xây dựng Nhà đất - Housing Group (Công ty Housing Group) trình bày bản thân không có chuyên môn trong lĩnh vực đầu tư xây dựng chung cư nên hiểu biết hạn chế. “Phải nói là tôi dốt, không có hiểu biết” – đồng phạm của Châu Thị Thu Nga nhấn mạnh.  

Khai báo về hành vi phạm tội của bản thân, bị cáo Tuyên phân trần, các cuộc họp ở cơ quan, bị cáo Nga thường thông báo đang tiến hành thủ tục nhưng không rõ thủ tục đó thế nào. Đối với hành vi bị cáo buộc là đã ký kết các hợp đồng, giấy tờ liên quan đến Dự án 5B Cầu Diễn, cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group cho biết, sau 2 tháng nhận ủy quyền, bị cáo này ký 3 thỏa thuận vay vốn với khách hàng.

Vậy nhưng bị cáo Tuyên cũng cho biết không hề biết khách hàng là ai. Vì khi ký các thỏa thuận để thu tiền của bị hại Tuyên đều được cấp dưới trình hồ sơ và bảo ký. “Tôi hỏi vì sao tôi phải ký thì chị Thúy (Lưu Thị Thúy – cựu Giám đốc Sàn giao dịch bất động sản Housing - PV) nói đây là thỏa thuận chỉ mang tính tạm thời, sau này sẽ hủy, anh lại là người được ủy quyền” – bị cáo Tuyên trình bày.

Bị cáo Phan Thanh Tuyên – cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group tại phiên tòa

Trả lời câu hỏi “ông hiểu thế nào là thỏa thuận vay vốn”, cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group cho rằng những việc bị cáo Nga làm là để sản xuất kinh doanh, góp vốn xây nhà. “Và không chỉ có Công ty Housing Group mà hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều làm như vậy. Đó là những giao dịch bình thường” – bị cáo Tuyên nói.

Cũng trong phần trả lời thẩm vấn của luật sư, cựu Phó TGĐ Công ty Housing Group khai, năm 2015 khi không còn làm việc với bị cáo Nga và bị CQĐT gọi lên làm việc. “Ban đầu, tôi tưởng công an mời lên làm nhân chứng. Sau đó, khi họ nói tôi mới biết tính chất sự việc rất nghiêm trọng” – bị cáo Phan Thanh Tuyến nhớ lại.

Cũng trong ngày thứ năm xét xử vụ án, nhiều bị hại tiếp tục nói về nỗi khổ sở trong quá trình đăng ký mua nhà “ảo” ở Dự án B5 Cầu Diễn. Theo đó, trả lời luật sư bào chữa cựu ĐBQH, bà Phạm Thị Huấn (đại diện ba bị hại) cho biết, chồng bà vốn công tác ở một học viện tại TP. HCM (đã qua đời) nên bà Huấn được một đồng nghiệp của chồng tên Hùng giới thiệu đăng ký mua nhà ở Dự án B5 Cầu Diễn.

Nói về nỗi khổ sở trước tòa, bà Huấn kể con trai bà khi ấy đang làm ăn ở nước ngoài nên có chút vốn, trong khi Dự án B5 Cầu Diễn lại ở gần nhà bị hại này. “Lúc đó chưa có tiền mua căn hộ nguyên nên tôi cũng muốn mua trả góp. Ngày 3-12-2010, tôi được dẫn đến dự án thấy có một dàn cọc đóng, có hàng rào bảo vệ. Chú Hùng này có biển hiệu là người được vào đó nên bảo vệ mở cửa cho chúng tôi vào xem” – bà Hoa nhớ lại.

Sau đó, tin tưởng người tên Hùng và tin tưởng Dự án B5 Cầu Diễn đang đẩy mạnh triển khai nên bà Huấn đăng ký mua liền lúc 3 căn hộ cho con trai, con gái và nộp trước 1,5 tỉ đồng. Nhưng hơn 1 năm sau mới được Công ty Housing Group gọi lên ký hợp đồng và đóng thêm tiền.

Bị cáo Châu Thị Thu Nga tiếp tục được HĐXX cho ngồi để trả lời thẩm vấn

“Hùng giới thiệu cho tôi là 15 triệu đồng/m2, tính chênh 25% nên tính ra mỗi m2 là 17,5 triệu đồng. Tôi phải trả ngay cho Hùng 750 triệu đồng. Hùng nói vị trí ba căn hộ của tôi đẹp nhất trong khu đất nhưng bên Housing bảo là tôi không có tên ở lô đẹp đó. Nghi ngờ bị lừa, tôi gọi điện cho Hùng thì được động viên và được cho biết người đăng ký mua nhà cho tôi tên là Trường Sơn gì đó” – bà Huấn mô tả.

Tương tự, người đại diện cho bị hại Nguyễn Thị Hằng cũng trình bày, nhiều lần đến tận nơi xem mô hình dự án và tin tưởng bị cáo Châu Thị Thu Nga là ĐBQH nên mới đăng ký mua căn hộ tại Dự án B5 Cầu Diễn. “Tôi có cảm nhận chúng ta đang bỏ lọt tội phạm. Vì nếu không có sự bảo kê, bao che thì bà Nga không thể làm thế được” – bị hại này bày tỏ nghi vấn.

Nói về nguyện vọng, đại diện cho bị hại Nguyễn Thị Hằng nói cá nhân bà Hằng cũng như hàng trăm người cho Công ty Housing Group vay vốn là để mua nhà ở chứ không phải cho vay lấy lãi. Và cho doanh nghiệp vay chứ không phải cho bị cáo Nga vay. Do vậy đề nghị tiếp tục thực hiện dự án vì đã chấp nhận chủ trương đầu tư rồi.

Tiếp tục trả lời các câu hỏi của luật sư xoay quanh tính minh bạch của dự án, bị cáo Châu Thị Thu Nga khai, mọi cuộc họp giao ban vào sáng thứ 2 hàng tuần, các trưởng bộ phận trực tiếp tham gia đều được phổ biến về hoạt động của công ty. Những vướng mắc của dự án, người phụ trách ban đầu tư sẽ báo cáo cụ thể để sau đó ban giám đốc họp thêm lần nữa. “Tóm lại tất cả đều được công khai, minh bạch” – cựu ĐBQH khẳng định, đồng thời cho rằng Dự án B5 Cầu Diễn chỉ còn vướng về điều chỉnh quy hoạch.

Được hỏi về nguồn vốn, bị cáo Nga cho biết Dự án B5 triển khai không chỉ có  nguồn vốn huy động từ người dân đóng góp mà đã được Techcombank cam kết cho vay 748 tỉ đồng và giải ngân ngay khi dự án đủ điều kiện. Ngoài ra, Công ty Housing Group còn hợp tác với một doanh nghiệp có nguồn vốn lớn từ nước ngoài.

Trước tòa, bị cáo cho rằng đã ủy quyền cho ông Lê Sáu và 2 người nữa được quyền sở hữu toàn bộ cổ phần của bị cáo tại Công ty Housing Group, đồng thời giải quyết các vấn đề liên quan đến dự án B5 Cầu Diễn. Và theo bị cáo, những người được ủy quyền đã tìm được nguồn vốn khác để triển khai dự án nhằm bảo đảm quyền lợi cho khách hàng.

Ngày 9-10, phiên xử Châu Thị Thu Nga cùng đồng phạm tiếp diễn.