Xếp hạng tín nhiệm: Có thể kích hoạt sự hoảng loạn

ANTĐ - Xếp hạng tín nhiệm không phải là nguyên nhân sâu xa, cũng không phải là nguyên nhân lớn nhất của khủng hoảng, nhưng lại là một mắt xích quan trọng để nhiều người lừa dối thị trường và tạo ra sự sụp đổ niềm tin trên các thị trường tài chính. 

Nhiều khi chính sự xung đột lợi ích dẫn đến những xếp hạng sai lầm

Chỉ có ý nghĩa nếu công bằng, minh bạch

Trên thế giới, đánh giá tín nhiệm doanh nghiệp đã có từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20. Lúc đó, thị trường chứng khoán ở Mỹ phát triển, các doanh nghiệp huy động một lượng vốn khổng lồ thông qua trái phiếu, cần có một tổ chức đứng ra đánh giá khách quan về độ tin cậy của doanh nghiệp phục vụ các nhà đầu tư. Năm 1909, lần đầu tiên Công ty Moody's đã đánh giá hệ số tín nhiệm trên 1.500 trái phiếu của 250 công ty đường sắt của Mỹ với ký hiệu từ AAA đến C xếp hạng từ cao xuống thấp. Các tổ chức định mức tín nhiệm đóng vai trò nổi bật tại thị trường vốn của Mỹ kể từ đầu thế kỷ trước.

Trước thập niên 1970, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm tồn tại nhờ vào việc bán xếp hạng tín nhiệm cho nhà đầu tư để họ biết về độ an toàn của các khoản nợ mà họ đang nắm giữ, tương tự việc công ty chứng khoán bán một báo cáo đầu tư được đặt hàng cho khách hàng. Kể từ thập niên 1970, các công ty xếp hạng tín nhiệm chuyển sang mô hình lấy tiền của tổ chức phát hành, nghĩa là tổ chức muốn phát hành trái phiếu hay các dạng thức vay nợ khác thì phải trả phí cho tổ chức xếp hạng tín nhiệm để được xếp hạng. 

Đi cùng với sự phát triển của xếp hạng tín nhiệm nợ của công ty là việc xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia, vì chính phủ các nước cũng thường xuyên phát hành trái phiếu để gọi vốn trên thị trường trong nước và quốc tế, làm phát sinh nhu cầu xếp hạng tín nhiệm nợ quốc gia. Vai trò của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này trở nên quan trọng hơn khi các mức xếp hạng không chỉ được sử dụng trong hoạt động đầu tư và huy động vốn, mà còn được sử dụng trong việc hoạch định các chính sách kể từ thập niên 1970.

Có thể ví các tổ chức xếp hạng tín nhiệm này giống như những tổ chức “kiểm định chất lượng” các trái phiếu (các khoản vay) do chính phủ hoặc công ty phát hành. Chúng sẽ có giá cao hơn nếu chúng được các tổ chức này xếp hạng cao hơn. Vì thế, có không ít ý kiến phân tích về mặt trái của việc xếp hạng này, trong đó, có không ít trường hợp những chủ thể nhất định sử dụng việc đánh giá tín nhiệm như một “chiêu bài” để cản trở dòng vốn đầu tư, tạo tâm lý ngần ngại của các nhà đầu tư.

Ông Steven Maijoor - Chủ tịch Cơ quan Chứng khoán và các thị trường châu Âu nhấn mạnh: “Việc xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc giúp các nhà kinh doanh xác định và khắc phục được những điểm yếu của mình. Tuy nhiên, hoạt động xếp hạng tín nhiệm chỉ thực sự có ý nghĩa nếu nó được thực hiện công bằng với chất lượng cao”.

Phải trả tiền cho đánh giá tín nhiệm sản phẩm nợ

Không chỉ có khả năng làm thay đổi số phận của các công ty, các cơ quan xếp hạng còn có thể làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia, và cả thế giới. Giới phân tích tin rằng các xếp hạng của các “ông lớn” góp phần không nhỏ trong việc tạo nên cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua. Cơ quan giám sát thị trường của Liên minh châu Âu (EU) mới đây vừa lên tiếng chỉ trích 3 hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới gồm Moody’s, Fitch và Standard & Poor (S&P) thiếu minh bạch trong cách xếp hạng tín nhiệm, không đưa ra được đầy đủ thông tin về những phương pháp mà các hãng này sử dụng để xếp hạng tín nhiệm, đồng thời yêu cầu cần có thêm những đánh giá chặt chẽ hơn đối với các phương pháp xếp hạng của họ. 

Hiện có 72 công ty xếp hạng tín dụng trong đó 3 công ty lớn nhất trên thế giới (xét về thị phần) là S&P, Moody’s và Fitch Ratings. S&P và Moody's có trụ sở ở Mỹ, trong khi Fitch có cả trụ sở tại Mỹ và Anh, và do Tổ chức FIMALAC của Pháp kiểm soát. Mỗi dấu cộng (+) hoặc trừ (-) của các cơ quan xếp hạng tín dụng đều tự động kích hoạt dòng chảy vào hoặc ra lên đến hàng tỷ USD đối với loại tài sản đó. Khi S&P Moody's hoặc Fitch hạ mức tín nhiệm chứng khoán một công ty, họ sẽ kích hoạt một sự hoảng loạn buộc công ty bị ảnh hưởng phải tìm cách huy động nguồn vốn mới càng sớm càng tốt nếu không muốn bị phá sản.

Hầu hết các cơ quan xếp hạng tín dụng vừa và lớn (trong đó có Moody's, S&P và Fitch) hiện nay phụ thuộc vào mô hình kinh doanh nơi chính các nhà phát hành nợ/chứng khoán phải trả tiền cho việc đánh giá tín nhiệm sản phẩm nợ của họ. Doanh thu chủ yếu của các cơ quan này đến từ tiền chi trả cho việc xếp hạng của các nhà phát hành nợ.

Hình thức này bị chỉ trích “xung đột lợi ích” khi dùng tiền của chính nhà phát hành nợ để xếp hạng nợ của họ vì công ty nào cũng muốn được xếp hạng cao. Do đó, Moody's, S&P và Fitch được ví như một nhóm giáo viên đi nhận quà của sinh viên và đổi lại họ cho các sinh viên đó đạt điểm cao hơn kết quả thực sự của họ.

Ngay trước lúc phá sản vẫn được xếp hạng cao

Ủy ban Chứng khoán Mỹ (SEC) từng công bố một báo cáo điều tra có chứa những email được viết bởi các nhà phân tích của Moody's, S&P và Fitch. Trong đó, một nhà phân tích viết: “Hy vọng tất cả chúng ta đều giàu có và đã nghỉ hưu khi căn nhà bằng thẻ tín dụng này sụp đổ”. Chính sự xung đột lợi ích đã dẫn đến những xếp hạng sai lầm, điển hình là Lehman Brothers trong cuộc khủng hoảng thứ cấp vừa qua. Chỉ một ngày trước khi ngân hàng này nộp đơn phá sản, 3 công ty xếp hạng hàng đầu thế giới là Moody's, S&P và Fitch vẫn dành cho nó xếp hạng tín dụng cao như A, AA và A+. Với những đánh giá cực kỳ sai lầm, giới đầu tư toàn cầu đã bị chấn động khi ngân hàng này sụp đổ. Chuyên gia Markus Krebsz với gần 20 năm kinh nghiệm trong thị trường tài chính toàn cầu cho rằng cần giảm sự quá phụ thuộc vào phân tích của các tổ chức xếp hạng vì tiềm ẩn rủi ro.

Những  “vố đau” của các tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới

- Ngay cả những tổ chức xếp hạng tín nhiệm lớn trên thế giới như Standard & Poor's (S&P), Moody's, Fitch từng bị nghi ngờ về phương pháp đánh giá chưa minh bạch và thiếu chặt chẽ. Thậm chí còn bị điều tra cáo buộc không đưa ra đầy đủ thông tin về phương pháp sử dụng để đánh giá xếp hạng tín nhiệm của các tổ chức ngân hàng.

- Quỹ hưu trí lớn nhất của Mỹ là Calpers (California Public Employees Retirement System) từng kiện S&P, Moody’s và Fitch vì đã đưa ra các xếp hạng tín nhiệm không phù hợp dẫn đến tổn thất trên 1 tỉ USD cho quỹ này.

- Tòa án Australia năm 2012 đưa ra phán quyết cho rằng S&P, cơ quan đánh giá tín dụng lớn trên thế giới đã lừa dối các nhà đầu tư bằng cách đánh giá chứng khoán của Ngân hàng ABN Amro phát hành vào năm 2006 ở mức cao nhất, mức AAA, khiến cho hàng loạt tài sản cổ phiếu của nước này mất hết giá trị trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.

- Bộ Tư pháp Mỹ cùng nhiều tiểu bang khác đang cân nhắc vụ kiện chống lại một trong những cơ quan xếp hạng tín dụng lớn nhất thế giới - Moody’s,  cáo buộc đánh giá thiếu chính xác liên quan đến bất động sản thế chấp, bóp méo rủi ro tín dụng, liên quan đến vụ khủng hoảng tài chính ở Mỹ hồi năm 2008. 

- Bộ Tư pháp Mỹ mới đây quyết định đệ đơn kiện chống lại hãng xếp hạng tín nhiệm S&P với mức phạt 5 triệu USD vì cho rằng các bảng xếp hạng tín nhiệm còn nhiều nghi vấn mà hãng này đưa ra tại thời điểm những năm 2007-2008 đã khiến nhiều công ty trở nên khốn đốn, trong đó hàng loạt ngân hàng và công ty chứng khoán Mỹ phải tuyên bố phá sản. 

- Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm “mất thiêng” khi ngày 9-3-2012, chứng khoán Mỹ vẫn tăng, bất chấp Hy Lạp bị Moody's tuyên bố vỡ nợ và Fitch Ratings hạ bậc tín dụng xuống mức vỡ nợ hạn chế, cho thấy thị trường đang thờ ơ với tuyên bố của các tổ chức này. 

- Có lần khi hạ bậc nợ công của Mỹ, S&P đã tính toán sai mức tiết kiệm ngân sách Mỹ, thiếu đến 2.000 tỉ USD. Trong báo cáo đó, S&P xem việc thiếu hiệu quả trong tiết kiệm ngân sách là nguyên nhân chính để hạ bậc tín nhiệm. Phía Bộ Tài chính Mỹ đã phát hiện sai lầm này và phản đối xếp hạng của S&P.

-    Ngay cả nhiều tổ chức uy tín như Ủy ban Chứng khoán Mỹ, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ và một số cơ quan cạnh tranh khác nhiều khi cũng thất bại trong việc đưa ra những đánh giá chính xác.

- Xếp hạng tín dụng thực ra chỉ là “chạy sau”, ông Jeffrey Kleintop, trưởng bộ phận chiến lược thị trường tại LPL Financial đưa ra nhận định như vậy. Bởi vì, các chuyên gia tại các tổ chức xếp hạng tín dụng đang đưa ra đánh giá của họ dựa trên thông tin mà thực ra thị trường đã biết.