Xem xét trách nhiệm người không đủ điều kiện về sức khỏe gây tai nạn giao thông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Mới đây, tại Hà Nội xảy ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Sau tai nạn, bước đầu xác định lái xe bị bệnh động kinh. Bên cạnh đó, qua rà soát, cơ quan chức năng xác định Hà Nội hiện có hơn 4.000 trường hợp người bị bệnh tâm thần nhưng vẫn có Giấy phép lái xe mô tô, ô tô. Cơ quan chức năng đang có kế hoạch thu hồi, đồng thời sẽ không cấp lại cho những trường hợp này. Xin hỏi luật sư, những trường hợp bị bệnh tâm thần, động kinh hay có nhược điểm về tâm thần thì có được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm khi họ gây tai nạn giao thông? Người biết mình bị bệnh tâm thần, động kinh hoặc có nhược điểm về tâm thần nhưng vẫn cố tình thi để được cấp Giấy phép lái xe thì có vi phạm pháp luật và bị xử lý gì không? Nguyễn Văn Hoạt (Hà Nội)

Luật sư trả lời:

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự , số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự , số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Theo thông tin trên báo chí, tối 28-7 vừa qua, một vụ tai nạn giao thông liên hoàn gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến chiếc xe ô tô 7 chỗ ngồi đã xảy ra tại địa bàn quận Hà Đông (Hà Nội). Quá trình làm việc với cơ quan công an sau khi tai nạn xảy ra, lái xe ô tô 7 chỗ ngồi cho biết, thời điểm tai nạn xảy ra, anh ta hoàn toàn không biết mình gây ra chuyện gì. Đặc biệt, lái xe này còn cho biết, anh ta có tiền sử bị bệnh động kinh nặng và mỗi khi lên cơn, gần như trí nhớ không còn.

Trong một diễn biến khác, giữa tháng 7 vừa qua, báo cáo sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2022 của Phòng CSGT - CATP Hà Nội cho biết, qua công tác rà soát thủ tục hành chính về công tác đăng ký xe phục vụ triển khai dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4, Phòng CSGT đã đề xuất điều động phương tiện, nguồn nhân lực phục vụ phân cấp công tác đăng ký xe về cấp huyện; tham mưu cho Công an TP Hà Nội chỉ đạo các đơn vị rà soát, xác định 4.089 người bị tâm thần, đồng thời kiến nghị Sở Giao thông - Vận tải thu hồi giấy phép lái xe và không cấp giấy phép lái xe đối với các trường hợp này.

Từ những dẫn chứng nêu trên có thể thấy, hiện nay, ngoài việc hạ tầng giao thông không đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển, tình trạng sử dụng rượu bia, chất kích thích, không chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người tham gia giao thông thì việc tham gia giao thông trên địa bàn Hà Nội còn tiềm ẩn những nguy cơ tai nạn khác. Trong đó, có tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới không đảm bảo yêu cầu về sức khỏe.

Trên phương diện pháp luật về quản lý người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21-8-2015 của Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải cũng đã quy định khá chi tiết về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ người lái xe ô tô và về cơ sở y tế khám sức khỏe cho người lái xe. Kèm theo thông tư này là “Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe”, tại Phụ lục số 01. Cũng xin nói thêm là Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe không áp dụng cho người lái xe mô tô hai bánh có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Và theo phụ lục số 01, Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe được chia theo 3 nhóm phương tiện: Hạng A1 (xe máy 2 bánh có động cơ quy định từ 50cm3 đến dưới 175cm3); Hạng B1 (ô tô chở người dưới 9 chỗ, xe tải dưới 3,5 tấn); Hạng xe A2, A3, B2, C, D, E...

Đơn cử, những trường hợp không được xác nhận đủ sức khỏe để thi cấp giấy phép lái xe hoặc điều khiển phương tiện tham gia giao thông (theo Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe) là: đang rối loạn tâm thần cấp hoặc rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi (đối với lái xe Hạng A1); rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 6 tháng và rối loạn tâm thần mạn tính không điều khiển được hành vi (đối với Hạng B1); rối loạn tâm thần cấp đã chữa khỏi hoàn toàn nhưng chưa đủ 24 tháng và rối loạn tâm thần mạn tính (đối với các Hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE). Tương tự, đối với người bị bệnh thần kinh thì liệt từ 2 chi trở lên (Hạng A1); động kinh còn cơn trong vòng 24 tháng gần nhất, liệt vận động từ 2 chi trở lên, hội chứng ngoại tháp, rối loạn cảm giác sâu và chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý (Hạng B1); động kinh, liệt vận động từ 1 chi trở lên, hội chứng ngoại tháp, rối loạn cảm giác nông hoặc rối loạn cảm giác sâu và chóng mặt do các nguyên nhân bệnh lý (các Hạng A2, A3, A4, B2, C, D, E, FB2, FC, FD, FE)... Ngoài ra, Bảng tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe còn quy định các vấn đề về: mắt, tai mũi họng, tim mạch, hô hấp, cơ xương khớp...

Lái xe gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở Hà Đông có tiền sử bệnh động kinh nặng

Lái xe gây ra vụ tai nạn giao thông liên hoàn ở Hà Đông có tiền sử bệnh động kinh nặng

Từ quy định trên có thể thấy, khi người tham gia thi để được cấp giấy phép lái xe bắt buộc phải qua kỳ khám sức khỏe tại cơ sở y tế đủ điều kiện nhằm xác định người đó có đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông cơ giới tham gia giao thông hay không. Một người có bệnh hay không có bệnh thì chỉ có cơ quan chuyên môn về y tế khám và xác định người đó có bệnh hay không có bệnh. Còn một người bị bệnh tâm thần, động kinh hoặc có nhược điểm về tâm thần nhưng tại thời điểm thi để được cấp giấy phép lái xe, họ khám và được cơ quan chuyên môn xác định là đủ điều kiện theo quy định thì vẫn được cấp giấy phép lái xe. Việc cấp giấy phép lái xe không phải chỉ căn cứ vào lời khai báo, trình bày của người có yêu cầu cấp giấy phép lái xe là được.

Do vậy, sẽ không có việc người bị bệnh tâm thần, động kinh hay có nhược điểm về tâm thần nhưng vẫn cố tình thi để được cấp giấy phép lái xe. Nếu những người này dù có khả năng thi được giấy phép lái xe nhưng không đủ điều kiện về sức khỏe thì cũng không được cấp giấy phép lái xe. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn có không ít trường hợp khi thi và cấp giấy phép lái xe họ có đầy đủ sức khỏe, đủ điều kiện cấp giấy phép lái xe. Và sau khi được cấp giấy phép lái xe thì họ mới phát sinh những bệnh tật. Việc kiểm soát hay thu hồi giấy phép lái xe của những người bị bệnh tâm thần, động kinh hay có nhược điểm về tâm thần vẫn rất khó khăn và đến nay chưa có được một giải pháp tích cực, hiệu quả.

Về trường hợp người bị bệnh tâm thần, động kinh hay có nhược điểm về tâm thần được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm, khi họ gây tai nạn giao thông thì được quy định tại Điều 51-Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017. Theo đó, có rất nhiều tình tiết được xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, trong đó có các tình tiết: Người phạm tội là người khuyết tật nặng hoặc khuyết tật đặc biệt nặng; Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình... Như vậy là những trường hợp bị bệnh tâm thần, động kinh hay có nhược điểm về tâm thần khi vi phạm pháp luật thì tùy từng trường hợp cụ thể sẽ được hưởng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, nếu có căn cứ theo quy định.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.