Chỉ được đất tái định cư khi bị Nhà nước thu hồi về đất ở

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Bạn đọc hỏi: Gia đình tôi có hơn 1.000m2 đất trồng cây hàng năm và cây lâu năm (đất nông nghiệp dồn điền đổi thửa theo chủ trương của Nhà nước) và đã được cấp “sổ đỏ”. Thực hiện dự án khu đô thị thị trấn, UBND huyện ra quyết định thu hồi đất của gia đình tôi cùng hàng chục hộ gia đình khác. Mới đây, chính quyền huyện cũng đã tổ chức cưỡng chế đất của những gia đình không tự nguyện bàn giao mặt bằng, do họ nhận thấy việc bồi thường không thỏa đáng. Xin hỏi, UBND huyện có quyền thu hồi đất của nông dân đang canh tác để triển khai dự án khu đô thị không? Quy định về bồi thường như thế nào khi bị thu hồi đất? Nhà tôi hiện vẫn chưa có nhà đất để ở thì có được mua đất tái định cư không? Trường hợp cưỡng chế đất, hoa màu, cây cối, tài sản trên đất thì tiền bồi thường của những hộ dân bị cưỡng chế giải quyết như thế nào? Nguyễn Văn Thông (Hải Dương)
Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư Đặng Văn Sơn - (VPLS Đặng Sơn và Cộng sự, số nhà 31, ngõ 192, đường Tam Trinh, Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội)

Luật sư trả lời: Tại mục 3, Điều 62 - Luật Đất đai năm 2013 quy định về các trường hợp thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng thì thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: Dự án xây dựng khu đô thị mới, khu dân cư nông thôn mới; chỉnh trang đô thị, khu dân cư nông thôn; cụm công nghiệp; khu sản xuất, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, hải sản tập trung; dự án phát triển rừng phòng hộ, rừng đặc dụng... Như vậy là việc thực hiện dự án khu đô thị thị trấn ở địa phương thuộc trường hợp thu hồi đất để thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân tỉnh chấp thuận.

Về thẩm quyền thu hồi đất, theo quy định tại khoản 2, Điều 66 - Luật Đất đai thì Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất trong các trường hợp: Thu hồi đất đối với hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; Thu hồi đất ở của người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở tại Việt Nam. Trường hợp trong khu vực thu hồi đất có cả đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thu hồi đất hoặc ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thu hồi đất. Căn cứ quy định này thì UBND huyện có thẩm quyền thu hồi đất của nông dân đang canh tác để triển khai dự án khu đô thị tại địa phương.

Đối với việc chi trả bồi thường, khi thu hồi đất cần phải căn cứ vào Văn bản hợp nhất Luật Đất đai số 21/VBHN-VPQH ngày 10-12-2018; Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15-5-2014 về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6-1-2017 Sửa đổi, bổ sung một số nghị định quy định chi tiết thì hành Luật Đất đai; Nghị định số 06/2020/NĐ-CP ngày 3-1-2020 Sửa đổi, bổ sung Điều 17 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quyết định 63/2015/QĐ-TTg ngày 10-12-2015 về chính sách hễ trợ đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động bị thu hồi đất; Thông tư 37/2014/TT-BTNMT ngày 30-6-2014 Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Thông tư 80/2017/TT-BTC ngày 2-8-2017 hướng dẫn việc xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất, tài sản gắn liền với đất được hoàn trả khi Nhà nước thu hồi đất và việc quản lý, sử dụng số tiền bồi thường tài sản do Nhà nước giao quản lý sử dụng, số tiền hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất nhưng không được bồi thường về đất; và Thông tư 09/2021/TT-BTNMT ngày 30-6-2021 sửa đổi, bổ sung một số Điều của các thông tư quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đất đai.

Việc chi trả bồi thường khi thu hồi đất căn cứ vào quy định của Luật Đất đai (Ảnh minh họa)

Việc chi trả bồi thường khi thu hồi đất căn cứ vào quy định của Luật Đất đai (Ảnh minh họa)

Khi bị Nhà nước thu hồi đất, người sử dụng sẽ được bồi thường về việc thu hồi theo quy định tại Điều 74 - Luật Đất đai 2013. Việc bồi thường về đất được thực hiện theo nguyên tắc: Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật. Căn cứ quy định trên thì người sử dụng đất đảm bảo các điều kiện về loại đất mà mình đang sử dụng, về chứng nhận quyền đối với đất đó. Nếu không đảm bảo các điều kiện theo pháp luật quy định thì người sử dụng đất không được bồi thường.

Theo đó, điều kiện để được bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng quy định tại Điều 75 - Luật Đất đai 2013. Cụ thể, điều luật này quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không phải là đất thuê trả tiền thuê đất hàng năm, có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 77 của Luật này; người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc đối tượng được sở hữu nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam mà có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp. Cộng đồng dân cư, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng đang sử dụng đất mà không phải là đất do Nhà nước giao, cho thuê và có Giấy chứng nhận hoặc có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này mà chưa được cấp...”.

Ngoài ra, việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất và việc thu hồi đất phải được tiến hành dân chủ, minh bạch, công khai, kịp thời và đúng pháp luật. Việc bồi thường về đất phải được thực hiện dựa trên 3 nguyên tắc nêu trên. Nếu vi phạm các nguyên tắc đó thì việc bồi thường là trái với quy định của pháp luật. Nếu việc bồi thường trái pháp luật gây ảnh hưởng đến lợi ích của mình, người sử dụng đất có quyền khiếu nại với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để bảo vệ quyền lợi. Để cụ thể các văn bản của pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất thì UBND các tỉnh ban hành Quyết định, Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất phù hợp với từng tỉnh.

Theo quy định tại Điều 86 - Luật Đất đai, việc bố trí tái định cư chỉ cho người có đất ở bị thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở. Trường hợp nhà bạn bị thu hồi đất nông nghiệp mà hiện vẫn chưa có nhà đất để ở thì bạn có thể làm đơn kiến nghị với Hội đồng giải phóng mặt dự án xem xét cho bạn mua đất tái định cư. Trường hợp Nhà nước cưỡng chế đất, hoa màu, cây cối, tài sản trên đất thì tiền bồi thường của những hộ gia đình bị cưỡng chế sẽ được chuyển vào Kho bạc Nhà nước và khi bạn muốn nhận lại tiền đền bù, hỗ trợ bạn sẽ làm đơn gửi Hội đồng giải phóng mặt bằng dự án hoặc UBND cấp quận, huyện tại địa bàn của bạn để được xem xét giải quyết.

Bạn đọc có nhu cầu được tư vấn pháp luật xin mời gửi thư đến tòa soạn, địa chỉ số 82 Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm, Hà Nội; hoặc gọi điện đến Đường dây nóng: (024)39426618; 0903289922; hoặc hòm thư điện tử: bandoc@anninhthudo.vn.