Xem lịch âm - Lịch vạn sự hôm nay ngày 26 tháng 1 năm 2024 tốt hay xấu?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lịch vạn sự ngày hôm nay 26-1-2024 có gì đáng chú ý? Hôm nay là ngày thuận lợi cho Đi xa, di chuyển, dời chỗ, giải quyết công việc, nhóm họp, bàn bạc, giao thiệp, chỉnh đốn nhà cửa, tu bổ đồ đạc.

Thứ 6 ngày 26 tháng 1 năm 2024

Năm Quý Mão

Tháng Chạp (Đủ)

Tháng Ất Sửu

Ngày Kỷ Sứu

Giờ Giáp Tý

Ngũ hành: Hỏa - Sao: Lâu - Trực: Kiến

Đại Hàn: 20/01/2024 (10/12 âm lịch) lúc 21g08’

Lập Xuân: 04/02/2024 (25/12 âm lịch) lúc 15g28’

Hòn Dấu: nước lớn 05g00’ - nước ròng 18g06’

Giờ Hoàng đạo: Dần (03g-05g), Mão (05g-07g), Tỵ (09g-11g), Thân (15g-17g), Tuất (19g-21g), Hợi (21g-23g)

Giờ hoàng đạo là giờ tốt theo phong tục.

Theo phong tục của người dân Việt Nam thì có hai loại giờ: giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo. Giờ hoàng đạo nghĩa là giờ tốt, có thể làm được nhiều việc trọng đại như: ăn cưới, đón cô dâu, nhập học, làm tang lễ, an táng, thành hôn, giao dịch, buôn bán, giao tiếp... Tuy nhiên không phải trường hợp nào cũng có thể áp dụng giờ hoàng đạo được. Theo dân gian, trong mỗi ngày thì có 6 giờ hoàng đạo và 6 giờ hắc đạo. Vì vậy, giờ hoàng đạo và giờ hắc đạo được chi phối bằng nhau trong mỗi ngày, mỗi tháng, mỗi năm.

Người Việt Nam quan niệm rằng, trên trời sẽ có 28 vì sao chiếu mệnh là nhị thập bát tú. Trong đó có hai loại sao là sao tốt và sao xấu. Nếu giờ đó thuộc cung của sao Tốt thì có nghĩa là giờ tốt, nếu giờ đó phạm phải sao xấu sẽ giờ xấu. Tùy theo mức độ, tính chất của sao mà tốt trong mỗi lĩnh vực. Ví dụ: Sao Bích tốt trong cưới hỏi, sao Lâu tốt trong xây dựng...

Theo phong tục cổ truyền Việt Nam, khi khởi đầu một việc gì, ngoài việc chọn ngày lành tháng tốt còn phải chọn giờ tốt. Xuất hành, khởi công xây dựng, khai trương cửa hàng, bắt đầu đi đón dâu, đưa dâu, bắt đầu lễ đưa ma, hạ huyệt, khánh thành công trình... đều phải chọn giờ hoàng đạo.

Nhưng lưu ý là có những trường hợp đặc biệt không thể máy móc chọn giờ tốt được. Ví dụ sắp đến giờ tàu, xe xuất phát, nếu đợi giờ tốt có khi nhỡ kế hoạch; hoặc có giờ tốt, ngày tốt, nhưng thời tiết rất xấu, chưa khởi công được... Nếu cứ quá câu nệ nhiều khi lại hỏng việc. Và nếu làm như thế, nó trở thành mê tín dị đoan, hậu quả khó lường.

Thuận lợi: Đi xa, di chuyển, dời chỗ, giải quyết công việc, nhóm họp, bàn bạc, giao thiệp, chỉnh đốn nhà cửa, tu bổ đồ đạc.

Cung hoàng đạo: Ma Kết – Con dê biển (22/12 - 19/1): Người thuộc cung này có tính cách nhã nhặn, cầu toàn, có trách nhiệm nhưng hơi bảo thủ, quyết đoán.

* Những câu nói, ngạn ngữ, châm ngôn hay, thú vị của ngày hôm nay:

“Bạn không bao giờ mất đi vì yêu thương. Bạn sẽ luôn mất đi khi cố giữ lại” (B. De Algelis)

“Cuộc sống không có nghĩa là dễ dàng. Nó luôn luôn biến động. Đôi lúc hạnh phúc, có lúc lại khổ đau… Nhưng với tất cả những bước THĂNG TRẦM trong cuộc sống, bạn lại học được những bài học làm cho bạn MẠNH MẼ LÊN” (Khuyết danh)

“Phần quan trọng nhất của cuộc sống không phải là sống mà là nghiền ngẫm về nó” (Sinclair Lewis)

Cả nước có 3.359 thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia 2024

Chiều 25-1, Bộ GD-ĐT công bố kết quả Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT năm học 2023-2024 với 3.359 thí sinh đạt giải.

Hơn 3.300 thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia bậc THPT 2024
Hơn 3.300 thí sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia bậc THPT 2024

Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia trung học phổ thông năm học 2023-2024 được tổ chức vào các ngày 5 và 6/1/2024. Cả nước có 5.812 thí sinh đến từ 70 đơn vị tham gia dự thi ở 12 môn thi: Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học, Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí, Tiếng Anh, Tiếng Nga, Tiếng Pháp và Tiếng Trung Quốc.

Hội đồng chấm thi đã chọn được 3.359 thí sinh đạt giải chiếm 55.79%. So với năm học 2022-2023, số lượng thí sinh tham gia dự thi là 4.589 thí sinh; có 2.283 thí sinh đạt giải, chiếm tỷ lệ 49,75%.

Theo quy định của Quy chế thi mới được ban hành từ ngày 10/10/2023, được áp dụng từ Kỳ thi năm nay: tổng số giải, từ Khuyến khích trở lên, không vượt quá 60% số thí sinh dự thi; trong đó, tổng số giải Nhất, Nhì, Ba không vượt quá 60% tổng số giải, số giải Nhất không vượt quá 5% tổng số giải.

Công tác chấm thi đã được Bộ GDĐT tổ chức theo đúng quy định của Quy chế thi bảo đảm yêu cầu an toàn, nghiêm túc, chính xác, khách quan, công bằng. Theo quy định của Quy chế thi, trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả thí sinh được quyền đề nghị phúc khảo bài thi.

Cơ quan An ninh điều tra cảnh báo thủ đoạn mạo danh điều tra viên, gọi điện 'điều tra vụ án'

Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an cho biết, thời gian qua, liên tiếp xảy ra nhiều vụ việc người dân bị các đối tượng mạo danh là cán bộ Công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, có vụ số tiền bị chiếm đoạt lên đến hàng tỷ đồng.

Thời gian qua, Cơ quan An ninh điều tra (Bộ Công an) tiến hành điều tra nhiều vụ việc, vụ án hình sự có phạm vi địa bàn rộng khắp cả nước, liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp.

Khi Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an gửi giấy mời, giấy triệu tập, hoặc có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ, một số cá nhân hoặc người đại diện cho tổ chức, doanh nghiệp thường tìm kiếm các mối quan hệ để nhờ tác động cơ quan điều tra tạo điều kiện, xem xét giảm nhẹ trách nhiệm liên quan.

Lợi dụng vấn đề trên, các đối tượng tự xưng là cán bộ hoặc có các mối quan hệ thân thiết với cơ quan điều tra, viện kiểm sát… tạo dựng nhiều “kịch bản” để lừa đảo người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án nhằm chiếm đoạt tiền, tài sản có giá trị từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng.

Các đối tượng thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đa dạng, đủ mọi thành phần, từ các đối tượng “lừa đảo chuyên nghiệp”, đối tượng hình sự đến những người không có việc làm ổn định, lao động phổ thông, thậm chí có cả trường hợp là cán bộ, công chức, nhân viên hợp đồng trong các đơn vị Nhà nước… Nạn nhân mà các đối tượng lừa đảo này thường tập trung nhắm đến là người thân của bị can, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, các tổ chức, doanh nghiệp có liên quan mà cơ quan điều tra đang kiểm tra, xác minh làm rõ.

Một số phương thức, thủ đoạn các đối tượng lừa đảo thường sử dụng là: Các đối tượng này thường mạo danh là cán bộ, lãnh đạo Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, hoặc là cán bộ trong ngành Công an, hoặc có quan hệ thân quen với lãnh đạo cơ quan điều tra, lãnh đạo Bộ Công an nhằm thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chúng trực tiếp liên lạc hoặc thông qua các đối tượng trung gian liên hệ với nạn nhân để khai thác thông tin, hứa hẹn sẽ giúp tác động cơ quan điều tra, đồng thời yêu cầu nạn nhân gửi “quà”, “chi phí” để mời cơm, bồi dưỡng cho điều tra viên và lãnh đạo cơ quan điều tra.

Khi đã tạo được lòng tin với nạn nhân, các đối tượng lừa đảo tiếp tục lấy lý do rằng qua trao đổi với phía cơ quan điều tra, được biết vấn đề của các nạn nhân là vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng, có thể bị khởi tố; nếu nạn nhân không muốn bị xử lý hình sự thì đưa thêm tiền để các đối tượng sẽ giúp tác động với các cơ quan tiến hành tố tụng. Các nạn nhân do nhẹ dạ, cả tin, không am hiểu pháp luật, lo sợ nên tiếp tục đưa tiền theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo.

Ngoài ra, các đối tượng lừa đảo còn tự giới thiệu có mối quan hệ thân thiết với lãnh đạo nhiều cơ quan cấp cao, hoặc mạo danh là người nhà hoặc trợ lý của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, cung cấp ảnh chụp của bản thân với các đồng chí lãnh đạo (ảnh được chỉnh sửa, cắt ghép bằng công nghệ) để tạo niềm tin với nạn nhân. Chúng lợi dụng tâm lý muốn tìm hiểu, nắm bắt thông tin của người nhà bị can hoặc người có hành vi vi phạm pháp luật đang bị cơ quan tố tụng điều tra để hứa hẹn tác động, can thiệp, “chạy án”… và nhận tiền của nạn nhân nhưng không thực hiện, lấy nhiều lý do để không trả lại tiền, thậm chí bỏ trốn.

Bên cạnh đó, đáng chú ý, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ để chuyển đổi, giả mạo đầu số điện thoại, mạo danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật như Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để gọi điện cho cá nhân, đại diện cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp lấy lý do liên quan các vụ án, vụ việc đang điều tra để gây sức ép, làm nạn nhân hoang mang, sau đó yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản do các đối tượng này cung cấp để chiếm đoạt.

Liên quan đến các vụ việc trên, trong năm 2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố 2 vụ án gồm vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại TP Hồ Chí Minh và một số địa phương khác, khởi tố 3 bị can; vụ án "Đưa hối lộ; môi giới hối lộ; lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố, khởi tố 7 bị can về tội danh trên.

Để phòng tránh, không bị sập bẫy của các đối tượng lừa đảo, Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an thông báo phương thức, thủ đoạn hoạt động mới của loại tội phạm “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” để quần chúng nhân dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp biết, nâng cao cảnh giác, đề phòng, không tin vào sự hứa hẹn của các đối tượng, không tiếp tay, tạo điều kiện để các đối tượng thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Các tổ chức, cá nhân khi phát hiện dấu hiệu của tội phạm này cần báo ngay cho cơ quan chức năng gần nhất để có biện pháp ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật.