Xe công nông tự chế, xe 3-4 bánh: Khó loại bỏ được ngay

ANTĐ - Việc cấm xe công nông, ba gác, xe lôi, xe kéo được thực hiện từ năm 2008. Nhưng qua 5 năm, hiện vẫn còn đến hơn 9.700 xe chưa được loại bỏ. Nguyên nhân là do kinh phí hỗ trợ chuyển đổi gặp khó khăn, trong khi phương tiện hỗ trợ thay thế chưa có lối ra.

Xe ba, bốn bánh vẫn lưu thông dù đã có lệnh cấm

Vẫn còn hàng nghìn xe 

NQ số 32/2007/NQ-CP năm 2007 của Chính phủ quy định: “Từ ngày 1-1-2008, đình chỉ lưu hành toàn bộ ô tô đã hết niên hạn sử dụng, xe công nông, xe tự chế 3, 4 bánh. Trường hợp cố tình vi phạm sẽ bị tịch thu, xử lý bán phế liệu, sung vào công quỹ”; “Đình chỉ hoạt động các cơ sở lắp ráp, tự chế các loại phương tiện giao thông cơ giới đường bộ và đường thủy nội địa trái phép, nếu cố tình vi phạm có thể tịch thu trang thiết bị trực tiếp sản xuất của cơ sở đó”.

Theo thống kê, vào năm 2008, cả nước cần loại bỏ 15.777 xe công nông tự chế, các xe này không được kiểm định cấp giấy chứng nhận để tham gia giao thông, song, mới hỗ trợ chuyển đổi sang xe tải nhẹ cho 6.017 xe với tổng số tiền là 54,1 tỷ đồng, cho gần 6.000 hộ. Hiện vẫn còn hơn 9.700 xe công nông tự chế chưa được hỗ trợ thay thế, chưa kể số lượng xe do người dân tự chế phát sinh từ năm 2008 đến nay. 

Thực hiện quy định của Chính phủ, qua 5 năm, Nhà nước đã hỗ trợ hơn 860 tỷ đồng cho các chủ xe công nông, xe lôi máy, xe cơ giới ba bánh, xe thô sơ 3-4 bánh để dừng hoạt động 154.220 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông. Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, từ năm 2009 đến nay, những xe 3 bánh tự chế không được phép kiểm  tra để đăng ký biển số tham gia giao thông. Xe ba bánh dùng cho người khuyết tật sản xuất, lắp ráp mới phải tuân thủ việc kiểm tra chất lượng trong sản xuất lắp ráp, nhập khẩu theo quy định. 

Ông Khuất Việt Hùng, Vụ trưởng Vụ vận tải cho biết, một số địa phương thực hiện chưa nghiêm túc, xe công nông,  xe 3-4 bánh tự chế vẫn lưu thông trên đường quốc lộ như ở Bắc Kạn, Sơn La, Tây Ninh, Ninh Thuận... Một số địa phương có số lượng lớn phương tiện là xe công nông thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ để chuyển đổi, tuy nhiên do thủ tục hồ sơ chưa đủ hoặc không có, nên vẫn lưu hành. Ví dụ như Đắk Lắk, có tới gần 3.000 xe công nông và xe tải quá niên hạn song chỉ có 352 xe công nông các loại được hỗ trợ chuyển đổi. 

Cần phương tiện thay thế 

Năm 2009, Chính phủ đã chỉ đạo thí điểm sản xuất, lắp ráp xe 4 bánh có gắn động cơ để thay thế xe ba gác, xe công nông, xe lôi. Tháng 6-2013, Chính phủ đã cho phép Công ty CP tập đoàn T&T Motor sản xuất và cung ứng loại phương tiện này ra thị trường. Tuy nhiên, cái khó hiện nay theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam, trên thế giới không có nước nào sản xuất loại xe 4 bánh gắn động cơ nên không có tiêu chuẩn để kiểm định. Các xe 4 bánh này không thể đưa vào các Trung tâm đăng kiểm để kiểm định như xe ô tô được. “Chỉ Việt Nam mới sản xuất và sử dụng loại xe này. Xe cơ giới mà chỉ bán mua nhìn bằng mắt thường thì không thể đảm bảo được”, lãnh đạo Cục Đăng kiểm Việt Nam cho hay.

Đại diện Sở GTVT tỉnh Bến Tre cũng cho rằng, loại xe thay thế 4 bánh gắn động cơ hoạt động không hiệu quả, trong khi xe mô tô 3 bánh nhập khẩu từ Trung Quốc giá thành quá cao. Toàn tỉnh Bến Tre có đến hơn 4.500 phương tiện thuộc diện bị đình chỉ tham gia giao thông, phần lớn là xe lôi máy. Tuy nhiên, do chưa có phương tiện thay thế nên việc cấm toàn bộ số phương tiện trên hoạt động gặp nhiều khó khăn. Ước tính, Bến Tre cần khoảng 23 tỷ đồng để hỗ trợ người dân chuyển đổi phương tiện thay thế, nghề nghiệp.

Phó Cục trưởng Cục CSGT đường bộ, đường sắt, Bộ Công an, Đại tá Hữu Dánh bày tỏ, 5 năm qua chỉ có hơn 8.000 phương tiện chuyển đổi đăng ký. “Điều này cho thấy, loại phương tiện thay thế chưa phù hợp với nhu cầu của người dân về giá cả cũng như tính năng sử dụng”. 

Bày tỏ về thực trạng này, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho hay, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện việc đình chỉ các phương tiện không đủ điều kiện tham gia giao thông, không thể để loại phương tiện mất an toàn này chạy trên đường. Tuy nhiên, cũng cần phải nghiên cứu đưa ra phương tiện thay thế cho người dân sử dụng. “Loại xe 4 bánh gắn động cơ thay thế xe công nông, xe thô sơ 3-4 bánh hiện chạy ở vùng đồng bằng thì thích hợp, nhưng với vùng núi, địa hình xấu thì chưa đáp ứng được. Chúng ta cần phải nghiên cứu loại phương tiện thay thế phù hợp với từng vùng, miền và có lộ trình thực hiện”.