Vận tải hành khách công cộng đến năm 2020:

Xe buýt vẫn là chủ lực

ANTĐ - Phát triển vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) bằng xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó định hướng từ nay đến năm 2020 xe buýt vẫn là phương tiện VTHKCC chủ lực tại các thành phố lớn. Tuy nhiên, nhiều người lo ngại, khi chất lượng xe buýt ngày càng xuống cấp.

Xe buýt vẫn là chủ lực ảnh 1
Người dân mong xe buýt cải thiện thực sự về cơ sở hạ tầng và chất lượng phục vụ


Kiến nghị tiếp tục trợ giá

Theo Vụ Vận tải (Bộ GTVT), VTHKCC bằng xe buýt hiện đang giữ vai trò chủ đạo trong việc phục vụ người dân đi lại tại các đô thị, đặc biệt tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Mặc dù Nhà nước đã có kế hoạch đầu tư phát triển tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, xe buýt vận chuyển khối lượng lớn… tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số thành phố khác, song xe buýt sẽ vẫn giữ vai trò chính từ nay đến năm 2020. Do vậy, để VTHKCC bằng xe buýt phát triển mạnh, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ tiếp tục chính sách trợ giá cho xe buýt; ưu tiên phát triển phương tiện này. Cụ thể, miễn thuế nhập khẩu cho xe buýt của các dự án, phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; miễn hoặc giảm thuế nhập khẩu phương tiện, tổng thành, phụ tùng thiết bị xe buýt, ưu tiên xe buýt sử dụng năng lượng sạch và có thiết bị hỗ trợ người khuyết tật…

Sở GTVT Hà Nội đã đề nghị Chính phủ tiếp tục chính sách trợ giá cho hành khách để thu hút người dân đi xe... Ngoài ra, cần đầu tư phát triển thêm các điểm trung chuyển, hiện Hà Nội mới có 2 điểm trung chuyển xe buýt tại Cầu Giấy và Long Biên là rất thiếu. 

Khó nhất vẫn là quỹ đất, hạ tầng

Về lâu dài, để tạo thuận lợi cho việc đi lại của người dân cũng như giảm tai nạn và ùn tắc giao thông thì phải phát triển VTHKCC theo hướng vận tải đường sắt, là quan điểm của Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng. Đến thời điểm này, trong nhiều dự án đường sắt đi nổi, ngầm đã có 2 dự án đang được triển khai là dự án đường sắt Nhổn - Ga Hà Nội và Cát Linh - Hà Đông. Theo ông Hùng, ngay từ bây giờ phải tính toán việc xây dựng các nhà ga đường sắt có kết nối đồng bộ với VTHKCC bằng đường bộ. 

Liên quan đến việc phát triển VTHKCC bằng xe buýt theo đề án đã được Chính phủ phê duyệt, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng, các địa phương cần dành quỹ đất cho phát triển giao thông, bởi hiện Hà Nội và TP Hồ  Chí Minh đất cho giao thông chỉ 7-8% trong khi theo quy định phải từ 20-26%. “Nếu không giải quyêt được quỹ đất cho giao thông, nhất là ở các thành phố lớn thì vấn đề ùn tắc chỉ có thể đỡ phần nào chứ không thể triệt để được”.

Về chính sách trợ giá theo đề nghị, ông Đinh La Thăng cho rằng, phải xây dựng cơ chế chính sách trợ giá cụ thể theo điều kiện của từng địa phương. Bởi, lâu nay trợ giá cho doanh nghiệp công khai minh bạch là rất khó, kể cả làm đúng vẫn bị nghi ngờ không biết tiền trợ giá có thật sự giúp cho người dân không. Cho nên cần phải có cơ chế trợ giá cụ thể. Đồng thời, các địa phương cần áp dụng các công nghệ tự động hoá trong quản lý hoạt động trong phát triển VTHKCC, đổi mới, nâng cao chất lượng dịch vụ để người dân ngày càng thân thiện hơn với VTHKCC.