Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội

ANTD.VN - Sau nhiều năm đề xuất ý tưởng, nghiên cứu xây dựng, Sở VH-TT Hà Nội vừa chính thức hoàn thành dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” và dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính TP Hà Nội”. Hai bộ quy tắc này được kỳ vọng sẽ là chuẩn mực nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử, góp phần gìn giữ nét văn hóa Hà Nội.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội ảnh 1Giúp đỡ người khuyết tật là một trong những điều nên làm, theo “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng”. Ảnh: LAM THANH

Thông điệp nơi công cộng

Ông Nguyễn Khắc Lợi - Phó Giám đốc Sở VH-TT Hà Nội cho biết, ở nhiều thành phố lớn trên thế giới, từ lâu đã có những bộ quy tắc ứng xử, ví như quy tắc ứng xử giữa cá nhân với cá nhân, giữa cơ quan công quyền với người dân… Trong quá trình toàn cầu hóa, việc xây dựng một hệ thống quy tắc trong các môi trường giao tiếp của Hà Nội để hình thành bản sắc riêng phù hợp với truyền thống và mang nét hiện đại là một việc làm cấp thiết. Ngay từ khi ý tưởng mới ra đời đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Năm 2013, đề án đã từng được trao Giải thưởng Bùi Xuân Phái - Vì tình yêu Hà Nội, hạng mục Ý tưởng.

Đến thời điểm này, dự thảo “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” và “Bộ quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính TP Hà Nội” đã được hoàn thành và trình Thường trực Thành ủy, UBND TP Hà Nội xem xét phê duyệt. 2 bộ quy tắc không phải văn bản pháp quy, bắt buộc mọi công dân phải thực hiện, mà nó chỉ đưa ra chuẩn mực chung, khuyến cáo người dân cùng thực hiện.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội ảnh 2Người dân mong chờ thái độ niềm nở, đúng mực của công chức khi đến các cơ quan hành chính

Cụ thể, “Bộ quy tắc ứng xử nơi công cộng” đã đề ra 9 điều không nên ở địa điểm công cộng: Không gây tiếng ồn, mất trật tự; không xả rác, chất thải trái quy định; không hút thuốc, khạc nhổ, phóng uế tùy tiện; không thả rông vật nuôi…

Bên cạnh đó còn có 7 điều nên làm: Ưu tiên, giúp đỡ người khuyết tật, phụ nữ có thai, người già trẻ em; ăn mặc lịch sự phù hợp hoàn cảnh; bảo vệ cảnh quan môi trường; nói lời cảm ơn xin lỗi phù hợp…, cũng những khuyến cáo như vậy, bộ quy tắc đã đề ra các điều nên và không nên đối với vỉa hè, lòng đường; vườn hoa, quảng trường; khu vực tín ngưỡng tôn giáo; bảo tàng, thư viện; trung tâm thương mại - siêu thị, nhà hàng; nhà ga, bến tàu bến xe, sân bay và cuối cùng là khu vui chơi giải trí.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội ảnh 3Giúp đỡ người khuyết tật...

Công chức tự soi mình

Ông Nguyễn Khắc Lợi cho biết thêm, trong suốt gần 3 năm xây dựng đề án, Sở VH-TT và đơn vị phối hợp thực hiện đã có nhiều khảo sát về các nhóm khách thể khép kín trên địa bàn gồm từ khu dân cư cho tới địa điểm công cộng, cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp thương mại (riêng lực lượng vũ trang không thuộc đề án nghiên cứu vì các đơn vị này thực hiện theo điều lệnh).

Với 6 chương, 18 điều, ngoài việc đề ra những ứng xử chung như thời gian làm việc, ăn mặc, tác phong, sử dụng phương tiện tài sản thì “Bộ Quy tắc ứng xử cơ quan, đơn vị hành chính Hà Nội” còn xây dựng những điều khoản cụ thể. Đó là, công chức ứng xử với đồng nghiệp, ứng xử giữa công chức và công dân, với đơn vị pháp nhân (cơ quan cấp trên, cơ quan cấp dưới, cơ quan liên quan).

Tại chương 3, điều 7 của dự thảo bộ quy tắc cũng đề ra một số “chuẩn” để công chức tự soi mình như: Không đọc thư tín cá nhân, không đồn thổi, tung tin, bịa đặt, bảo vệ danh dự cho đồng nghiệp hoặc không đố kỵ, lôi kéo bè cánh, tạo phe nhóm hoặc không quảng cáo, vận động mời gọi đồng nghiệp và công dân mua bán, trao đổi hàng hóa, dịch vụ có tính chất kinh doanh trong giờ hành chính. 

Đặc biệt, trong chương về ứng xử giữa công chức và công dân, cũng có những quy tắc về chuẩn mực, liêm khiết, công tâm, giữ đúng phạm vi quyền hạn hay tại Điều 8, ứng xử với cấp trên thì phải giữ đúng quy tắc về trung thực, thẳng thắn, góp ý xây dựng chân thành và không xu nịnh, hối lộ. Điều 9, về việc ứng xử với cấp dưới là các nguyên tắc: Gương mẫu, bao dung, quan tâm, công bằng dân chủ đồng thời là kỷ luật nghiêm minh.

Xây dựng chuẩn mực văn hóa Hà Nội ảnh 4...và xếp hàng là những hành vi nên làm ở nơi công cộng

Ông Nguyễn Khắc Lợi cho rằng, đây là những quy định có tính chất khuyến khích, khuyến cáo, hướng người dân cùng thực hiện. Trong suốt gần 3 năm triển khai xây dựng, thành viên ban soạn thảo cũng đã tiến hành khảo sát, nghiên cứu đánh giá thực trạng, điều tra xã hội học tại nhiều địa bàn trên toàn thành phố.

Cùng với đó là tham khảo, so sánh hệ thống quy tắc ứng xử ở một số quốc gia trên thế giới, những nước có nền văn hóa tương đồng, từ đó xây dựng và đề xuất hệ thống quy tắc ứng xử đối với từng đối tượng.

Cũng theo ông Nguyễn Khắc Lợi, việc đưa các bộ quy tắc ứng xử  của người Hà Nội vào cuộc sống là rất cần thiết, song không thể nóng vội. Thời gian tới, khi bộ quy tắc này chính thức được phê duyệt và ban hành, Sở VH-TT Hà Nội tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền vận động, lấy ý kiến đóng góp của nhiều thành phần trong xã hội, vừa thực hiện, vừa tiếp tục hoàn thiện.